Ông cục trưởng chống tham nhũng bị "thiến"

Bị đá dập tinh hoàn

Đêm 18-9-2001, Lý Sơn, 44 tuổi, Cục trưởng Cục chống tham nhũng huyện vào ca trực. Vào khoảng 2 giờ sáng, có tiếng động cơ từ ngoài cổng vọng vào. Lý Sơn vội thò đầu ra ngoài cửa sổ nghe ngóng. Viện trưởng Viện kiểm sát Hứa Bảo khựng ngay giữa sân cơ quan. Dưới ánh trăng, Lý Sơn nhận ngay ra viện trưởng của mình đã say khướt. Lý Sơn lạnh sống lưng, bởi ấn tượng trong óc ông là một Hứa Viện trưởng nát rượu, sau khi quắc cần câu thấy ngứa mắt là ra tay đánh người...

Ông cục trưởng chống tham nhũng bị "thiến" ảnh 1

 Cảnh đẹp Cam Túc (Trung Quốc)

Lý Sơn mở rộng cửa phòng trực ban, bước tới trước mặt Hứa chào và mời ông ta vào. Còn cách đến mấy mét, Hứa hùng hổ bước thẳng tới Lý Sơn. Lý chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì đột nhiên bị một trận thượng cẳng chân hạ cẳng tay gió táp mưa sa dội tới tấp xuống người ông... Lý tối  tăm mặt mũi, quay người chạy bổ ra phía sảnh lớn nhưng Hứa Viện trưởng nhanh chân hơn vọt lên. Ông ta tung một cú đá mạnh như trời giáng trúng ngay vào hạ bộ Lý Cục trưởng! Lý gục ngay tại chỗ, lăn lộn quằn quại.

Cú đá dập tinh hoàn khiến Lý đau không thể chịu đựng nổi, mồ hôi vã ra như tắm, lưng áo ướt đẫm, toàn thân nhớp nháp. Lý Cục trưởng nghiến răng chịu đau, vừa bò vừa lết về phía phòng trực ban và cố gượng trèo lên giường, nằm co quắp, rên hừ hừ.

Cuối cùng thì trời sáng rõ, Lý Sơn cố lết ra cửa phòng, vừa tới mép hè thì gặp Triệu Quân tới thay ca trực. Triệu Quân thấy Lý Sơn tỏ ra rất đau đớn, vội ngồi thụp xuống hỏi nguyên do. Tuy đang đau tới tận cùng nhưng Lý Sơn vẫn không dám nói sự thật. Triệu Quân đón xe đưa Lý tới bệnh viện.

Bác sĩ khám vết thương cho Lý Sơn xong, nhíu mày, khẽ thở dài: "Thương tích của anh khá trầm trọng, phải nằm viện điều trị, theo dõi". Lý Sơn ngổn ngang trăm mối, cắn môi nói với bác sĩ: "Thưa bác sĩ, tôi công tác rất bận rộn, xin bác sĩ kê đơn phát cho ít thuốc để điều trị ngoại trú, khỏi phải trú viện". Bác sĩ lắc lắc đầu, đành kê đơn thuốc.

Bác sĩ khuyên nên cắt bỏ cặp tinh hoàn

Ngay buổi trưa cùng ngày, Ngô Tú Quyên - vợ Lý Sơn quay về nhà, tá hỏa khi thấy chồng nằm co ro trên giường rên la. Bị vợ hỏi tới tấp, Lý đành cất tiếng run run: "Ông Viện trưởng Hứa uống rượu say, nổi khùng vô cớ đá dập tinh hoàn tôi!".

Ngô Tú Quyên vội xem thực hư, nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Anh cứ nằm nghỉ ở nhà, để tôi đi tìm cái thằng ác ôn táng tận lương tâm đó làm cho ra nhẽ". Lý Sơn hốt hoảng giơ tay ngăn lại, lắp bắp nói với vợ: "Mình chớ có đi! Mình mà đi thì rồi tôi ăn nói làm sao với lãnh đạo đây? Liệu tôi có còn được công tác nữa hay thôi?...".

Lý Sơn nằm tĩnh dưỡng tại nhà một ngày, phần hạ thân vẫn đau nhức toát mồ hôi. Tới nửa đêm Lý càng đau dữ dội. Sáng sớm hôm sau, Ngô Tú Quyên vội thu xếp một số vật dụng cần thiết, đưa chồng đi nhập viện. Lý Sơn cắn răng chịu đau, nghẹn ngào nói: "Thôi, cứ để tôi ở nhà dùng thuốc mình ạ. Hứa viện trưởng biết tôi vào nằm viện, ông sẽ bực tức, cho rằng tôi ăn vạ ổng".

Ngô Tú Quyên gạt nước mắt nói: "Anh bị người ta đấm đá tới thân tàn ma dại vầy rồi, mà còn sợ cái gì nữa chớ? Dùng dằng chậm điều trị là khốn đó!" Trước sự kiên quyết của vợ, Lý Sơn đành phải vào viện.

Tinh hoàn của ông đã sưng to. Bác sĩ phải tiêm thuốc tiêu viêm và truyền dịch cho ông. Bác sĩ khuyên chị Ngô đưa chồng tới bệnh viện tuyến trên. Theo sự hướng dẫn của bác sĩ, chị Ngô đưa chồng tới khám và điều trị tại một bệnh viện lớn trong thành phố Lan Châu.

Sau hơn 40 ngày, bệnh tình của cục trưởng chẳng hề thuyên giảm. Điều trị bằng thuốc vô tác dụng, bác sĩ trưởng nhóm điều trị nói với vợ chồng Lý Sơn: "Bây giờ, cách duy nhất để cứu mạng sống của Lý Cục trưởng là phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn cả hai bên..." Nghe xong, cả hai vợ chồng Lý Sơn sững sờ, tái mặt toát mồ hôi vì thất vọng. Trước cảnh ngộ như vậy, bác sĩ chỉ còn biết an ủi họ: "Thế để chúng tôi suy nghĩ, bàn bạc lại...".

Giám định: Tàn tật cấp 8

Lý Sơn vừa cố cắn răng ghìm cơn đau, vừa gồng mình chịu đựng nỗi đau tinh thần. Vợ chồng ông càng rối trí hơn khi không biết xoay xở đâu ra một khoản tiền đặt cọc ban đầu để điều trị. Vất vả hơn nữa là Ngô Tú Quyên hàng ngày vừa phải tới nhà máy làm việc, vừa tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để vào viện chăm sóc chồng nên chỉ sau một thời gian trông chị gầy guộc, già trước tuổi.

Ngô Tú Quyên quyết định xin nghỉ việc ở nhà chăm sóc chồng. Buồng bệnh quá tải, hàng đêm chị chẳng được nằm hoặc ngồi cạnh chồng. Chị phải ngồi co ro chờ sáng ngoài hành lang cùng nhiều người nhà bệnh nhân khác.

Trong thời gian Lý Sơn nằm viện, có một người rất năng vào hỏi thăm và động viên ông sớm ra viện. Người nọ khuyên nhủ: "Anh Lý ạ, về nhà điều trị ngoại trú thôi, không nên gây ảnh hưởng xấu tới Hứa Viện trưởng, nếu cứ tiếp tục "ăn vạ" trong này thì cũng chẳng tốt cho anh!  Chớ nên làm Hứa Viện trưởng khó xử. Chuyện vừa rồi chẳng qua là Hứa Viện trưởng quá chén, đùa vui quá mức với anh thôi".

Lý Sơn thừa hiểu nếu tiếp tục nằm viện thì Hứa Viện trưởng sẽ rất bối rối, nên đề nghị bác sĩ kê cho một đơn thuốc rồi xin xuất viện tháng 11-2001. Ngay hôm sau ngày Lý Sơn xuất viện, Hứa Viện trưởng dẫn theo toàn bộ ê-kíp lãnh đạo Viện kiểm sát huyện tới nhà Lý "thăm hỏi". Hứa móc túi lấy ra 1.000 tệ (tương đương hai triệu đồng VNĐ) ấn vào tay Lý và bảo Lý viết ngay một tờ giấy biên nhận... vay!

Cuối tháng 12, Ngô Tú Quyên được nhắn tới Viện kiểm sát huyện. Hứa Viện trưởng nghiêm nét mặt nói với chị: "Thím về nói ngay với chú ấy là phải thu xếp sớm đi làm. Chuyện lôi thôi này đã tới tai Viện kiểm sát tỉnh rồi, chú ấy đã bôi tro trát trấu vào mặt tôi, ảnh hưởng xấu tới danh dự tô!".

Lý Sơn đau tới mức gượng dò từng bước, thử hỏi đi làm sao đặng? Nỗi đau xác thịt chỉ là một phần, mà quan trọng hơn, đau đớn hơn là anh đã mất hoàn toàn chức năng sinh lý.

Buổi trưa một ngày tháng 1-2002, một người quen gọi điện thoại cho Lý Sơn, hẹn anh tới một khách sạn nọ... đàm phán. Lý Sơn nén cơn đau nhờ người đưa tới nơi hẹn, đã thấy Hứa Viện trưởng và một số người đợi sẵn. Người quen nọ nói với Lý Sơn: "Đấy anh xem, Hứa Viện trưởng đối xử với anh rất tốt, cùng người đằng mình với nhau cả, có gì khúc mắc ta cứ từ từ bàn bạc tháo gỡ. Hay nhất là anh sớm đi làm đi, cái ghế cục trưởng của anh hiện có không ít kẻ đang hau háu để mắt tới đó".

Hứa Viện trưởng cười ha ha, nói: "Thực tình tớ chỉ đùa hơi quá tay với cậu chút xíu, trong cơ quan tớ vẫn coi cậu như thằng em, nên trong giao tiếp hơi bả lả... Trong chuyện này anh em mình đều bị thiệt thòi, cậu thì bị đau chút xíu, tớ thì mất tiền. Tiền viện phí của cậu thời gian qua để tớ chịu tất, không đưa chuyện ra cơ quan... Sau Tết, ra giêng cậu nên sớm đi làm nha".

Lý Sơn nghe mà lửa giận muốn bốc lên ngút trời, nhưng ngay lập tức lại tắt ngấm, không dám nói, thầm nghĩ: Mình dù sao cũng dưới quyền lãnh đạo của ông ấy. Ông nở nụ cười méo xệch, nói: "Nếu không quá đau đớn thì tôi cũng đã đi làm rồi".

Sau Tết ta, bệnh tình của Lý Sơn càng nặng. Ngày 3-4, Ngô Tú Quyên đưa chồng tới y viện quân khu kiểm tra. Kết quả: tinh hoàn bên trái bị teo lại, bìu tinh hoàn bên phải bị ứ dịch. Nghe bác sĩ phán xong, Lý Sơn giật bắn người, muốn gục xuống, bởi anh từng nghe bác sĩ nói: trường hợp nguy hiểm nhất là tinh hoàn bị teo tóp.

Lý Sơn tới Bắc Kinh và vào kiểm tra tại bệnh viện Thiên Đàn. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ bảo phải cắt bỏ hoàn toàn tinh hoàn cả hai bên để cứu tính mạng của Lý Sơn. Lý Sơn suy sụp hoàn toàn. Hơn nửa năm trời sau khi xảy ra việc, Lý Sơn vẫn không dám tố cáo Hứa Viện trưởng. Bây giờ, Lý Sơn biết việc cắt bỏ tinh hoàn là chuyện không thể tránh khỏi. Ông hiểu ra rằng, bản thân không thể im lặng được nữa. Ngày 9-5-2002, Lý Sơn đi làm giám định pháp y. Kết quả cho hay: "... Mất hẳn khả năng sinh lý tình dục... tàn tật cấp 8...".

Tám vạn đồng mua phận đàn ông

Tháng 5-2002, bác sĩ bệnh viện bảo Lý Sơn sớm đi làm phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn bên phải. Lý Sơn không đủ tiền trả kinh phí ca mổ, đành phải quay về đơn vị vay tiền. Vừa bước vào cổng lớn Viện kiểm sát huyện, một đồng sự ngăn Lý Sơn lại bảo: "Chuyện của anh nên gọi viện trưởng một tiếng, buộc ổng bồi thường thiệt hại một khoản tiền!". Lý Sơn gật gật đầu bảo sẽ suy nghĩ.

Tay đồng sự này lại nói: "Hứa Viện trưởng bảo ổng đã bỏ ra hơn hai vạn tệ, chỉ có thể bỏ ra thêm nhiều nhất là năm vạn nữa. Ông bảo cũng cạn kiệt rồi, không moi đâu ra tiền nữa để đền thêm!". Lý Sơn cảm thấy khoản tiền đó là quá thấp, khó mà chấp nhận được.

Chữa bệnh là quan trọng. Lý Sơn chuyển sang ý định làm đơn vay ngân hàng một khoản. Ông gõ cửa hai ngân hàng và được trả lời: Phải có tài sản thế chấp mới được vay! Nhưng trong nhà đã sạch bách, chẳng còn thứ gì đáng giá để thế chấp, căn nhà cấp bốn của vợ chồng ông cũng đã thế chấp vay khoản tiền dùng làm kinh phí chữa bệnh trước đó rồi.

Ngày 5-6, Lý Sơn đệ đơn kiện Viện trưởng Viện kiểm sát huyện Hứa Bảo lên TAND huyện. Chánh án nói cục trưởng Cục chống tham nhũng kiện viện trưởng Viện kiểm sát ra trước tòa là một chuyện không đơn giản, vậy nên phải thỉnh thị thượng cấp mới có thể quyết định được.

Ngày 22-8-2002, mấy người quen hẹn Lý Sơn tới khách sạn Hoa Hồng, nói với anh: "Giữa chúng ta đều là đồng sự, bạn hữu, có thể điều đình thỏa thuận với nhau. Điều kiện mà anh nêu ra cũng không nên quá cao, Hứa Viện trưởng chỉ có thể chi thêm năm vạn tệ nữa thôi".

Lý Sơn nói: "Tôi đã phải tiêu tốn mấy vạn tệ rồi, cạnh đó còn bị tổn thương rất lớn về mặt tinh thần. Căn cứ vào những điều khoản quy định hữu quan của pháp luật, Hứa Viện trưởng phải bồi thường khoản trợ cấp tàn phế trong 20 năm và tổn hại tinh thần của tôi". Người quen nói: "Thôi vầy, để ổng bồi thường anh hơn sáu vạn tệ. Anh cứ về đi, chúng tôi sẽ bàn tiếp với ông Hứa".

Ngày 30-8, tại văn phòng viện trưởng Viện kiểm sát, Cục trưởng Cục chống tham nhũng Lý Sơn và Viện trưởng Viện kiểm sát Hứa Bảo đã đạt được thỏa thuận, lấy văn bản "Về ý kiến xử lý thương tích của tôi" do Lý Sơn viết làm khế ước thỏa thuận. Cả hai bên đạt được sự đồng thuận. Về phần ông Hứa ngoài việc đã chi 2,21 vạn nhân dân tệ viện phí, tiền thuốc thang, tiền kiểm tra, điều trị bệnh tật ra, còn chi thêm 6,3 vạn nhân dân tệ tiền bồi thường thiệt hại trọn gói một lần cho ông Lý. Từ đây coi như chấm dứt không còn kiện tụng nữa.

Từ tháng 10 trở đi, Lý Sơn nhiều lần phản ánh tình hình với lãnh đạo thị ủy và ban, ngành tổ chức cán bộ từ huyện lên tới tỉnh, yêu cầu xử lý hành vi "vô cớ hành hung cán bộ dưới quyền tới tàn phế" đối với Hứa Bảo. Nhưng rồi chỉ nhận được trả lời trấn an: Yên tâm chờ đợi, cấp trên sẽ nghiên cứu điều tra, xử lý nghiêm minh, không xuê xoa bao che.

BÙI CƯỜNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm