NHỮNG KỲ ÁN ĐẤT ĐAI Ở NAM BỘ THỜI KHẨN HOANG - BÀI 2:

Ông thủ khoa mang án tử

Ông Bùi Hữu Nghĩa, người đậu thủ khoa kỳ thi hương ở Gia Định, được dân gọi là thủ khoa Nghĩa. Ông tập sự ở Bộ Lễ, rồi được bổ làm tri phủ Phước Long (Biên Hòa), sau bị giáng làm tri huyện Trà Vang (tỉnh Trà Vinh ngày nay) thuộc tỉnh Vĩnh Long, dưới quyền của Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chính Truyện.

Tranh chấp rạch Láng Thé

Tại đây, có lần ông đánh đòn em vợ Bố chính Truyện bởi thói xấc láo gây hiềm thù và sau đó ông bị ghép tội tử hình từ vụ án rạch Láng Thé.

Nguyên Trà Vang là vùng cộng cư của các tộc người Kinh, Hoa, Khmer nhưng đông nhất là người Khmer. Năm 1783, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi đã về đây trú ẩn, được người Khmer giúp lương thực, theo phò. Khi lên ngôi, Nguyễn Ánh xuống chiếu miễn thuế, cho người Khmer độc quyền khai thác nguồn lợi thủy sản ở rạch Láng Thé. Thấy nguồn lợi lớn, một số người Hoa đem tiền lo lót Tổng đốc Uyển và Bố chính Truyện giành quyền khai thác cá tôm ở rạch này.

Tháng 10-1848, ông Nhêsrok, Trưởng Sóc và một số người Khmer đến khiếu kiện với tri huyện Bùi Hữu Nghĩa. Ông Nghĩa khẳng khái phê vào đơn: Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ ban cho dân Thổ, nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà dám đứng bán rạch ấy thì có chém đầu nó cũng không sao!

Ông thủ khoa mang án tử ảnh 1

Tượng thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ảnh tư liệu

Sau vụ này, những người dân Khmer và những người Hoa tranh cãi, xô xát làm chết tám người Hoa. Tổng đốc Uyển và Bố chính Truyện bắt những người Khmer gây án, đồng thời bắt luôn Bùi Hữu Nghĩa giải về Gia Định, đệ sớ lên triều đình quy tội ông đã kích động dân Khmer làm loạn và lạm phép giết người. Khi hay tin triều đình kết tội chết cho chồng, bà Nguyễn Thị Tồn, vợ thủ khoa Nghĩa, nhờ người em bạn dì là Quản Kiệm tìm cách lùi ngày thi hành án, chờ bà quá giang ghe bầu ra Huế kêu oan.

Kích cổ Đăng Văn

Thời đó, vua Minh Mạng phối hợp ba cơ quan là Bộ Hình (Tư pháp), Đô Sát viện (Viện Giám sát) và Đại Lý tự (Tòa Phá án) thành tòa án tối cao gọi là Tam Pháp ty, tức Tam Tòa, để giải quyết khiếu nại của dân. Cứ đến ngày mùng 6, 16, 26 hằng tháng, Tam Pháp ty mở hội đồng để xét xử. Trước Tam Pháp ty có một cái trống đại gọi là trống Đăng Văn.

Sách Đại Nam Thực Lục chép: “Phàm thần dân ở trong kinh và ngoài các tỉnh ai có oan khuất thì đưa đơn. Hội đồng nhận đơn cứ chiếu lý bàn xử, rồi hội hàm làm thành tập tấu dâng lên. Sau khi được chỉ, việc nào quan hệ đến nha nào thì chép đưa cho nha ấy làm theo. Khi tiếp được tờ tâu phong kín thì lập tức dâng trình, không được tự tiện phát đi. Còn những ngày khác, mỗi nơi cắt một thuộc viên đều thay phiên thường trực, nếu có người thần dân nào có tờ tâu phong kín tố cáo việc bí mật hoặc sự việc thật cần kíp khẩn thiết không thể đợi đến nhật kỳ nhận đơn thì cho bất kỳ lúc nào cũng được đánh trống Đăng Văn, đưa đơn kêu. Người thường trực nhận lấy đơn ấy, một mặt đem người kêu ấy giao cho lính thủ hộ coi giữ, một mặt trình lên Công chính đường. Còn tờ trạng phong kín ấy cũng lập tức được dâng trình. Các đơn khác thì trước hết tóm tắt lại chép thành phiến để tâu biết, rồi phải theo lý bàn kỹ đợi chỉ sẽ xử sự nghiêm ngặt…”.

Vua Tự Đức lại ra lệnh trong Thành Nội không ai được đánh trống để khỏi lầm với tiếng trống Đăng Văn. Người bị xử oan ức thì đến lầu đặt trống, đánh ba tiếng dõng dạc và một hồi vang vọng, Tam Pháp ty cử người trực ở chòi trống, hễ thấy ai đánh trống kêu oan thì nhận đơn rồi đưa vào.

Ông thủ khoa mang án tử ảnh 2

Lăng mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa ở phường An Thới, quận Bình Thủy, Cần Thơ. Ảnh: wikipedia.org

Ông thủ khoa mang án tử ảnh 3

Cửa Thượng Tứ ở Huế, nơi ngày xưa đặt Tam Pháp ty và trống Đăng Văn để người dân đánh trống kêu oan. Ảnh: Internet

Nghe thấy tiếng trống, dù lúc ấy nhà vua đang làm gì cũng sẵn sàng nhận đơn kêu oan. Nhà vua đọc xong, phê trên đơn và đưa xuống Tam Pháp ty xét xử. Nhà vua phán quyết. Để đề phòng bọn gây rối đánh trống náo loạn, người đánh trống sẽ tự trói tay chân mình để khẳng định tiếng trống đúng là của mình đánh. Chính mình là nhân chứng của mình, mình phải chịu trách nhiệm về sự đúng đắn của tiếng trống ấy.

“Tiết phụ khả gia”

Đến Huế, bà Tồn đã tìm gặp Phan Thanh Giản đang làm thượng thư Bộ Lại trình bày sự việc rồi đến Tam Tòa đánh ba hồi trống kích cổ Đăng Văn. Nhờ vậy, Bùi Hữu Nghĩa được vua Tự Đức tha tội chết, song phải chịu “quân tiền hiệu lực”, bị đày làm lính thú ở đồn Vĩnh Thông (Châu Đốc), đoái công chuộc tội.

Bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) đã mời bà Tồn vào cung và ban hưởng tấm biển chạm nổi bốn chữ vàng Tiết Phụ Khả Gia.

Sau khi cứu được chồng, bà Tồn về đến quê hương ở Biên Hòa, lâm bệnh nặng rồi mất. Thủ khoa Nghĩa đang ở biên giới Châu Đốc nên về đến nơi thì việc tống táng đã xong, ông làm bài văn tế muộn, một cặp câu đối khóc vợ thống thiết:

“Ngã bần, khanh năng trợ; ngã oan khanh năng minh, triều dã giai xưng khanh thị phụ

Khanh bệnh, ngã bất dược; khanh tử ngã bất táng, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu”.

(Ta nghèo, mình hay giúp đỡ; ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ/ Mình bịnh, ta không thuốc thang; mình chết, ta không chôn cất; non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng).

Mối tình của ông và bà Tồn là nguồn cảm hứng cho ông viết tác phẩm Kim Thạch kỳ duyên, một kịch bản tuồng nổi tiếng sau này.

Một vụ phá án nhờ trống Đăng Văn

Một nhóm người Hoa ở phố Gia Hội (Huế) và Quảng Nam về quê Trung Quốc thăm nhà, bị quan quân tuần biển chặn lại giết người, cướp của. Nhóm tuần tiểu còn tâu lên triều đình xin thưởng công trừ giặc. Một người trong số quan quân nhà Nguyễn gần phố Gia Hội ăn nhậu không tiền trả, cầm chiếc nhẫn cho chủ quán. Mặt nhẫn có khắc tên người chủ nên vợ nạn nhân nhận ra và viết đơn, đánh trống.

Vụ án được sách Đại Nam Thực Lục chép như sau: “Nguyên mùa hè năm Tự Đức 4 (1851), Chưởng vệ Phạm Xích, Lang trung Tôn Thất Thiều quản suất thuyền Bằng Đoàn đi tuần biển, tâu trình gặp ba chiếc thuyền giặc ở hải phận Quảng Nam - Quảng Ngãi, họ bèn bắn chìm một chiếc, một chiếc chạy trốn về đông, còn lại một chiếc hư hại nặng; quan quân áp sát giết hết đồ đảng khoảng 70-80 tên, đưa thuyền về đảo Chiêm Dữ neo lại, xin triều đình ban thưởng! Sau khi nhận đơn kêu oan; vua Tự Đức xem lại tờ tâu trước, bấy giờ mới phát hiện rằng giặc nhiều thế sao lại kháng cự yếu ớt, dễ dàng bị tiêu diệt đến thế; sinh nghi, vua sai quan bộ binh đi khám xét điều tra lại. Viên đội trưởng trong vệ Tuyển Phong là Trần Hựu thú nhận rằng: Ngày 18-5 năm Tân Hợi (17-6-1851), thuyền quan đậu ở cửa biển Thị Nại, được tin có ba chiếc thuyền lạ ngoài hải phận đảo Thanh Dữ. Phạm Xích chẳng hỏi ất giáp gì, đuổi theo bắn, không gặp sự kháng cự nào; chúng chỉ một mực bỏ chạy về hướng đông. Khi Xích áp gần một chiếc, bắn một phát thì thuyền ấy cuốn buồm, 33 người tới thuyền nan trình thẻ, nói là nhà buôn ở phố Thừa Thiên xin về thăm quê (Trung Quốc) và đã được cấp phép, lại có quen biết với Tôn Thất Thiều. Nhưng Thiều lại sai bắt chém hết; Xích cũng sai bọn suất đội Dương Cù đem 76 người còn lại trên thuyền giết luôn, ném xác xuống biển. Quan Bộ Binh cho rằng bọn Xích giết càn để cướp của, lại mạo xưng công lao, tâu vua giao cho Tam Pháp ty tra xét. Án thành, Thiều là chủ mưu, bị đổi họ và cùng với Phạm Xích bị xử tội lăng trì, vợ con phải phát phối; Dương Cù xử tội trảm quyết, Trần Hựu biết thú nhận, được tha. Vua Tự Đức tức giận, phê chuẩn ngay bản án.

(Theo Xưa và nay số 391, tháng 11-2011)

LÊ ĐẠI ANH KIỆT

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

bài test

bài testLongform

(PLO)- Trải qua 124 ngày giãn cách xã hội với nhiều lần thay đổi cấp độ, biện pháp chống dịch, TP.HCM đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước bước vào giai đoạn bình thường mới và dần thích nghi với việc sống chung cùng COVID-19.
[Infographic] Top 10 xe ô tô bán chạy tháng 6/2020 - Test bài

[Infographic] Top 10 xe ô tô bán chạy tháng 6/2020 - Test bàiInfographic

(PLO)- Mùa dịch vẫn chưa đi qua hẳn nhưng doanh số bán xe ô tô có hướng tăng trở lại đối với một số dòng xe. Vẫn là những chiếc xe phân khúc giá tiền dễ tiếp cận nằm đầu top, đối với tháng 6 vừa qua thì doanh số đầu bảng thuộc về Honda City, vượt doanh số của Vios hơn 300 chiếc xe.
Tôi ghét những cánh tay giơ lên

Tôi ghét những cánh tay giơ lên

Ngày nay chuyện bốn phương tám hướng gì cũng loan truyền chóng mặt. Ngoài một rừng cơ quan báo chí chuyên nghiệp thì giới đưa tin dạo còn nhiều gấp vạn lần.
Vinh danh kỳ 29: Bảng vàng về với Đắk Lắk

Vinh danh kỳ 29: Bảng vàng về với Đắk Lắk

(PL)- Số lượng bạn đọc ở Đắk Lắk đã từng được trúng giải À Ra Thế khá nhiều, tuy nhiên đây là lần đầu tiên bảng vàng xướng tên một bạn đọc ở địa phương này, đồng thời Bình Phước vẫn luôn giữ “áp đảo” các vị trí còn lại.
Dù vé số trúng thưởng cũng chỉ phạt hành chính

Dù vé số trúng thưởng cũng chỉ phạt hành chính

(PL)- Nếu tình huống chỉ dừng lại ở số tiền 300.000 đồng, chắc hầu hết bạn đọc đều có đáp án cho tình huống này. Nhưng cùng với hai tờ vé số trúng thưởng được 6 triệu đồng, nhiều bạn đọc đã “vội vã” kết luận A phải bị xử lý hình sự.