Ông Xênh cổ vật - Bài 1: Thà nghèo chứ không bán cổ vật

Trong tiệm thuốc Bắc Bố Dy ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn, Quảng Ngãi), một người đàn ông có dáng người thấp đậm đang đặt một bó hoa bên cạnh những chiếc chum dính đầy sò, ốc biển đặt trước nhà. Một làn khói hương nhẹ nhàng lan tỏa, hư hư, thực thực. Đó là ông Lâm Dũ Xênh, người sưu tầm cổ vật nổi tiếng, hiện là phó chủ tịch câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật tỉnh Quảng Ngãi. Nhà ông hiện có hơn 10.000 cổ vật các loại.

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo…”

Ông Xênh kể những cổ vật lôi lên từ đáy biển, những chiếc vò chum đồ tùy táng người Sa Huỳnh có cách đây 2.000-3.000 năm yên vị trên những rẻo cát biển, xương thịt của người Sa Huỳnh đều đã tan biến vào cát biển, trở thành những vật vô tri nhưng theo ông, khi mang vào nhà cũng phải đặt ngoài trời cho bớt âm khí, sau đó thắp hương xin phép các bậc tiền nhân rồi mới mang vào.

Ngôi nhà trở thành kho cổ vật của ông Xênh nằm sát quốc lộ 1A. Đặt chân vào nhà, cảm giác về sự náo nhiệt của dòng xe cộ xuôi ngược Bắc - Nam, về thế giới đương đại với xe, pháo, điện, đường... biến mất sau lưng. Tất cả nhường lại cho sự tĩnh lặng và một mùi rất đặc trưng toát ra từ chum, ché, đá, gỗ...

Bước vào ngôi nhà chứa đầy cổ vật của ông Xênh, khách được mời an tọa trên những chiếc ghế đặc biệt. Đó là những đế lót cột nhà có tuổi thọ ngót vài trăm năm. Chiếc bình, ly uống trà được ông Xênh rót mời khách cũng là chiếc bình cổ, giống như bình trà thời Khang Hy.

Ông Xênh cổ vật - Bài 1: Thà nghèo chứ không bán cổ vật ảnh 1

Ông Lâm Dũ Xênh (trái) đang giới thiệu cổ vật do ông sưu tầm được. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Gió thổi từ ngoài vào cửa sổ, hành lang dọc lối đi phát ra tiếng leng keng vui tai. Đó là thế giới lục lạc cổ trong nhà ông Xênh. Khoảng 3.000 lục lạc được ông sưu tầm khắp nơi mang về. Thời xưa, lục lạc để treo vào cổ ngựa, treo trong nhà để trừ tà ma. Người chết cũng được chia tài sản lục lạc. Trên những con đường quê, tiếng vó ngựa lốc cốc xen lẫn tiếng lục lạc. Âm thanh đó kéo mọi người về miền quá khứ xa thẳm.

Ông Xênh cho biết mất gần chục năm trời ông mới tha được cả ngàn lục lạc về để lưu giữ thành kho cổ vật mang dấu ấn xã hội người Việt thời phong kiến. Đứng trước kho lục lạc, ông Xênh nhắc đến câu thơ: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Lầu cũ lâu đài bóng tịch dương. Những người chơi cổ vật đều có tâm lý hoài cổ như ông Xênh.

Thế giới huyền bí của cổ vật

Trong nhà ông Xênh, dưới cầu thang, trên bàn, gầm tủ, trần nhà và lối đi... đều ngổn ngang cổ vật. Bạn sẽ có cảm giác nổi da gà khi mình được chào đón bởi những bức tượng đá rêu phong ngàn năm đặt ngay lối vào. Có tượng thì cụt đầu, có tượng chỉ còn đôi chân, có tượng biểu lộ sự buồn bã, có tượng với ánh mắt đầy xa xăm, huyền bí. Tất cả gợi lên sự kỳ bí, tò mò và hồi hộp khác lạ. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, cuộc sống của người tiền sử như đang cựa quậy, phập phồng.

Nghiện cổ vật nhưng ông Xênh thú thật vào ban đêm hay những ngày mưa gió ầm ào, đèn điện phụt tắt, ông có cảm giác lạnh người khi một mình soi đèn đi vào thế giới cổ xưa. Bởi trong cảnh tranh tối tranh sáng, những cổ vật in lên tường thành những hình thù quái dị như nhảy múa, cựa quậy...

Ông Xênh cổ vật - Bài 1: Thà nghèo chứ không bán cổ vật ảnh 2

Ông Xênh bên những thanh kiếm cổ của nhà Tây Sơn. Ảnh: plo.vn

Ông Xênh cổ vật - Bài 1: Thà nghèo chứ không bán cổ vật ảnh 3

Trống đồng Đông Sơn (niên đại hơn 2.500 năm) do ông Xênh sưu tầm được. Ảnh: TƯ LIỆU

Trên gác nhà ông Xênh, những xó xỉnh chất đầy cung, kiếm, hũ tùy táng người cổ, hạt mã não vốn là của dành cho người chết... Tất cả nằm ngổn ngang và trở thành nơi trú ngụ cho lũ chuột nên thỉnh thoảng lại vang lên tiếng sột soạt. Người giàu óc tưởng tượng sẽ có cảm giác hình như đám cổ vật đang thức giấc và có cuộc sống riêng giống như trong chuyện cổ tích.

Thà chịu nợ chứ không bán cổ vật

Là người đam mê cổ vật nên ông Xênh có những ngày dài rong ruổi khắp nơi để săn tìm cổ vật. Nghe một cuộc gọi, đọc một tin nhắn, ông Xênh vẫn mặc áo cũ, quần đùi và “bẩm báo” vợ là đi mua thuốc ở chợ. Bước ra khỏi nhà là ông leo lên xe ôm vọt ngay đến nơi có cổ vật. Thằng con biết ý ba đang lên cơn nghiền nên phân bua: “Má ơi, tía đi công chuyện chút về”.

Cổ vật trong nhà của ông Xênh có nhiều thứ không đụng hàng và có giá cao. Đắt tiền nhất có lẽ là những chiếc ché, trong đó có cái làm từ đời Khang Hy hiện có giá lên đến 200 triệu đồng/cái. Bên cạnh đó còn có nhiều cổ vật khác như chén, dĩa, bình, ly, lu, cối, kiếm, dao... xuất xứ từ nhiều triều đại khác nhau của Việt Nam và cả Trung Quốc. Nhưng ông Xênh nói ông chỉ trao đổi chút ít cổ vật trong nhà ông với giới cổ vật chứ ông tuyệt nhiên không bán. “Tổ tiên họ ủy thác cho mình giữ, mình bán coi như có tội” - ông nói. Bởi vậy, có thời điểm ông Xênh đã trở thành con nợ. “Đợt trước tôi đi vay ngân hàng 100 triệu để mua thêm mấy món hàng đem về trưng. Nợ thì hai vợ chồng ráng hốt thuốc Bắc bán, làm phải vài năm mới trả hết” - ông Xênh cho biết.

Nhà ông hiện có vài trăm thanh kiếm của nhà Tây Sơn. Ông Xênh đặt trên bàn thờ, gói khăn điều đỏ để phụng thờ. Bảo tàng Tây Sơn đến đặt vấn đề xin trưng bày và mua lại nhưng ông Xênh quyết định chỉ… tặng không cho bảo tàng. Cách đây vài tháng, ông lại quyết định tặng một số tư liệu mà ông sưu tầm được từ huyện đảo Lý Sơn cho Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có nhiều tư liệu quý khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Xênh nói: “Những cổ vật này mỗi ngày chỉ tăng thêm chứ không mất đi. Xênh chỉ trao đổi và mua thêm chứ không bán kiếm tiền. Cổ vật họ giao cho Xênh là để giữ gìn cho con cháu”.

“Cổ vật nó có hồn, bập vô nó là không yên đâu!” - giọng ông Xênh tỏ ra nghiêm trọng. Rồi ông kể lai lịch những cổ vật cùng những chuyện liên quan, ít nhiều mang màu sắc huyền bí…

Bạn của ngư dân

Các ngư dân trong vùng khi kéo lưới dính vật gì đó cũ kỹ, người đầu tiên mà họ nghĩ đến đó là ông Xênh. Cứ thấy đồ vật cũ kỹ và có hình dạng lạ mắt, được đào bới hoặc vớt lên từ biển thì họ lập tức mang đến ông Xênh. Có khi là một hũ tiền, khi là vài chiếc chum, những chiếc cối của tàu buôn trên biển... Cơ duyên đó giúp cho ông Xênh có khá nhiều cổ vật được vớt lên từ biển.

“Sư phụ, coi cái này được không?” - mấy ông ngư dân tóc nâu, da chì nhoẻn miệng cười đưa cho ông Xênh xem mấy đồ vật cũ kỹ. Ông Xênh gật đầu, “thôi thì biếu vài thang thuốc về cho bà già uống tẩm bổ”. Việc mua bán có khi bằng tiền, đôi khi chỉ vài thang thuốc Bắc tình nghĩa (ông Xênh vốn hành nghề hốt thuốc Bắc). Nếu vật không có giá trị gì thì ông Xênh cũng “biểu dương” lòng nhiệt tình bằng túm táo tàu về cho mấy đứa nhỏ. Tất nhiên, với cổ vật có giá trị, ông Xênh cũng trả tiền tương xứng cho họ.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Kỳ tới: Chạm vào quá khứ

Bức tượng người châu Phi đặt lên bàn tay có cảm giác lạnh toát. Ngàn năm trước, người châu Phi có thể đã từng đặt chân đến Đông Nam Á?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm