Phạm nhân nước ngoài và quản giáo “đặc biệt” ở Trại giam Thủ Đức

Không giống như nhiều đồng chí của mình đang công tác tại trại giam Thủ Đức có xuất thân từ các trường khối Cảnh sát, An ninh, Mai Thị Cảnh lại tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh Đại học Đà Nẵng. Mai Thị Cảnh nói rằng, khi còn ngồi trên giảng đường, chưa bao giờ cô nghĩ mình sẽ trở thành một chiến sĩ Cảnh sát. Giống như nhiều sinh viên ngoại ngữ khác, Mai Thị Cảnh cũng muốn có được một công việc đúng với chuyên ngành để cô có thể phát huy được hết khả năng tiếng Anh và tiếng Hàn mà cô đã học được trong trường Đại học.

Phạm nhân nước ngoài và quản giáo “đặc biệt” ở Trại giam Thủ Đức ảnh 1

Thiếu úy Mai Thị Cảnh.

Thế nhưng cuộc đời luôn có những ngã rẽ bất ngờ mà không ai có thể đoán định trước được. Cảnh gọi việc mình trở thành chiến sĩ Cảnh sát công tác tại Trại giam Thủ Đức là mối duyên với nghề. Sau khi tốt nghiệp, tình cờ được người quen giới thiệu, Mai Thị Cảnh nộp hồ sơ vào Trại giam Thủ Đức và trở thành một cán bộ quản giáo ở đây. Điều cô cảm thấy sung sướng và hạnh phúc nhất là dù công việc khác xa so với tưởng tượng khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng cô vẫn sử dụng được những kiến thức ngoại ngữ mà cô từng được đào tạo.

Mai Thị Cảnh chia sẻ: “Ngay từ nhỏ em đã rất có thiện cảm với nghề Cảnh sát. Bây giờ vừa được làm công việc mà mình yêu mến lại vẫn được làm đúng chuyên ngành nên em cảm thấy rất vui. Công việc của em và các đồng chí đang làm việc ở Trại giam Thủ Đức hiện nay giống như việc trồng lại những cái cây xanh yếu ớt đã bị gió bão quật ngã, góp phần giúp những con người lầm lỡ tìm về với nẻo thiện”.

Theo lời Thiếu úy Mai Thị Cảnh thì đội phạm nhân có quốc tịch nước ngoài mà cô đang trực tiếp tham gia giáo dục quản lý có 30 phạm nhân mang nhiều quốc tịch Việt Nam, trong số đó có cả những người gốc Việt nhưng mang quốc tịch nước ngoài.

Trước khi vào làm việc ở Trại giam Thủ Đức, Mai Thị Cảnh cũng đã biết nhiều thông tin về nơi này. Dù biết rằng mình sẽ làm việc ở một nơi xa trung tâm thành phố lớn, công việc vất vả do phải thức khuya dậy sớm, hàng ngày lại phải sống trong một môi trường làm việc phức tạp khi phải tiếp xúc với những con người từng phạm tội nhưng tất cả những điều đó không làm cho Mai Thị Cảnh cảm thấy lo sợ mà ngược lại cô còn coi đó là một môi trường tốt để rèn luyện con người mình trở nên cứng cáp hơn.

Thiếu úy Mai Thị Cảnh chia sẻ, việc truyền đạt tới những phạm nhân bằng tiếng Việt đã khó khăn thì việc truyền đạt bằng tiếng Anh để cho họ hiểu và tiếp thu những kiến thức giáo dục còn khó khăn hơn nhiều lần do rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Bởi trong số các phạm nhân người nước ngoài đang thụ án tại Trại giam Thủ Đức không chỉ có những phạm nhân đến từ các nước nói tiếng Anh mà còn có nhiều phạm nhân đến từ nhiều quốc tịch khác nhau nữa nên việc quản lý giáo dục gặp không ít khó khăn, đôi khi là những tình huống dở khóc dở cười.

Bên cạnh những tình huống đôi khi cười ra nước mắt do sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa thì cũng có những chuyện hết sức cảm động trong quá trình Mai Thị Cảnh tham gia quản lý đội. Cô nói với tôi rằng, dù tốt nghiệp ngành tiếng Anh nhưng cô vẫn còn nhiều bỡ ngỡ khi mới làm việc bởi thời gian còn ngồi trên giảng đường, kiến thức chủ yếu thông qua sách vở chứ ít có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài.

Khi vào môi trường làm việc thực tế tại trại giam Thủ Đức, làm việc với các phạm nhân nước ngoài với nhiều giọng tiếng Anh khác nhau, Mai Thị Cảnh đã học được rất nhiều từ chính những phạm nhân của mình. Không chỉ riêng những kiến thức tiếng Anh, những khoảng thời gian tham gia công tác quản lý giáo dục, Mai Thị Cảnh cũng hiểu biết thêm rất nhiều về ngôn ngữ và văn hóa các nước khác thông qua cách thức sinh hoạt và sự chia sẻ của phạm nhân.

Trong quá trình quản lý giáo dục những phạm nhân người nước ngoài, Mai Thị Cảnh cũng học thêm được những ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh từ những phạm nhân ở các nước không nằm trong cộng đồng sử dụng tiếng Anh. Song song với đó, tổ phạm nhân đôi khi cũng trở thành một lớp học tiếng Việt nơi Thiếu úy Mai Thị Cảnh trở thành cô giáo và các phạm nhân người nước ngoài là các học sinh.

Những giờ giao lưu về văn hóa và ngôn ngữ thường là những quãng thời gian vui vẻ nhất, góp phần tăng thêm hiệu quả cho công tác giáo dục cải tạo. Không chỉ có thế, từ những phạm nhân người nước ngoài trong một tập thể đa văn hóa đó, Mai Thị Cảnh cũng học được từ họ tinh thần độc lập cao và tinh thần tôn trọng sự khác biệt.

Theo lời Mai Thị Cảnh, đối với những người làm quản giáo, điều quan trọng nhất là giúp những người từng lầm lỗi hiểu được những sai lầm của họ và sửa chữa nó. Để làm được điều đó, bên cạnh việc tuân thủ những quy định của pháp luật của nhà nước đối với những phạm nhân, người quản giáo cũng phải động viên chia sẻ với phạm nhân để giúp họ ổn định tinh thần, yên tâm cải tạo.

Thiếu úy Mai Thị Cảnh kể lại câu chuyện về một nữ phạm nhân người Úc đã từng cải tạo ở Trại giam Thủ Đức. Bình thường, đó là một nữ phạm nhân khá vui vẻ và hoạt bát nhưng có một bữa người phụ nữ ấy trở nên buồn bã và không trò chuyện cùng những người phạm nhân khác, thậm chí đôi lúc còn tỏ ra cáu gắt trong giờ học tập.

Sau khi ân cần trò chuyện hỏi han, Thiếu úy Mai Thị Cảnh biết được gia đình người phụ nữ ấy đang có chuyện buồn. Cả hai vợ chồng cùng bị bắt do cùng vi phạm luật pháp Việt Nam và cùng đang thụ án ở Trại giam Thủ Đức, trong khi đó cậu em trai duy nhất ở nhà lại mắc phải căn bệnh ung thư máu hiểm nghèo mà không có ai chăm sóc bởi những người thân trong gia đình của người phụ nữ ấy đã mất hết chỉ còn lại người mẹ già yếu và cậu em trai đó. Sau khi an ủi, động viên, chia sẻ và tạo điều kiện cho nữ phạm nhân ấy được gọi điện về nhà nói chuyện với mẹ và em trai, một thời gian ngắn sau, phạm nhân đã yên tâm cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình.

Thiếu úy Mai Thị Cảnh nói rằng, công việc đã mang lại cho cô rất nhiều niềm vui và ý nghĩa đối với cuộc sống bởi nó cho cô cảm giác lúc nào mình cũng có ích cho cuộc đời. Càng ngày, cô càng cảm thấy gắn bó và yêu công việc của mình hơn.

Khi tôi hỏi Mai Thị Cảnh, có bao giờ cô sợ rằng mình sẽ khó tìm được bạn đời do làm công tác quản lý giáo dục trong trại giam không, cô tươi cười nói: “Tôi biết rằng công việc chúng tôi đang làm là rất vất vả, thường xuyên phải thức khuya dậy sớm và thời gian để chăm sóc gia đình không nhiều.

Bản thân tôi cũng chứng kiến sự vất vả của các anh chị cùng đơn vị sống trong khu tập thể của Trại giam phải thay nhau chăm sóc gia đình con cái để vẫn đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ. Tôi đang còn độc thân nên chưa nghĩ nhiều đến chuyện đó nhưng tôi nghĩ rằng nếu có một ai đó thực sự yêu mình, họ sẽ hiểu và thông cảm cho nghề nghiệp của chúng tôi. Hơn nữa, tôi cũng tin rằng mình sẽ cố gắng hết sức để có thể vừa làm tốt công việc và vừa chăm lo được cho gia đình nhỏ của mình”.

Rời Trại giam Thủ Đức, những quản giáo trẻ như Mai Thị Cảnh để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng đẹp bởi sự trẻ trung, nhiệt huyết và tình yêu mà họ dành cho công việc vốn đã rất vất vả này.

Những con người ấy càng giúp cho tôi hiểu được tại sao những phạm nhân đang cải tạo trong trại giam ấy dành cho họ những lời lẽ hết sức tốt đẹp cho những người quản giáo của mình, họ nói rằng “không phải ngầu nhiên mà họ (Trại giam Thủ Đức) hai lần được phong Anh hùng) và tôi cũng hiểu được tại sao đồng chí Đại tá Trần Hữu Thông – giám thị Trại giam Thủ Đức lại rất tự hào “khoe” với tôi rằng: “Nghề đã mang lại cho chúng tôi những người bạn đích thực – đó là những phạm nhân đã từng cải tạo ở Trại giam Thủ Đức”

Theo Đông Dương (Cảnh sát toàn cầu)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm