Siêu thị còn thiếu nụ cười

Theo quy hoạch phát triển hệ thống chợ giai đoạn 2009-2015, TP.HCM sẽ tăng số siêu thị từ 82 lên 177; số trung tâm thương mại từ 22 lên 163. Việc tăng siêu thị, trung tâm thương mại là một xu thế phát triển tất yếu trong thời hội nhập toàn cầu.

Siêu thị thay chợ

Cứ nhìn số người và xe nườm nượp đổ vào các siêu thị mỗi buổi chiều là có thể hình dung được sức hút của siêu thị. Siêu thị hút khách là nhờ khi vào đây, khách được thoải mái mua sắm, dạo chơi trong không khí mát mẻ, sạch sẽ. Siêu thị bán thực phẩm tươi sống theo cách của chợ nhưng tốt hơn do các mặt mạnh của siêu thị mà chợ không có.

Siêu thị còn thiếu nụ cười ảnh 1

Vào siêu thị mua mớ rau, cọng hành

Khách hàng vào siêu thị có thể mua thực phẩm các loại theo số lượng mình cần: một nhúm ớt, dăm cọång hành, vài cây cải... với giá chỉ vài trăm đồng, giống như ở chợ. Thế nhưng, ở siêu thị tiện hơn chợ vì khách được lựa chọn thoải mái, chẳng sợ ai càu nhàu vì mua số lượng quá ít hay lựa quá kỹ.

Trên tất cả mọi thứ tiện lợi, siêu thị chiếm được niềm tin của khách về vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng tin rằng  siêu thị là một tổ chức kinh doanh có tên tuổi nên không thể thu mua hàng trôi nổi, không có xuất xứ rõ ràng, chất lượng kém, có thể gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Nhiều người chọn việc đi siêu thị mua sắm để “xả stress”. Ngắm hàng, lựa chọn, thử rồi mua làm người ta vơi đi nỗi niềm riêng hay sự chán nản, mệt mỏi do áp lực công việc hàng ngày.

Siêu thị còn thiếu nụ cười ảnh 2

Khách hàng chọn thịt. Ảnh: HTD

Văn minh siêu thị: Chuyện hàng đầu

Siêu thị không hẳn đã hoàn toàn thay thế vai trò của chợ. Trong các chợ truyền thống, quan hệ giữa người bán và người mua còn có yếu tố tình cảm nảy sinh qua giao tiếp, quen biết chi phối việc mua bán.Ví dụ người bán dành loại hàng tốt, bán giá đặc biệt cho khách quen. Người mua nhất định mua món hàng đó từ một người bán duy nhất. Chính vì thế, siêu thị có thể huấn luyện nhân viên của mình bày tỏ tình cảm với người mua bằng biện pháp xây dựng văn minh siêu thị.

Có lúc vào một siêu thị, tôi tự hỏi mình đang đi mua sắm hay vào một cơ quan hành chánh. Vào các cơ quan hành chánh hiện nay, nhờ cuộc cải cách hành chánh, dân được tôn trọng. Có lẽ siêu thị cũng cần một số cải cách về thái độ ứng xử, giao tiếp.

Tại một siêu thị mang bảng hiệu nước ngoài, tôi thường  thấy cảnh chen lấn ở quầy gửi giỏ xách. Không đủ tủ chứa, nhân viên  siêu thị bỏ giỏ xách của khách vào một bao xốp rồi hàn kín lại để khách mang theo vào khu mua sắm. Cầm giỏ vào nơi bán hàng, tôi lo bao xốp bị rách, sợ bị nghi có ý ăn cắp.

Siêu thị còn thiếu nụ cười ảnh 3

Tha hồ lựa

Tôi rất cảnh giác vì đã đọc trên báo chuyện nhân viên bảo vệ siêu thị đánh khách hàng. Họ nghi khách ăn cắp hàng, người bị đánh uất ức tự tử chết. Trước các nhân viên bảo vệ này, tôi có cảm giác như mình luôn luôn bị theo dõi. Nhưng thật khó hiểu, nhân viên bảo vệ canh chừng gắt gao như thế mà việc bảo vệ an ninh cho khách hàng đi mua sắm lại rất lỏng lẻo. Rất nhiều khách hàng bị móc túi, mất tiền, mất điện thoại di động và mất cả máy ảnh đeo trên cổ.

Sau chuyến du lịch Mỹ, tôi vẫn nhớ anh chàng bán hàng trong một khu mua sắm ở Seattle, bang Washington. Khi tôi vào gian hàng bán đồ dùng trong nhà bếp, anh ta cúi đầu chào, nở một nụ cười rất tươi  và hỏi tôi có cần anh ta giúp không. Tôi vào xem hàng một hồi rồi đi ra tay không nhưng anh chàng vẫn hào phóng tặng tôi một nụ cười cũng tươi như nụ cười đầu tiên. Cho nên, nếu tăng số lượng siêu thị mà không cải cách văn minh siêu thị thì đó là điều thiệt thòi cho khách hàng khi không còn chợ để mua sắm.

NGỌC HƯƠNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm