Sự "nguy hiểm" của bầu Kiên

Anh Kiên rất giỏi kinh doanh, tôi tin tưởng anh ấy

Theo cáo trạng, ở tội danh trốn thuế, vì biết Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, bầu Kiên đã dùng thủ đoạn ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Công ty B&B (do ông Kiên làm chủ tịch HĐQT và vợ là bà Đặng Ngoc Lan làm Tổng giám đốc) với Nguyễn Thúy Hương (em gái ông Kiên). Qua đó, bầu Kiên chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp sang cho cá nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B với số tiền trên 25 tỉ đồng.

Tại phần thẩm vấn sáng nay, cả vợ và em gái bầu Kiên đều một mực bảo vệ anh mình, cho rằng bầu Kiên đã không làm gì sai.

Bắt đầu phần thẩm vấn, chủ tọa vẫn yêu cầu cách ly bầu Kiên.

Người đầu tiên được xét hỏi là bà Đặng Ngọc Lan, Tổng giám đốc B&B, vợ Nguyễn Đức Kiên.

Theo bà Lan, bà không biết việc gì ở công ty cả. Việc làm Tổng giám đốc thực ra là do chồng bà để bà làm chức vụ đó: “mọi hoạt động kinh doanh hay làm gì ở công ty đó tôi cũng không nắm được”.

Bà Đặng Ngọc Lan tại tòa sáng nay. Ảnh: TN 

Bà Lan khai thời điểm ký hợp đồng nói trên, bà đang nghỉ sinh con nên không biết ai trực tiếp soạn thảo hợp đồng, ai đàm phán. Bà chỉ được chồng mang hợp đồng về nhà cho ký.

“Tôi không điều hành hoạt động kinh doanh, tôi cũng không quan tâm đến hoạt động của công ty. Tôi cho rằng đó là việc của chồng tôi. Tôi tin tưởng ở chồng tôi, tôi nghĩ chồng tôi không có gì sai cả”- bà Lan khẳng định.

Tòa hỏi bà Nguyễn Thúy Hương (em gái của Kiên).

Bà Hương khai: “Anh Kiên đã làm trong lĩnh vực kinh doanh nhiều năm và là anh ruột tôi. Tôi rất tin tưởng ở anh ấy.

-“Chị có hiểu nội dung trong hợp đồng không”- tòa hỏi.

+Hiểu chi tiết thì tôi không hiểu. Nhưng tôi hiểu là tôi ủy thác cho công ty B&B thay mặt tôi đầu tư vào giá vàng ở ngoài lãnh thổ VN. Anh Kiên giải thích cho tôi là tôi không có chức năng kinh doanh tài chính. Bản thân tôi không đăng ký kinh doanh nhưng tôi có thể ủy thác cho người khác làm việc này. Anh Kiên nói tôi không phải ký quỹ, nếu lãi tôi được hưởng 99%, trả phí cho B&B 1%. Nếu thua lỗ tôi phải chịu hoàn toàn”.

Bà Hương cũng khẳng định: “Tôi không am hiểu về kinh doanh nhưng anh Kiên rất giỏi. Chúng tôi lại là anh em nên tôi tin tưởng hoàn toàn vào anh ấy”.

Tòa hỏi thêm đại diện ACB, vị này khẳng định thủ tục ủy thác (B&B ủy thác cho ACB-PV) là hợp pháp và ACB không biết việc bà Hương ủy thác cho B&B.

Tòa tiếp tục hỏi vợ bầu Kiên: “Việc thanh toán giữa B&B và chị Hương ai làm?”

+Tôi không biết. Có thể tôi sẽ ký một vài văn bản nào đó. Anh Kiên chồng tôi mang văn bản về cho tôi ký. Không có ai chỉ đạo cho tôi là phải thanh toán cho cô Hương, tôi không phải là người thực hiện lệnh chuyển tiền.

 Bà Nguyễn Thúy Hương. Ảnh: TN

Tòa lại hỏi tiếp em gái bầu Kiên. Bà Hương khai:

“Tôi có tất cả ba lần ký quyết toán chịu lỗ lãi, có một lần được nhận tiền vào giữa năm 2009. Tôi không nhớ rõ số tiền.

Tòa công bố: Lần đầu, bà Hương được hưởng 68 tỷ. Lần hai 31 tỷ nhưng B&B tạm ghi nợ, chưa thanh toán.

Chủ tọa sau đó tóm tắt lại quá trình thẩm vấn cho rằng, mọi việc bà Lan, bà Hương đều làm theo chỉ đạo của Kiên.

Bà Hương lập tức đứng lên “đính chính”: “Không phải anh Kiên chỉ đạo toàn bộ việc tôi làm. Do mong muốn kiếm tiền kinh doanh nên tôi tin tưởng, làm theo mọi hướng dẫn của anh Kiên”.

Sự "nguy hiểm" của bầu Kiên

Tòa mời đại diện Tổng cục Thuế. Vị này cho biết: “Trong công văn trả lời cơ quan cảnh sát điều tra, chúng tôi cho rằng bà Hương ủy thác cho B&B thì phải được phép của NHNN. Theo thỏa thuận hợp đồng, bà Hương vẫn trực tiếp điều hành lệnh mua lệnh bán nên chúng tôi cho rằng hợp đồng ủy thác giữa bà Hương và Công ty B&B là không hợp pháp. Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra lấy ý kiến thêm của NHNN”.

Tòa hỏi tiếp ông Vũ Quang Hưng (người giám định của BTC). Vị này cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã trưng cầu giám định đối với nghĩa vụ thuế phát sinh từ hợp đồng ủy thác đầu tư kinh doanh vàng của Công ty B&B với Ngân hàng ACB trong năm 2009. Theo kết luận giám định, thu nhập phát sinh tính thuế của B&B là trên 100 tỷ, số thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng là 25 tỷ.

Một khoảnh khắc thể hiện sự vui vẻ hiếm có của bầu Kiên tại tòa

Nguyễn Đức Kiên sau đó được đưa vào phòng xét xử. 

Bị cáo xác nhận Công ty B&B do bị cáo làm Chủ tịch HĐQT, vợ làm TGĐ và em gái Kiên là cổ đông. Hợp đồng ủy thác của bà Hương với B&B do Kiên trực tiếp soạn thảo.

“Ở công ty B&B, tôi là cổ đông chi phối trên 60%, cá nhân tôi tôi có quyền quyết định mọi hoạt động của công ty. Vợ tôi làm một số việc do tôi ủy quyền. Vợ tôi và em tôi mới kinh doanh nên mọi việc ở B&B tôi điều hành và chịu trách nhiệm”- Kiên khẳng định.

Khi tòa hỏi: “Hương là thành viên của B&B, vì sao lại phải ủy thác cho B&B?”

Kiên đáp: “Em tôi là giáo viên, mới chuyển sang kinh doanh kiếm tiền. Đây là lĩnh vực nhiều rùi ro nên tôi đồng ý cho em tôi kinh doanh qua B&B”.

-Quá trình thực hiện hợp đồng, ai là người ra lệnh mua- bán?

+Tôi là người ra lệnh mua, lệnh bán.

-Tại sao Hương không ra lệnh trực tiếp mà bị cáo lại ra lệnh, trong khi bị cáo nói muốn dạy em gái kinh doanh?

+Tôi làm đúng quy trình của một người anh cần dạy em trong kinh doanh. Nếu quy trình HĐXX nói thì em tôi là người dạy tôi chứ không phải ngược lại.

“Tôi rất muốn tôn trọng cơ quan điều tra và Tổng cục thuế, nhưng người hỏi đã hỏi không đúng địa chỉ, người trả lời không đúng chức năng. Tổng cục Thuế không có chức năng trả lời việc ủy quyền của Hương là đúng hay sai”- bầu Kiên gay gắt.

Bầu Kiên đề nghị HĐXX trích dẫn Quyết định 115 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Thuế để làm rõ việc này.

Trong khi đại diện VKS tìm kiếm để trích dẫn Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn thuế thu nhập trong 6 tháng đầu năm 2009, bầu Kiên đã nhắc: “Để đỡ mất thời gian, tôi xin nói Nghị quyết  Quốc hội là ngày 24 (thực ra chính xác là NQ 32/2009 ngày 19-6-2009 về thuế thu nhập cá nhân-PV). Trí nhớ của tôi rất tốt. Nghị quyết Quốc hội có giá trị tức thời, ngay lập tức”.

Bầu Kiên trong phần thẩm vấn sáng nay. Ảnh: TN 

Bầu Kiên nói thêm: “Khi giám định viên thực hiện giám định về việc thực hiện luật thuế TNDN thì phải giám định tất cả các hợp đồng phát sinh trong năm, không loại trừ bất cứ hợp đồng nào khi hợp đồng chưa được tuyên vô hiệu. Tuy nhiên, kết luận giám định đã tách riêng hợp đồng của Hương là không đúng, vì vậy mà kết luận giám định hoàn toàn sai sự thật”.

Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, trong mọi trường hợp, Tổng cục Thuế không có quyền tuyên hợp đồng không đúng pháp luật.

Cũng theo bầu Kiên, văn bản giám định đã thiếu một nội dung rất quan trọng, đó là đến ngày 31-12 hàng năm, các cơ quan được quyền đánh giá lại tài sản vàng, ngoại tệ… để xác định lại tài sản của công ty. B&B đánh giá lại, nếu trừ đi 100 tỷ của Hương thì vẫn lỗ 106 tỷ nên không phải nộp thuế. B&B đã có nhiều văn bản yêu cầu Tổng cục Thuế xác định lại số thuế B&B phải nộp nhưng đến giờ B&B chưa nhận được bất kỳ thông báo thuế nào.

Phiên tòa vẫn đang được tiếp tục.

THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm