Sự thật về đảo chính năm 1963

Nuôi dưỡng một chính quyền độc tài

Năm 1954, căn cứ vào quyết nghị của Hội nghị Genève, đất nước Việt Nam chia ra làm hai miền Bắc, Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Người Mỹ nuôi dưỡng chính quyền Ngô Đình Diệm độc tài tại miền Nam. Sự thối nát của chính quyền gia đình trị họ Ngô chỉ qua chín năm đã làm cạn kiệt lòng kiên nhẫn của Washington. Tháng 11-1963, Mỹ phát động cuộc đảo chính quân sự đã được vạch kế hoạch và chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, khiến Ngô Đình Diệm chết thảm ngay dưới bàn tay độc địa của chính chủ mình.

Sự thật về đảo chính năm 1963 ảnh 1

Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu trên đường Lê Văn Duyệt

Ngọn lửa Thích Quảng Đức

Đêm khuya ngày 10-6-1963, Brown - phóng viên hãng tin Mỹ ABC thường trú tại Sài Gòn nhận được cú điện thoại của một người bạn thân Việt Nam là hòa thượng Thích Đức Nghiệp. Với giọng úp mở rất thần bí, hòa thượng bảo Brown rằng sáng mai chịu khó tới chân bảo tháp Phật giáo tại trung tâm thành phố, sẽ được tận mắt chứng kiến “một sự kiện mang tính lịch sử”.

Trước đó, Brown cũng từng điều tra về phong trào chống đối chính phủ Ngô Đình Diệm do các tín đồ Phật giáo đề xướng và cũng được biết phong trào này ngày càng lan rộng. Với sự nhạy bén của một nhà báo gạo cội, ông ta lập tức dự cảm trong chuyện lớn này có điều huyền hoặc.

Tờ mờ sáng hôm sau, ông ta đã vội tới tháp Phật tại trung tâm Sài Gòn. Nơi đó đã tập trung rất đông người, các vị hòa thượng choàng áo cà sa màu vàng, các ni cô mặc pháp y màu xám tro. Trên mặt sân thiền viện thắp trăm đĩa đèn dầu leo lét, khói tỏa xanh mờ. Các tăng ni tĩnh tọa tay chắp trước ngực, miệng rì rầm tụng kinh.

Sự thật về đảo chính năm 1963 ảnh 2

Ông Ngô Đình Diệm

Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, đột nhiên vang lên tiếng hiệu lệnh, các tăng ni liền nhất loạt đứng dậy, xếp hàng dài theo sau một chiếc xe con kiểu cổ ra phố và đội ngũ tuần hành này dừng tại ngã tư đại lộ Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám). Các tăng ni theo sự chỉ huy quay thành một vòng tròn lớn, bịt kín mọi ngả đường thông ra chung quanh.

Một vị hòa thượng được dìu ra khỏi xe. Mọi người rước ngài đặt ngồi xuống một chiếc đệm hình vuông giữa quãng trường, rồi ngồi xuống tạo nên một đài sen chung quanh đệm ngồi. Tiếp đến, họ xách tới một can xăng dội tràn xuống ướt đẫm áo cà sa và toàn thân vị cao tăng. Ngài vẫn bình thản, một tay lần tràng hạt, một tay xòe trước ngực hướng ra ngoài, miệng không ngừng niệm “Nam mô a di đà Phật!”. Chờ cho các đệ tử lui ra hết, ngài liền quẹt một que diêm thả xuống lòng mình. Trong chớp mắt, dáng thân gầy guộc của ngài chìm trong biển lửa phần phật đẩy đụn khói đen cuồn cuộn lên cao ngất.

Làn gió nhẹ lay động ngọn lửa trước mặt hòa thượng, Brown nhìn thấy rất rõ khuôn mặt ngài. Tuy mắt nhắm nghiền, miệng ngài vẫn mấp máy tụng niệm kinh Phật. Trong suốt quá trình tự thiêu, các tăng ni vây xung quanh tụng kinh vang rền chen những tiếng khóc thút thít. Ngài vẫn tĩnh tọa, chân tay không hề nhúc nhích. Hai vị hòa thượng giương cao một tấm băng rôn, trên viết nói rõ hành động tự thiêu này nhằm phản đối chính quyền Diệm đàn áp Phật giáo.

Tin hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu giữa Sài Gòn gây chấn động toàn thế giới. Ngay sáng hôm sau, bức ảnh hiện trường vụ tự thiêu do nhà báo Brown chụp đã được đặt lên bàn làm việc của Tổng thống Mỹ Kennedy, dường như muốn nói sự bất tài vô dụng của Ngô Đình Diệm. Mấy tháng tiếp sau đó, những tư liệu này đã thúc giục chính phủ Mỹ đưa ra quyết định quan trọng: Khử Ngô Đình Diệm để thay bằng một chính quyến khác.

CIA giật dây

Người lãnh đạo phe đảo chính thích hợp nhất là tướng Dương Văn Minh. Ông ta xuất thân từ lính khố đỏ trong quân đội Liên hiệp Pháp, được người Mỹ gọi là Minh lớn. Ông là một tướng lãnh hiển hách chiến công bậc nhất trong quân lực cộng hòa.

Sự thật về đảo chính năm 1963 ảnh 3

Tổng thống Kennedy

Vào một ngày cuối tháng 8, theo lệnh của đại sứ Mỹ tại Việt Nam là Lodge, Conene - một sĩ quan CIA tới thăm Dương Văn Minh. Hai người bàn bạc ra chiều ăn ý lắm. Ngay sau đó, Dương Văn Minh bổ nhiệm một tâm phúc của mình là trung tướng Trần Văn Đôn làm liên lạc viên giữa ông ta với Conene. Nhằm tránh rò rỉ tin tức, ông Đôn cùng Conene thường bí mật gặp nhau tại một phòng khám nha khoa. Theo đó, kế hoạch đảo chính được dần hoàn thiện vào khoảng tháng 10-1963.

Trước mọi động thái của người Mỹ, ông Diệm và đồng đảng không hề hay biết tí gì. Em ruột ông Diệm là ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị của ông Diệm ngày càng tỏ ra bất mãn và kịch liệt phê phán chính sách của Mỹ đối với vấn đề Việt Nam. Ông Nhu chửi Lodge là “Đồ tiểu nhân bại hoại về đạo đức”. Ông ta không ngừng đe dọa sẽ đàm phán với phía bên kia để đổi lấy hòa bình, thậm chí còn rêu rao trước dư luận công khai “Người Mỹ đang đẩy chúng tôi vào vòng tay Việt Cộng!”.

Lúc 4 giờ 20 phút chiều ngày 29-10-1963 tại Nhà Trắng, Tổng thống Kennedy triệu tập một cuộc họp đặc biệt gồm 15 vị cố vấn ngoại giao cao cấp và chuyên gia an ninh quốc gia. Số phận của Ngô Đình Diệm được định đoạt tại cuộc họp này. Biên bản tài liệu ghi âm cho thấy ý kiến đối với cuộc đảo chính sẽ tiến hành của các đại biểu dự cuộc họp là bất nhất. Nhưng thật lạ lùng là trong cuộc họp chẳng ai yêu cầu bỏ phiếu biểu quyết và cũng chẳng ai thảo luận một cách hệ thống về hậu quả do cuộc đảo chính có thể mang lại.

Ngay cả Tổng thống Kennedy cũng không chủ động nghe ý kiến của người phản đối, chỉ buông xuôi bằng câu “Thôi cứ để Lodge và các cộng sự của ông ta tùy cơ ứng biến, tới khi đó mọi việc sẽ rõ!”. Và thế là chính trong cuộc họp đáng được gọi là khinh suất này, quyết nghị phát động đảo chính được thông qua.

Đại sứ Mỹ và bọn đảo chính cùng một giuộc

Sáng ngày 1-11-1963, nhằm vào ngày thứ Sáu, đại tá Hồ Tấn Tuấn, tư lệnh hải quân thuộc phe thân Diệm tới đánh quần vợt tại câu lạc bộ sĩ quan. Trên đường đi ăn cơm trưa, ông Tuấn bị gã phụ tá của mình nổ súng giết chết. Kẻ giết ông là một trong những kẻ vạch kế hoạch đảo chính. Việc hạ sát này hoàn toàn không nằm trong kế hoạch.

Sự thật về đảo chính năm 1963 ảnh 4

Đại sứ Cabot Lodge đang cắt bánh sinh nhật

Nhận được tin, ông Dương Văn Minh biết rằng lúc này chỉ có thể dốc túi đánh canh bạc cuối cùng nên quyết định tiên hạ thủ vi cường. Lệnh vừa ban ra, các lực lượng bộ binh, kỵ binh và không quân đã được móc nối liền chiếm lĩnh các cứ điểm quan trọng trong thành phố. Các cơ quan chủ chốt nhanh chóng nằm trong tay phe đảo chính. Nhằm đề phòng lực lượng ủng hộ Diệm từ các tỉnh ngoại vi đổ về giải vây, quân đảo chính bố trí lực lượng mạnh chốt chặt các cửa ô dẫn vào thành phố.

Ông Dương Văn Minh thoạt đầu quyết định nếu anh em Diệm-Nhu đồng ý đầu hàng thì phe đảo chính sẵn sàng mở cho họ con đường sống. Nhưng khi điện thoại gọi vào dinh Gia Long tịnh không thấy anh em họ Ngô nhấc máy trả lời. Ông Diệm vốn là một tín đồ Thiên Chúa giáo rất ngoan đạo, luôn tin có Thượng đế phù hộ, nên dù có gặp tai ương cũng không sợ.

Suy đi ngẫm lại, ông Diệm quyết định phone trực tiếp cầu cứu Lodge: “Tại Sài Gòn này có một số tướng lĩnh quân đội không muốn phục tùng sự điều hành, chỉ huy của chính phủ” - ông Diệm thử thăm dò.

“Tôi rất muốn biết thái độ của người Mỹ các ngài nhận định về việc này như thế nào?”.

“Xin lỗi, từ trước tới nay, tôi chưa từng nghe nói về tin tức có liên quan tới đảo chính!” - Lodge giả vờ ngây ngô để tìm cách thoái thác. “Vả lại, hiện đang là 4 giờ 30 phút sáng tại miền Đông nước Mỹ, Washington không thể ngay lập tức trả lời ngài được”.

“Nhưng về phía ngài chí ít cũng có cách nhìn khái quát chứ ạ! Tôi hiện tại chỉ mong được làm theo mọi yêu cầu của người Mỹ các ngài và sẽ cố gắng hết mức. Tôi tin rằng, nhiệm vụ mà nước Mỹ giao cho chúng tôi là tối cao...”.

“Đúng vậy, ngài tổng thống đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh của mình... Nhưng điều tôi lo lắng nhất hiện nay là an toàn tính mạng của ngài. Nghe nói, nếu các ngài đồng ý chủ động từ chức, thì những kẻ chủ mưu chuyện này sẽ sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện cho anh em ngài rời Việt Nam, không rõ ngài đã nhận được tin này chưa?”.

Đầu dây bên kia, Diệm chết lặng không nói thêm được gì nữa. Ông ta ngay lập tức hiểu ra rằng Lodge và bọn đảo chính là cùng một giuộc!

Anh em họ Ngô bị hành quyết

Lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau, quân đảo chính mở cuộc tiến công ồ ạt vào dinh Gia Long. Khi trời sáng rõ, từ một ô cửa sổ trên tầng gác có một lá cờ trắng nhô ra vẫy vẫy. Phía quân đảo chính cử một viên đại úy tiến thẳng vào dinh để tiếp nhận đầu hàng. Thật không ngờ, người này vừa bước tới trước cửa chính liền lãnh một phát đạn trúng ngực gục xuống. Đám binh sĩ bị chọc giận nổi khùng, chửi thề tùm lum, hò nhau nhất loạt xông vào dinh như bầy ong vỡ tổ. Nhưng họ lục soát khắp mọi ngõ ngách dinh mà không tìm thấy tung tích hai anh em Diệm-Nhu đâu.

Sự thật về đảo chính năm 1963 ảnh 5

Tác phẩm “Lật đổ – Từ Hawait tới Iraq”

Thì ra, biết trước nguy khốn, hai anh em họ Ngô đã sớm bí mật lẻn vào Chợ Lớn, nhờ che chở. Trong thời gian này, ông ta còn bắt liên lạc với Đại sứ quán Đài Loan, hy vọng được vào tị nạn tạm thời. Nhưng phía Đài Loan im re, không dám đồng ý lời thỉnh cầu này.

Tới bước đường cùng, Ngô Đình Diệm ý thức được rằng đã cận kề cái chết. Ông ta cố tình kéo dài thời gian bằng cách thân chinh gọi điện thoại cho kẻ cầm đầu phe đảo chính, báo tin sẽ chuẩn bị nghi thức đầu hàng tại một nhà thờ. Nhưng ông ta đâu có ngờ được rằng, chỉ trước đó vài giờ đồng hồ, nhóm chủ mưu làm đảo chính đã quyết định số phận của ông ta.

Ông Dương Văn Minh thân chinh chọn lựa cắt cử một toán quân, trong đó có cả một thích khách. Toán quân này đi trên hai chiếc xe Jeep quân sự và một chiếc xe bọc thép M-113, lao về phía nhà thờ. Anh em Diệm-Nhu bị trói, bị nhét vào chiếc xe bọc thép. Tới nước này rồi mà cố vấn Ngô Đình Nhu vẫn chưa hết phách lối, quắc mắt quát nạt: “Các người dám dùng chiếc xe như vầy để rước tổng thống ư? Thật chẳng ra thể thống gì ráo!”. Nhưng chẳng người lính nào thèm để ý tới thái độ của ông ta. Đoàn xe dông thẳng một mạch về sở chỉ huy đảo chính.

Chẳng ai biết trên đường đã xảy ra chuyện gì. Khi cửa chiếc xe bọc thép M-113 mở ra, chỉ thấy anh em họ Ngô nằm gục trên vũng máu, thân mình chi chít vết đạn. Ngô Đình Nhu còn bị thêm mấy nhát đâm vào ngực. Cả hai anh em đã chết rồi! Người cầm đầu toán hành động đặc biệt bước thẳng tới trước mặt Dương Văn Minh, đứng nghiêm, giơ tay ngang vành mũ chào, hô lớn: “Trình đại tướng, nhiệm vụ đã được hoàn thành rất suôn sẻ!” bằng tiếng Pháp. Trước cảnh tượng này, tướng Trần Văn Đôn đứng cạnh ngó vào cũng thấy lạnh sống lưng. Mãi một lúc sau ông ấp úng hỏi thượng cấp của mình: “Không hiểu tại sao cứ phải giết ông ta mới được!?”.

“Chết kiểu này chẳng dễ chịu chút nào!”

Ủy viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Foster sau khi nhận được cú điện thoại đường dài từ Sài Gòn gọi về, vội vàng vào Nhà Trắng báo tin anh em Ngô Đình Diệm đã bị phe đảo chính giết chết. Kennedy khi đó đang chủ trì một cuộc họp, nghe tin choáng váng như bị sét đánh ngang tai.

“Đang ngồi, Tổng thống Kennedy cứ nhấp nhổm không yên. Sắc mặt ông trắng bệch, kinh ngạc và buồn rầu. Tôi chưa từng thấy ông gặp tình cảnh như thế này bao giờ!” - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ, đại tướng Tyler kể lại. “Tổng thống luôn kiên trì chủ trương trục xuất Ngô Đình Diệm ra khỏi Việt Nam là đủ rồi và đã dặn dò đảo chính “Chớ nên đổ máu!” nhưng sự thực xảy ra hoàn toàn trái ngược với ý nguyện của ông”.

CIA cuối cùng có trong tay một bức ảnh, ghi lại hình ảnh anh em họ Ngô bị bắn, máu thịt nhòe nhoẹt, hai tay bị trói quặt ra sau lưng, thê thảm tới mức không nỡ nhìn lâu. Trong cuộc họp nội bộ ngày 4-11, Cố vấn An ninh quốc gia Bondy cảnh cáo không được để lộ bức ảnh này. Nhưng chỉ hai hôm sau, hình ảnh anh em Diệm-Nhu bị thảm sát được phóng to xuất hiện trên trang nhất hầu hết các tờ báo lớn tại Mỹ... Cả nước Mỹ bàng hoàng, cả thế giới rùng mình...

(Theo Tạp chí World View)

BÙI CƯỜNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm