Thời xưa đi biển bằng gì?

Anh Phó xác định vùng Bình Định, Phú Yên đã thuộc về lãnh thổ Việt Nam vào năm 1471, thì chắc người Việt đã vào ở vùng ngày trước thời điểm đó rồi, trên đất liền cũng như ngoài biển. Hoàng Sa nằm ở ngoài biển khơi Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi thì người Việt ắt cũng có đến quần đảo này rồi. Có điều em còn ngờ vực là Hoàng Sa cách xa đất liền trên 250 km, người xưa đi đến đó bằng phương tiện gì?

ANH PHÓ trả lời: Em Hoàng Văn Duy thân mến,

Trong quá trình Nam tiến của tổ tiên ta, có mấy cột mốc thời gian quan trọng: 1069 nhà nước Đại Việt mở rộng đến giữa tỉnh Quảng Trị; 1306 đến Thừa Thiên-Huế; 1401 đến Quảng Nam, Quảng Ngãi; 1471 đến Bình Định; 1600 đến Phú Yên... Đó là nói về mặt chính quyền, còn dân thì trước đó đã tự phát vào Nam rồi. Lực lượng tiên phong đó có thể ra đi do nhiều nguyên nhân: tự vào Nam tìm đất mới kiếm sống, bị lưu lạc tù đày, trốn tránh. Chủ yếu vẫn là vì lý do kinh tế.

Lúc đó, đất liền còn nguyên rừng núi hoang vu, việc đi lại khó khăn, người xưa chỉ có thể đi vào Nam bằng đường biển. Có thể họ tấp vào đất liền, cũng có thể vẫn hướng ra biển khơi. Mà dù định cư ở đất liền rồi thỉnh thoảng cũng tìm cách đi biển, tìm phương sinh sống. Họ ra biển để đánh bắt cá, thu gom sản vật trôi dạt vào đảo...

Người Việt thời đó đi biển bằng ghe thuyền, nhờ sức gió đẩy đưa thuyền buồm ra khơi và trở về đất liền theo định kỳ hàng năm. Mỗi lần đi biển kéo dài hàng mấy tháng ròng rã, chờ hướng gió thuận trở về đất liền. Lúc đầu họ đi biển tự phát, sau nhà nước tổ chức phái đi. “Đảo Hoàng Sa phía Đông cù lao Ré, ghe chạy dọc ra khơi, thuận gió thì ba, bốn ngày sẽ tới nơi (...) Thường năm vào độ tháng ba cho ghe ra biển tìm lấy hải vật nơi ấy, qua tháng tám chạy vào cửa biển Tư Hiền cung nạp” (Đại Nam Nhất thống chí, 1865).

Xin giới thiệu một vài hình mẫu về thuyền buồm mà người trước đã sử dụng đi biển:
Thời xưa đi biển bằng gì? ảnh 1
Thời xưa đi biển bằng gì? ảnh 2
Thời xưa đi biển bằng gì? ảnh 3
Ảnh sưu tầm

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 11-2009)



Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm