Thừa phát lại: Rất cần sự phối hợp

Chia sẻ những khó khăn của các văn phòng thừa phát lại tại TP.HCM, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 4 Tô Bá Nhân cho rằng nguyên nhân là do rất ít cán bộ, công chức biết đến nội dung của Nghị định 61 ngày 24-7-2009 của Chính phủ (về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại). Họ không biết đến nghị định cũng đồng nghĩa với việc không biết thừa phát lại là ai, có chức năng, nhiệm vụ gì…

Cung cấp thông tin

Theo ông Nhân, để chế định thừa phát lại thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu của người dân thì trước hết cần bổ sung quy định là các cơ quan, tổ chức liên quan phải có nghĩa vụ phối hợp cung cấp thông tin cho thừa phát lại khi xác minh điều kiện thi hành án. Song song đó, nghị định cũng cần bổ sung phần chế tài nếu các cơ quan, tổ chức không phối hợp.

Đồng tình, ông Lê Mạnh Hùng (Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh) nói: “Chính bởi tâm lý “thừa phát lại không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền” mà các cơ quan, tổ chức, cán bộ… đã có thái độ bất hợp tác. Trong khi đó, mục đích hoạt động của thừa phát lại cũng nhằm chia sẻ gánh nặng quá tải về công việc với cơ quan thi hành án dân sự, tòa án. Vì vậy, cần thiết phải coi thừa phát lại như một tổ chức thực hiện công vụ”.

cơ chế phối hợp

Hiện nay, vấn đề phối hợp giữa các văn phòng thừa phát lại với cơ quan thi hành án dân sự vẫn chưa được quy định. Vì chuyện này mà trên thực tế đã xảy ra những lấn cấn, chẳng hạn đương sự yêu cầu cả cơ quan thi hành án lẫn văn phòng thừa phát lại vào cuộc thi hành án dẫn đến chuyện “giẫm chân nhau”… Tương tự, cơ chế phối hợp cụ thể giữa các văn phòng thừa phát lại với tòa án trong việc tống đạt văn bản, lệ phí… cũng chưa có.

Thừa phát lại: Rất cần sự phối hợp ảnh 1

Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh đang tổ chức thi hành án. (Ảnh do văn phòng cung cấp)

Mở rộng hơn, ông Nguyễn Năng Quang (Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình) phân tích: Hiện nay, thừa phát lại hoạt động dựa trên quy định của Nghị định 61. Trong khi đó, những ngành khác như công an, ngân hàng… thực hiện theo quy định của ngành họ và họ thường căn cứ vào quy định đó để từ chối phối hợp với thừa phát lại.

Từ đó, ông Quang đề xuất để thừa phát lại thực hiện hết chức năng của mình thì cần phải có thông tư liên tịch giữa các ngành. Có như vậy thì các ngành khác mới không có lý do để từ chối hợp tác với thừa phát lại.

Giá trị của vi bằng

Theo Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh Lê Mạnh Hùng, việc xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại gặp khó khăn vì cơ quan liên quan không hợp tác nhưng nhiều cơ quan thi hành án lại không thông cảm, còn “đòi này đòi nọ” khiến thừa phát lại đã khó lại càng thêm khó.

Chẳng hạn, Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh xác minh về chiếc xe của một người phải thi hành án. Có kết quả, văn phòng thông báo về thông tin tài sản bằng văn bản cho đương sự để đương sự nộp lại cho cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, phía cơ quan thi hành án lại bắt đương sự phải nộp lại bản chính công văn trả lời của phía cơ quan quản lý đăng ký xe thì mới chấp nhận. Trong khi đó, văn phòng thừa phát lại chỉ nhận được một bản chính để lưu hồ sơ thì lấy đâu ra để cung cấp bản chính cho đương sự nữa.

Theo ông Hùng, bản thân những vi bằng mà thừa phát lại lập có giá trị chứng cứ khi ra tòa, cớ gì những công văn có con dấu của thừa phát lại thì không được xem là văn bản có giá trị?

Sửa đổi nhiều nội dung quan trọng

Vừa qua, Bộ Tư pháp đã đưa dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61 (dự thảo lần 3) ra lấy ý kiến. Dự thảo lần này mở rộng phạm vi, thẩm quyền xác minh của thừa phát lại. Theo đó, thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án để thi hành những vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự, xác minh nơi cư trú, tài sản của đương sự theo yêu cầu của tòa án tại tỉnh, thành trực thuộc trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định các văn phòng thừa phát lại, cơ quan thi hành án dân sự phải phối hợp trong việc cung cấp thông tin, thông báo xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp đảm bảo, cưỡng chế thi hành án và thanh toán tiền thi hành án.

Việc xác minh của thừa phát lại được tiến hành bằng văn bản yêu cầu hoặc trực tiếp. Trong trường hợp cần thiết, thừa phát lại có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh. Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, kho bạc Nhà nước, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu xác minh của thừa phát lại về xác minh và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp...

Ách chuyện tống đạt giấy tờ

Vừa qua, sau khi nghe các văn phòng thừa phát lại báo cáo, Sở Tư pháp TP.HCM đã làm việc với TAND TP.HCM để nối lại việc bàn giao tống đạt văn bản giấy tờ của tòa cho thừa phát lại. Qua đó, TAND TP.HCM đã đồng ý sẽ tiếp tục giao văn bản, giấy tờ cho các tổ chức thừa phát lại tống đạt. UBND TP.HCM cũng đồng tình với quan điểm là giao việc tống đạt cho thừa phát lại, nếu tòa không có kinh phí thì TP sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, sau đó TAND Tối cao lại đề nghị tạm ngưng việc tống đạt này để chờ thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 61.

Ông TRẦN VĂN BẢY, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TP.HCM

Bỏ cụm từ “thí điểm”

Cụm từ “thí điểm” đã vô tình tạo ra tâm lý không coi trọng thừa phát lại của một số cơ quan, tổ chức. Bản thân người dân cũng chưa thực sự tin tưởng vào thừa phát lại.

Theo tôi, trong các bản án, tòa nên ghi rõ người được thi hành án có quyền liên hệ với cơ quan thi hành án hoặc văn phòng thừa phát lại để yêu cầu thi hành án. Ngoài ra, Nghị định 61 cần bỏ quy định về giới hạn địa hạt của thừa phát lại trong thi hành án. Mặt khác, hiện nay thừa phát lại chỉ được xác minh điều kiện thi hành án khi có bản án hoặc quyết định của tòa. Trong khi đó, người dân lại có nhu cầu nhờ thừa phát lại xác minh tài sản của đương sự hoặc nơi cư trú của bị đơn để chứng minh cho tòa ở giai đoạn trước và trong quá trình xét xử. Vì vậy, cần thiết phải quy định cho thừa phát lại được quyền xác minh theo đề nghị của đương sự và tòa để phục vụ cho công tác xét xử.

NGUYỄN THỊ HẠNH,  Văn phòng Thừa phát lại quận 1

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm