Tiền lừa chạy án, trả lại hay sung công?

Tháng 10-2010, bị cơ quan chức năng mời lên làm việc vì liên quan đến việc làm giả chứng thư bảo lãnh ngân hàng, Nguyễn Minh Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Lộc Bình Phú) đã liên lạc với Hà Đức Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Đất Việt). Ông Tuấn nhờ Dũng giúp để không bị bắt vì nghe nói Dũng là người nhà quan chức cấp cao…

Tòa tịch thu sung công

Ngày 26-10-2010, ông Tuấn đã giao cho Dũng 130 triệu đồng. Nhận tiền, Dũng liên hệ với điều tra viên giải quyết vụ của ông Tuấn để hỏi thông tin. Dù không được nhận lời giúp nhưng Dũng vẫn nói với ông Tuấn là tội của ông rất nặng và yêu cầu đưa thêm 350 triệu đồng nữa.

Cùng khoảng thời gian này, Dũng lấy mác cán bộ cấp cao hứa hẹn sẽ giúp lo cho người anh của chị Trần Thị Kim Thu (đang bị tạm giam vì đánh bạc) được tại ngoại, được hưởng án treo. Chị Thu đã đưa trước 10.000 USD để Dũng sắp xếp cho gặp điều tra viên của vụ án. Sau đó, Dũng tiếp tục vòi chị Thu đưa thêm 20.000 USD để sắp xếp đưa đến trại tạm giam gặp anh.

Nhận tiền của hai nạn nhân, Dũng không thực hiện những việc mình đã hứa. Xử sơ thẩm hồi tháng 8, TAND TP.HCM đã phạt Dũng 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc Dũng nộp lại số tiền hơn 1 tỉ đồng do phạm tội mà có để sung công. Sau đó, Dũng kháng cáo xin giảm án, còn hai nạn nhân kháng cáo xin được nhận lại tiền.

Tiền lừa chạy án, trả lại hay sung công? ảnh 1

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã giảm án cho Dũng còn 10 năm tù. Về số tiền lừa đảo chạy án, tòa bác kháng cáo của hai nạn nhân. Theo tòa, việc hai nạn nhân đưa tiền cho Dũng với mục đích chạy án là vi phạm pháp luật dù không bị xử lý hình sự hay hành chính. Số tiền đưa cho Dũng là tiền phạm pháp nên cấp sơ thẩm tịch thu sung công là đúng.

Tòa trả lại tiền lừa đảo

Nếu trong vụ án trên, tòa tuyên tịch thu sung công số tiền lừa đảo chạy án, thì ở vụ án dưới đây, tòa lại quyết định hoàn toàn trái ngược.

Theo hồ sơ, ngày 19-12-2009, có ba thanh niên bị công an một quận tại TP.HCM bắt về hành vi cướp giật. Tối đó, vợ của một trong ba người gọi điện thoại cho Phùng Tấn Đô nhờ giúp để cả ba được tha về. Đô thông báo là Ngô Đức Tính sẽ “lo” được với giá 50 triệu đồng/người. Sáng hôm sau, gia đình của ba thanh niên đến gặp Tính đưa 120 triệu đồng, khi xong việc sẽ đưa tiếp 30 triệu đồng. Cầm tiền, Tính bảo mọi người yên tâm, cả ba sẽ được thả về trong ngày.

Tối đó, ba thanh niên được thả về thật. Sau khi nghe kể lại sự việc, họ rất bức xúc vì cho rằng mình không liên can đến vụ cướp giật, đương nhiên phải được thả chứ không phải nhờ chạy án. Các gia đình nghe xong bèn tìm Tính đòi lại tiền. Sau nhiều lần bị đòi, Tính trả lại được 89 triệu đồng, số còn lại Tính bảo đã dùng để lo lót. Cuối tháng 12-2009, cả ba gia đình đã làm đơn tố giác hành vi của Tính.

Tính bị khởi tố, truy tố, kết án bốn năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Gần đây, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã giảm án cho Tính còn ba năm tù. Về số tiền 60 triệu đồng mà Tính và gia đình đã nộp để khắc phục hậu quả, tòa cũng đồng quan điểm với cấp sơ thẩm là trả lại cho các nạn nhân. Tòa cho rằng dù các nạn nhân đưa tiền cho bị cáo để sử dụng vào mục đích trái pháp luật nhưng hành vi của họ không bị xử lý về mặt hình sự cũng như hành chính nên không có cơ sở tịch thu sung công.

Nên tịch thu hay trả lại?

Xung quanh vấn đề này, hiện đang có hai luồng quan điểm đối lập: Một bên nói phải tịch thu, một bên lại bảo nên trả lại.

Kiểm sát viên cao cấp Trần Đông Chu (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) phân tích: Giao dịch giữa bị cáo và nạn nhân trong các vụ lừa đảo chạy án là vi phạm điều cấm của pháp luật. Người bị hại biết rằng đưa tiền cho bị cáo để thực hiện những giao dịch mà pháp luật cấm nhưng vẫn bất chấp. Vì thế, cơ quan tố tụng phải áp dụng Điều 76 BLTTHS để tịch thu sung công vì số tiền này do phạm pháp mà có.

Đồng tình, một kiểm sát viên VKSND TP.HCM cũng cho rằng việc tịch thu tiền của nạn nhân trong những vụ lừa đảo chạy án là phù hợp vì số tiền này được dùng để tiến hành những việc bất hợp pháp. Có tịch thu sung công mới đảm bảo được tính răn đe chung trong xã hội.

Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại không đồng tình. Theo ông, phải xác định rõ đây là vụ án lừa đảo và có người bị hại. Đã xác định có người bị hại thì việc khắc phục hậu quả cho họ là điều đương nhiên. Tuy mục đích của việc giao dịch giữa bị cáo và người bị hại là trái pháp luật nhưng rõ ràng họ bị lừa chứ không phải là đồng phạm với bị cáo nên tịch thu tiền là không ổn.

Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), mấu chốt để xử lý số tiền chạy án là xác định tội danh. Nếu xác định là tội đưa hối lộ thì số tiền đó đương nhiên phải bị tịch thu sung công do là tiền phạm pháp. Còn một khi đã xác định là vụ án lừa đảo có người bị hại thì cần phải trả lại tiền cho người bị hại. Ở đây người bị hại đã bị xâm hại về tài sản nên cần phải được bảo vệ, tức phải được trả lại số tiền đã bị chiếm đoạt từ việc lừa đảo của bị cáo.

Quy định liên quan

Theo Điều 41 BLHS, việc tịch thu sung công được áp dụng đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có... Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Đối với vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm thì có thể bị tịch thu.

Theo Điều 76 BLTTHS, vật chứng được xử lý như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu sung công hoặc tiêu hủy; vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung công…

Trả lại là phù hợp

Vụ án lừa đảo có người bị hại thì những người này phải được bảo vệ theo quy định của pháp luật nên việc trả lại tiền là phù hợp. Hiện luật không có quy định nào bắt buộc trong trường hợp này phải tịch thu số tiền mà nạn nhân đã đưa cho bị cáo. Nạn nhân cũng không phải là đối tượng xâm phạm đến hoạt động tư pháp (đưa, nhận hối lộ) nên số tiền của họ không thể bị tịch thu sung công được.

Luật sư NGUYỄN THANH LƯƠNG, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre

Tịch thu mới hợp lý

Điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS quy định vật hoặc tiền do phạm tội hoặc mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có thì bị tịch thu sung công. Trong những vụ án này, tiền bị cáo có được là do mục đích nhằm chạy án, nói cách khác, mục đích người bị hại đưa tiền nhằm để thực hiện hành vi đưa, nhận hối lộ. Vì vậy số tiền của họ không thể trả lại mà phải sung công mới hợp lý.

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm