Tòa chỏi nhau về trường hợp ít nghiêm trọng

Theo hồ sơ, ngày 22-2-2010, nghe tin con cãi vã với một người, Lý Thanh Đạm chạy đến không những không can ngăn mà còn to tiếng chửi bới, rượt đánh người này.

Xúc phạm nghiêm trọng?

Lực lượng công an đến can thiệp, Đạm tiếp tục dùng những lời lẽ thô tục la mắng nạn nhân. Sau khi bỏ về nhà nhưng thấy chưa hả giận, Đạm lại tiếp tục quay trở lại chửi bới. Thậm chí sáng hôm sau, Đạm còn đến đập phá đồ đạc của nạn nhân và tiếp tục mắng mỏ... khiến nạn nhân không dám mở cửa nhà.

Theo kết quả định giá, tổng giá trị tài sản bị hư hỏng của nạn nhân là hơn 1,5 triệu đồng nên không đủ định lượng cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Sau đó nạn nhân làm đơn yêu cầu khởi tố Đạm về tội làm nhục người khác...

Ngày 7-6-2010, TAND huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã tuyên phạt bị cáo Đạm chín tháng tù về tội làm nhục người khác. HĐXX cho rằng bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Tòa chỏi nhau về trường hợp ít nghiêm trọng ảnh 1

Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Hậu Giang đã tăng hình phạt đối với bị cáo Đạm lên 12 tháng tù về tội làm nhục người khác. HĐXX cho rằng cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đối với tội danh này là không phù hợp. Bởi, tội làm nhục người khác theo Điều 121 BLHS: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác…”. Như vậy, theo điều luật, chỉ người nào xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì mới cấu thành tội làm nhục. Do vậy, tòa cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là không chính xác. Mức án do tòa sơ thẩm tuyên phạt là chưa tương xứng.

Hiểu thế nào mới đúng

Quanh việc TAND tỉnh Hậu Giang nhận định và không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đã có nhiều quan điểm trái nhau.

Đồng tình quan điểm của tòa cấp phúc thẩm, luật sư Nguyễn Thị Đào Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, để có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ trên, bị cáo Đạm phải thỏa mãn hai dấu hiệu phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Nếu không thỏa mãn một trong hai dấu hiệu thì không thể áp dụng tình tiết này cho bị cáo Đạm. Bị cáo Đạm nhiều lần chửi bới, thóa mạ nạn nhân. Hành vi của bị cáo Đạm là xúc phạm nghiêm trọng, không thỏa mãn dấu hiệu “ít nghiêm trọng” như quan điểm của tòa cấp sơ thẩm.

Ngược lại, luật sư Đàm Bảo Hoàng (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại nhận định tòa cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ như trên là đúng. Bởi vấn đề này đã được TAND Tối cao hướng dẫn cách xác định. Theo đó, trường hợp ít nghiêm trọng được xác định bao gồm trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng (khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù) và thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nhưng vai trò của người phạm tội ít nghiêm trọng (thường là đồng phạm).

Đồng tình với quan điểm của luật sư Hoàng, một thẩm phán TAND tỉnh Bình Dương khẳng định trường hợp của bị cáo Đạm là phạm tội lần đầu, khung hình phạt áp dụng không quá ba năm, tòa sơ thẩm đã đúng khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

Hiểu như tòa cấp phúc thẩm là không đúng

Thuật ngữ “xúc phạm nghiêm trọng” trong quy định của Điều 121 BLHS là thuật ngữ chỉ dấu hiệu định tội, nó không đồng nhất với trường hợp ít nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng. Như vậy, tòa cấp phúc thẩm sử dụng dấu hiệu cấu thành của một tội phạm để làm căn cứ áp dụng cho tính chất, mức độ của hành vi phạm tội là không đúng.

Vấn đề này cũng đã có kết luận của chánh án TAND Tối cao, theo đó, tiêu chí để xác định trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng là mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội trên thực tế. Khi xem xét người phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng chủ yếu là xác định vị trí, vai trò và thủ đoạn phạm tội và đánh giá toàn diện cả về mặt khách quan và chủ quan... Thông thường phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng là người phạm tội ở vị trí, vai trò thứ yếu (bị rủ rê, lôi kéo và là đồng phạm), tác hại gây ra không lớn, thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối lỗi về hành vi đã phạm...

Ths. PHAN ANH TUẤN,
Trưởng bộ môn Hình sự, ĐH Luật TP.HCM

HỒNG TÚ - SÔNG HẬU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm