Tòa ít tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ

Theo BLHS năm 1999, hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng cả với loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt lên đến bảy năm tù). Tuy nhiên, hình phạt được xem có tính chất khoan hồng này trên thực tế tòa lại ít vận dụng.

Sợ bị sửa, hủy án

Một thẩm phán TAND TP.HCM cho biết khi đọc hồ sơ của TAND các quận, ông thấy có nhiều vụ có thể áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, tòa vẫn chọn hình thức phạt tù cho hưởng án treo, gây thiệt thòi đối với các bị cáo.

Chẳng hạn như vụ L. phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Một tối tháng 8-2009, L. chở bạn gái đi chơi về nhà. Trời vừa mưa xong khiến đường trơn, khi có một xe gắn máy khác ngược chiều lao đến, L. luống cuống bẻ lái gấp làm xe ngã. Người bạn gái bị đập đầu vào cục đá lớn bất tỉnh. L. vội cùng mọi người đưa bạn đi cấp cứu nhưng không may người bạn gái chết do chấn thương sọ não. TAND quận đã tuyên phạt L. một năm tù treo do có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả và có thành tích xuất sắc trong công tác.

Tòa ít tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ ảnh 1

Theo vị thẩm phán trên, dù là bị cáo được hưởng án treo nhưng trong trường hợp này vẫn nặng. Bởi L. là người có công ăn việc làm, thu nhập ổn định và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Hình phạt với L. phải mang tính giáo dục, cải tạo chứ không phải là trừng trị. Hơn nữa, L. phạm tội trong trường hợp “chẳng đặng đừng” và nạn nhân là bạn của L.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc xét xử hiện nay vẫn thường nghiêng về mục đích răn đe. Tòa chưa chú trọng đến việc chọn hình thức đem lại hiệu quả cho cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người tốt nên không mạnh dạn áp dụng hình phạt trên.

Cạnh đó, nhiều thẩm phán nhìn nhận một thực trạng là tuyên hình phạt này dễ bị cấp trên cho rằng tuyên nhẹ rồi sửa hoặc hủy án. Vì thế, khi xét xử, HĐXX thường theo quán tính chọn giải pháp xử hình thức phạt tù có thời hạn rồi cho hưởng án treo.

Chưa rõ thời điểm chấp hành

Một nguyên nhân khác cũng khiến cho các tòa dè dặt áp dụng hình phạt này là do việc xác định thời điểm chấp hành hình phạt chưa thống nhất.

Theo quan điểm thứ nhất, cách xác định tương tự như cách tính thời gian thử thách của án treo. Theo đó, thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày tuyên án đầu tiên (án sơ thẩm) dù có thể bị kháng nghị, kháng cáo.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng thời điểm đó phải là ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Bởi nếu thời điểm được tính là ngày tuyên án đầu tiên áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể dẫn đến trường hợp người bị kết án phải thi hành hai loại hình phạt chính về một tội. Ví dụ, L. được tòa cấp sơ thẩm quyết định áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ nhưng sau đó tòa cấp phúc thẩm chuyển sang áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Nếu thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày án sơ thẩm tuyên thì cho đến ngày xét xử phúc thẩm, bị cáo đã chấp hành được một phần hình phạt này. Sau khi xét xử phúc thẩm, bị cáo lại phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn.

Quan điểm thứ ba bảo thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày ra quyết định thi hành án. Hình phạt chỉ được thi hành khi bản án đã có hiệu lực pháp luật và tòa đã ra quyết định thi hành án. Người phải chấp hành hình phạt này tuy không phải bị cách ly khỏi xã hội nhưng phải chịu sự giám sát, giáo dục. Họ cũng phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định theo luật định và bị khấu trừ một phần thu nhập để sung quỹ nhà nước. Vì thế, chỉ khi có quyết định thi hành án mới có căn cứ buộc người bị kết án thực hiện các nghĩa vụ...

Rối rắm việc bàn giao

Khoản 2 Điều 31 BLHS quy định tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát, giáo dục. Tuy nhiên, theo các thẩm phán, giao bằng hình thức nào: giao con người cụ thể hay chỉ giao hồ sơ thi hành án thì hiện chưa có hướng dẫn. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, UBND xã, phường, thị trấn sau khi nhận được bàn giao việc giám sát… thường gặp khó khăn về hình thức quản lý… Nơi thì giao việc giám sát, giáo dục người bị kết án cho cơ quan tư pháp, nơi lại giao cho công an xã... Không hiếm những trường hợp tại thời điểm tòa giao hồ sơ thì người bị kết án đã không có mặt ở địa phương. Họ đi đâu, ở đâu, làm gì, địa phương không rõ và tòa cũng không thể biết. Những trường hợp này việc giao và nhận để giám sát, giáo dục đối với người bị kết án vẫn còn rất hình thức nên cần phải có sự quy định cụ thể...

Hình phạt cải tạo không giam giữ

Được áp dụng từ sáu tháng đến ba năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt, tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.

(Trích Điều 31 BLHS)

Vận dụng cho người chưa thành niên và lớn tuổi

Hình phạt cải tạo không giam giữ áp dụng đối với người phạm tội khi mức độ nguy hiểm của hành vi không còn nhưng vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, họ là những người có nhân thân tốt, đã khắc phục hậu quả và xét không cần thiết giam. Theo kinh nghiệm thực tế, tôi cho rằng tòa nên áp dụng loại hình phạt này đối với những người chưa thành niên. Bởi đây là những trường hợp cần sự giáo dục, cải tạo thành người tốt. Đôi khi sự trừng trị nghiêm khắc lại đi ngược tác dụng. Ngoài ra cũng nên áp dụng với người lớn tuổi. Áp dụng với những tội phạm về kinh tế. Hạn chế áp dụng với loại tội xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng và sở hữu.

Luật sư NGUYỄN THẾ HỮU TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Hướng dẫn rõ việc tổng hợp hình phạt

Thực tế xét xử hiện nay, việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như việc tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp người phạm nhiều tội chưa thành niên. Khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo này, tòa áp dụng Điều 73 BLHS xác định thời hạn cải tạo không giam giữ không quá một phần hai thời hạn điều luật quy định. Nhưng khi tổng hợp các hình phạt cải tạo không giam giữ tòa có được áp dụng điều này một lần nữa không? Luật không quy định rõ việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp này. Theo tôi cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm