Tòa lật tẩy chứng cứ giả

Theo đơn khởi kiện của bà TV tại TAND quận 4 (TP.HCM), trước đây bà và ông NT cùng ngụ một xóm trọ. Năm 2008, bà mượn ông T. 100 triệu đồng và hứa sẽ hoàn trả trong vòng sáu tháng. Khi bà mang tiền đi trả, ông T. kêu bà cho ông vay 300 triệu đồng và sẽ trả trong vòng sáu tháng. Bà đồng ý. Đến kỳ hạn trả nợ, nhiều lần bà đòi tiền, ông T. không trả còn tìm cách né tránh nên bà kiện ra tòa để đòi lại.

Chủ nợ “vay ngược” con nợ

Kèm đơn kiện, bà V. nộp cho tòa chứng cứ là một tờ biên nhận có chữ ký của ông T. Đoạn đầu của tờ biên nhận này có nội dung ông T. đã nhận 100 triệu đồng mà bà V. trả nợ. Đoạn sau có nội dung ông T. “vay ngược” bà V. 300 triệu đồng như bà V. đã trình bày ở trên. Ngoài ra, bà V. còn nộp cho tòa các biên lai cho thấy bà có rút 300 triệu đồng từ ngân hàng.

Lên tòa, bà V. còn kể lể: “Để có tiền cho ông ấy vay, tôi phải cùng em gái ra ngân hàng rút tiền rồi mang đến tận nhà. Không những thế, trên đường đi, sợ mất tiền, hai chị em tôi cứ phải lo thấp thỏm. Bây giờ, đã có biên nhận để chứng minh mà ông T. cứ chối phăng, bảo không vay”. Bà V. lý giải không yêu cầu ông T. viết biên nhận riêng cho khoản ông T. vay 300 triệu đồng vì nghĩ đơn giản cũng cùng một người ký. Lúc hai bên thỏa thuận, ông T. đang bế con nên bà đã ghi luôn số tiền ông vay vào cùng tờ biên nhận mà bà trả tiền vay để khỏi mất công.

Tự viết thêm vào biên nhận

Ban đầu, đọc đơn kiện và các chứng cứ mà bà V. cung cấp, Thẩm phán Lê Thị Hằng (Phó Chánh án TAND quận 4, người được phân công giải quyết vụ kiện) đã nghĩ rằng đây là một vụ tranh chấp đơn giản, phần thắng sẽ thuộc về bà V. bởi chứng cứ khá đầy đủ, rõ ràng. Nhưng khi tiếp xúc với ông T., thấy ông T. ngơ ngác nói: “Tôi chẳng hiểu gì cả, tôi là người cho vay chứ làm gì có chuyện đi vay ngược từ con nợ”, Thẩm phán Hằng đã phải giật mình.

Ông T. cho biết vào tháng 8-2008, bà V. liên hệ với ông để vay tiền. Ông đã từ chối nhưng bà cứ năn nỉ nên ông cho vay 100 triệu đồng. Sau đó, dù chỉ mới trả được một nửa số tiền đã vay nhưng bà V. tiếp tục liên hệ để vay thêm 300 triệu đồng nữa. “Tôi nói bà V. cứ trả hết số tiền vay trước đã rồi tính tiếp. Sau đó chẳng thấy bà V. đề cập đến chuyện vay tiền nữa. Còn số tiền 300 triệu đồng mà bà V. kiện, nói tôi vay là hoàn toàn vu khống. Nếu có vay thì tôi phải làm biên nhận riêng, biên nhận phải do tôi viết và ký tên, phải ghi rõ ngày, tháng, năm. Đằng này lúc bà ấy đưa cho tôi tờ biên nhận để ký vào thì chỉ có nội dung bà ấy trả tiền vay, còn nội dung tôi vay ngược bà ấy là do bà ấy tự ghi vào sau khi tôi đã ký tên” - ông T. khẳng định.

Lúc đó, Thẩm phán Hằng đã đặt ra nhiều câu hỏi với ông T.: Tại sao bà V. lại có những bằng chứng như vậy để kiện ra tòa đòi tiền? Tại sao ông T. ra tòa mà không có giấy tờ gì hết? Ông T. cứ ngồi đớ người ra và nhắc đi nhắc lại: “Tôi đâu có vay mượn gì đâu mà tôi lại có giấy tờ. Bằng chứng của vụ án là chính tôi đang ngồi đây này”…

Đập bàn, mắng tòa

Thẩm phán Hằng xem lại toàn bộ những bằng chứng mà bà V. đã cung cấp cho tòa. “Xem các biên lai bà V. cung cấp, tôi thấy số tiền 300 triệu đồng bà ấy rút ở ngân hàng là có thật nhưng khi xem lại tờ biên nhận thì lại bất thường. Đoạn đầu tiên với nội dung bà V. trả nợ thì khoảng cách giữa các dòng rất đều nhau nhưng đến đoạn sau, phần ông T. “vay ngược” lại cách nhau khá xa. Như vậy cũng có khả năng bà V. tự viết đoạn ông T. “vay ngược” này vào chỗ trống trong biên nhận sau khi ông T. đã ký tên. Chưa kể, tất cả chữ viết trong biên nhận đều do bà V. viết (kể cả cái tên của ông T.), ông T. chỉ việc ký tên.

Nhớ lại trước đó, hai chị em bà V. đến tòa đã cùng ngồi một chỗ để viết trong tờ tự khai nên Thẩm phán Hằng tiến hành lấy lời khai lại. Thẩm phán Hằng lấy lời khai của bà V., một cán bộ tòa lấy lời khai của em gái bà V. ở hai phòng làm việc khác nhau cùng một lúc. Sợ lời khai hai chị em không trùng khớp, bà V. liên tục nhắn tin, điện thoại cho em gái, bảo phải nhớ lại lời khai ban đầu để trả lời tòa. “Bị chúng tôi nhắc nhở, bà V. cứ lồng lộn lên, đập bàn bảo không đồng ý với cách làm của chúng tôi, sẽ làm đơn tố cáo thẩm phán không công minh, thiên vị bị đơn, làm khó nguyên đơn, sẽ xin đổi thẩm phán cho bằng được…” - Thẩm phán Hằng nhớ lại.

“Bực vì phải trả lãi cao”…

Cuối cùng, lời khai của hai chị em bà V. hoàn toàn trái ngược nhau và không trùng khớp với lời khai ban đầu. Bà V. vẫn một mực khẳng định ông T. đã vay tiền của mình. Còn cô em gái thì cho biết không có chuyện ông T. đã vay tiền mà do bà V. tự tạo chứng cứ giả để đi kiện. Cô này bảo: “Chị tôi có vay tiền ông T. nhiều lần nên khi trả rất bực. Vì thế, khi đi trả, chị ấy đã ghi tờ biên nhận sẵn ở nhà rồi chừa ra một khoảng trống để sau khi ông T. ký vào thì chị ấy viết thêm phần ông ấy đã vay tiền. Còn 300 triệu đồng, đúng là chị ấy có rút ở ngân hàng nhưng lại không đưa cho ông T. vay mà đã tiêu xài hết”.

Dù người em gái đã khai rõ như vậy nhưng bà V. vẫn một, hai chày cối bảo ông T. có mượn tiền, lời khai của em gái mình là “do bị ép cung”. TAND quận 4 đã phải trưng cầu giám định. Theo kết quả giám định, chữ viết trong tờ biên nhận chỉ do một mình bà V. viết và viết ở hai thời điểm khác nhau. Do vậy, xử sơ thẩm, TAND quận 4 đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà V. Sau đó, bà V. kháng cáo nhưng TAND TP.HCM đã giữ nguyên án sơ thẩm.

NGỌC THÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm