Tòa mệt mỏi với tranh chấp đất đai

Theo TAND tỉnh Bình Dương, khi giải quyết tranh chấp đất đai, các tòa thường lúng túng, gặp nhiều khó khăn, thời gian giải quyết án kéo dài, qua nhiều cấp xét xử và không ít trường hợp hướng giải quyết còn chưa thống nhất.

Giấy đỏ không “khớp” thực tế

Khó khăn đầu tiên với các tòa là giấy đỏ không đúng thực tế về diện tích, vị trí, cấp nhầm đối tượng, sai thẩm quyền...

Với sai sót về diện tích, không hiếm trường hợp có sai số rất lớn. Chẳng hạn trong vụ tranh chấp giữa ông Phạm Văn Đức và bà Phạm Thị Vượng, giấy đỏ do UBND huyện Dĩ An cấp thể hiện diện tích đất được cấp là 9.648 m2 trong khi thực tế chênh lệch ít hơn 1.553 m2. Hoặc vụ tranh chấp giữa bà Nguyễn Thị Kiều Diễm với ông Nguyễn Văn Giàu, diện tích trong giấy đỏ do UBND huyện Thuận An cấp cũng chênh lệch với thực tế 997 m2

Tòa mệt mỏi với tranh chấp đất đai ảnh 1

Hệ quả là khi giải quyết tranh chấp, các tòa phải đứng ra tổ chức đo đạc lại diện tích thực tế. Quá trình này phát sinh nhiều khiếu nại khiến tòa phải đo đạc nhiều lần. Kết quả đo đạc khác nhau dẫn đến kết quả xét xử khác nhau, là một trong những nguyên nhân khiến án bị hủy, sửa. Trong khi đó, hiện nay lại chưa có quy định hay hướng dẫn là khi có nhiều kết quả đo đạc khác nhau thì tòa phải dựa vào kết quả nào, của cơ quan nào để làm cơ sở giải quyết.

Bên cạnh đó, các tòa còn gặp không ít trường hợp đất thuộc di sản thừa kế lại được cấp cho một người trong khi chưa có ý kiến của các đồng thừa kế khác. Đất thuộc lối đi chung hay đất thuộc quỹ đất công, đất quy hoạch phục vụ công trình công cộng của địa phương lại được cấp cho một cá nhân hoặc hộ gia đình. Đất của cá nhân hoặc của vợ chồng lại cấp cho hộ gia đình và ngược lại…

Vì vậy, các tòa thường phải mất rất nhiều thời gian, công sức thu thập chứng cứ, rà soát, tìm kiếm những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để đưa họ vào tham gia tố tụng, dẫn tới việc giải quyết án bị kéo dài, có khi vi phạm cả thời hạn tố tụng.

UBND chưa phối hợp kịp thời

Một vướng mắc khác cũng khiến việc giải quyết tranh chấp đất đai kéo dài là do khâu cung cấp chứng cứ, trả lời của UBND còn chậm trễ.

Từ nhiều năm nay, theo hướng dẫn của Tòa Dân sự TAND Tối cao, khi giải quyết án loại này, các tòa phải hỏi UBND về việc cấp đất cho các đương sự để có đường lối xét xử chính xác. Điều 94 BLTTDS quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của tòa án, VKS trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu… Nhưng thực tế, các ủy ban vẫn thường trả lời rất chậm, mặc cho tòa mòn mỏi chờ.

Mặt khác, việc trả lời của UBND lắm khi cũng chưa sát với yêu cầu của tòa, rất chung chung, có vụ còn trả lời không thống nhất, mâu thuẫn… làm tòa càng thêm khó xử.

Chưa kể, cũng có những trường hợp việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu không đảm bảo, bị thất thoát do chia tách các đơn vị hành chính lãnh thổ, chuyển trụ sở, thay đổi nhân sự không bàn giao đầy đủ. Khi xảy ra tranh chấp đất, không còn tài liệu lưu trữ để cung cấp thông tin, cơ quan quản lý thường mặc kệ cho tòa “tự bơi”.

Sử dụng kết quả nào?

Một khó khăn nữa với các tòa là thiếu hướng dẫn trong trường hợp vụ án có sự xung đột giữa kết quả định giá với thẩm định giá.

Theo Điều 92 BLTTDS, các bên đương sự có quyền yêu cầu định giá hoặc thẩm định giá. Không ít trường hợp bên này yêu cầu định giá đất, bên kia yêu cầu thẩm định giá. Khi kết quả định giá và thẩm định giá có sự chênh lệch, quyền lợi của các bên đương sự xung đột. Một bên yêu cầu tòa công nhận kết quả định giá của hội đồng định giá, một bên yêu cầu tòa công nhận kết quả của tổ chức thẩm định giá.

Chẳng hạn vụ bà Mai Thị Tú chuyển nhượng 1.000 m2 đất cho ông Nguyễn Thọ Quang. Ông Quang đã nhận đất nhưng bà Tú không giao giấy tờ bản chính để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng nên ông Quang kiện bà Tú ra tòa. Hội đồng định giá xác định giá trị đất là 250.000 đồng/m2, trong khi tổ chức thẩm định giá lại xác định là 567.000 đồng/m2.

Như vậy, nếu hai bên đương sự không thỏa thuận được, tòa sẽ phải căn cứ vào kết quả nào, của tổ chức nào để giải quyết án khi kết quả định giá hay thẩm định giá đều có giá trị pháp lý?

Bị hủy án vì đương sự “ém” chứng cứ

Theo BLTTDS, đương sự được phép bổ sung chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào. Nhiều đương sự đã lợi dụng quyền này để tính toán thời điểm nộp chứng cứ sao cho có lợi cho mình nhất nhưng lại làm tòa cấp dưới bị “vạ lây”.

Chẳng hạn, đương sự “ém” chứng cứ quan trọng suốt giai đoạn xét xử sơ thẩm, đến giai đoạn xét xử phúc thẩm mới tung ra và yêu cầu tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm nhằm mục đích kéo rê vụ kiện… Hậu quả là tòa sơ thẩm bị hủy án “oan”. Đây là một vướng mắc đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa có hướng tháo gỡ.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm