Tôi đi đánh lưới bao

Tôi đi đánh lưới bao ảnh 1
Hì hục kéo lưới lên ghe

Biết phạm luật vẫn phải bám nghề


Đoàn người có anh Trần Văn Nam, Trần Văn Tuấn, Lê Anh Vĩnh, Trần Duy Linh. Họ thuộc một gia đình nghèo ở ấp Bà Bài (Vĩnh Tế, Châu Đốc, An Giang). Mùa khô, họ ra đồng làm cỏ, cấy lúa. Tới mùa thu hoạch, họ kéo nhau đi khắp xứ cắt lúa mướn kiếm sống. Anh Nam tâm sự: “Nhà tôi nghèo, không có đất ruộng nên mấy tháng mùa nước này chẳng biết làm gì ngoài nghề câu lưới nhưng câu lưới chẳng thấy dư. Bởi thế, tám năm trước gia đình gom vét được bốn triệu đồng sắm tay lưới bao kiếm sống”.

Lưới bao kéo được trên diện rộng nên bắt được cá rất khá. Mấy mùa nước nổi vừa qua, cá về miền Tây ít nên anh Nam đánh bắt chẳng được nhiều nhưng cũng ráng đeo.     

Tôi đi đánh lưới bao ảnh 2\
Dân lưới bao mưu sinh trong đêm

Anh Linh ở ấp Mẹt Lung (xã Vĩnh Phú, Kiên Lương, Kiên Giang). Anh bôn ba làm thuê nên quen biết và hợp tác làm ăn với gia đình anh Nam trong mùa nước nổi. Ngày trước, anh làm phụ xế cho xe bồn tuyến Bắc-Nam, thu nhập năm, bảy triệu đồng một tháng. Cuộc sống xa nhà tốn nhiều chi phí nên cũng chẳng còn dư. Rồi càng đi càng chứng kiến nhiều thảm cảnh xe lao xuống vực, khi băng qua mấy con đèo vùng cao nguyên như Phượng Hoàng, Chư Sê. Anh Linh phát sợ nên bỏ nghề về nhà làm thuê. “Bây giờ nghề này cũng bấp bênh, cá trên đồng bị đánh bắt ngày một cạn. Biết vậy nhưng chúng tôi vẫn phải làm, vì buông ra thì lấy gì để sống” - anh Linh nói. 

Tôi đi đánh lưới bao ảnh 3
Soạn lưới để không bị lộn viền

Nông thôn miền Tây còn rất nhiều gia đình làm nghề đánh lưới. Nghèo, không ruộng đất và thất nghiệp, họ buộc phải bám nghề dù biết pháp luật cấm. “Thức thâu đêm vậy chứ mỗi người kiếm được chỉ đôi ba chục ngàn đồng. Lủi thủi trong đêm, nghe tiếng máy nổ của công an đi tuần là phải kéo lưới chạy mất thở. Bởi họ bắt được thì tay lưới bị tịch thu, ngoài ra còn bị phạt nặng. Dân nghèo đánh lưới như chúng tôi bị bắt một lần coi như phá sản” - anh Nam kể.   
Trời nhá nhem tối. Cánh đồng gió rít từng cơn se lạnh. Nước dưới chân cầu Tha La cuộn chảy, bởi đầu nguồn con đập Tha La đã xả lũ mấy ngày qua. Nghĩ đến cảnh đồng nước mênh mông trước sóng to gió lớn, chúng tôi phát sợ, nhưng vẫn thử một chuyến đi đêm.

Đánh lưới thâu đêm  
 
Hớp vội ly cà phê đắng để chống chọi với cái ngủ sẽ đến, chúng tôi xuất phát. Nhóm đánh lưới chia làm hai mũi. Anh Nam chống sào đi trên chiếc xuồng lườn, những người còn lại đi ghe tam bản chạy máy dầu. Trong đêm tối, xuồng ghe của chúng tôi dò dẫm tiến dần về cánh đồng Vĩnh Tế.

Tôi đi đánh lưới bao ảnh 4
Tốn công sức nhưng thu được không bao nhiêu

Tay lưới bao dài 120 m được thả xuống nước. Anh Nam ngồi trên chiếc xuồng, nắm giữ một đầu lưới. Những người trên ghe giữ đầu còn lại. Thả lưới xong, nhóm người bên chiếc ghe ra hiệu cho anh Nam chống xuồng áp sát để cùng nhau phăng lưới. Để kéo được cả tay lưới lên ghe và thu hoạch cá, có hai người ngồi trước mũi ghe và xuồng cùng quay sa. Quay sa lưới cũng có cách làm giống như quay sa chỉ. Dây thừng được cột một đầu vào cuộn quay, đầu kia cột vào lưới, cứ cầm sa quay thì dây thừng sẽ cuốn vào cuộn quay. Cứ thế, hai đầu lưới được kéo lên.
 
Anh Linh được phân công nhảy xuống nước. Gió thốc từng cơn. Anh lặn ngụp, mò mẫm trong đêm đen như mực để bao chì. Anh nắm lấy hai viền chì của tay lưới, rồi nhập chúng vào nhau thành một đường, tránh cá bị động chui theo viền ra ngoài lưới. Viền dưới có kẹp nhiều cục chì nặng cho lưới chìm xuống sát mặt đất nên dân đánh lưới gọi là bao chì. Viền trên của tay lưới có gắn phao nổi lên mặt nước để bao cá lại. Cá được bao bọc bởi hai viền lưới nên không thể thoát. Sau khi toàn bộ tay lưới được kéo lên ghe, tất cả những mặt cá đều nằm gọn trong tùng lưới (bầu chứa cá). Chúng tôi chỉ việc đưa tay nhặt rong, cỏ tạp bỏ, rồi lấy rổ xúc cá vào. Thế là xong một mẻ!

Sau gần một giờ đồng hồ, họ hoàn thành xong mẻ đánh đầu tiên. Mình mẩy người nào cũng ướt sũng và cái lạnh bắt đầu ngấm vào da. Những ánh đèn chớp sáng trong đêm liên tục. Tôi chụp ảnh nhóm người đi đánh lưới.

Tôi đi đánh lưới bao ảnh 5
Thay phiên nhau ngâm mình dưới nước

Theo chân người đánh lưới, chúng tôi mệt nhoài dù chỉ làm mỗi việc chụp ảnh. Ấy vậy mà trong đêm u tịch, những người đánh lưới hết thả rồi kéo, từ mẻ này sang mẻ khác. Chúng tôi di chuyển địa bàn hoạt động đến những cánh đồng xa hơn và cứ thế lần mò cho tới sáng mới quay về.

Về lại chân cầu Tha La nơi xuất phát, đoàn chúng tôi ai nấy ngồi co người trong cái lạnh đã ngấm từng thớ thịt. Nghỉ ngơi chốc lát thì đồng hồ đã sang 4 giờ sáng. Họ mang cá lên chợ chồm hổm, ngồi dưới chân cầu Tha La để bán. Chúng tôi lắc đầu than nghề vất vả. Họ bảo: “Chưa đâu! Mấy anh mà đi nhầm chuyến bị mưa bão chìm ghe thì mới ớn. Tháng trước, ghe đang đánh thì trời mưa như trút, gió cuốn ập vào nhấn chìm cả ghe xuồng, chúng tôi mỗi người chộp lấy một món để làm phao. Toàn bộ cả trăm ký cá đánh được từ đầu hôm bị sóng cuốn mất sạch. Chúng tôi suýt chết trong gang tấc. Nguy hiểm vậy cũng phải làm, vì đơn giản là chúng tôi quá nghèo. Mấy anh mà chịu cảnh này thì chắc sẽ bỏ nghề sớm” - anh Linh cười nói.

Một chuyến đi đầy vất vả, khiến chúng tôi thấm thía hơn giá trị của những nghề “đi ăn đêm”. Bỗng dưng lòng mình trào dâng lên niềm cảm xúc, thương cho thân phận người nghèo. Bao giờ họ mới được chuyển nghề để thoát cảnh lén lút kiếm sống về đêm? 

VĨNH SƠN
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 11-2009)
 











 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm