Tội phạm môi trường: Vướng luật, khó xử

Tại hội nghị chuyên đề về tội phạm môi trường và tội phạm chức vụ do VKSND TP.HCM vừa tổ chức, đại diện các cơ quan tố tụng cho biết luật quy định còn chung chung, một số tội danh phức tạp có cấu thành gần giống nhau, khiến họ khó xử lý…

Theo VKS TP.HCM, 13 điều luật (từ Điều 182 đến Điều 191a) trong Chương XVII BLHS về tội phạm môi trường còn quy định chung chung nên khó áp dụng. Theo thống kê, tại TP.HCM đến nay chỉ mới xử lý hình sự được tám vụ vi phạm về môi trường với 11 bị can, chủ yếu về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190 BLHS).

Án môi trường: Mòn mỏi chờ hướng dẫn

Theo các đại biểu, các hành vi khác như gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại, đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, hủy hoại nguồn lợi thủy sản… đã xảy ra tương đối nhiều, gây nguy hại lớn cho môi trường, kéo dài khó khắc phục nhưng vẫn khó xử lý hình sự. Lý do là hầu hết tội danh đều quy định hậu định lượng, tính chất mức độ hậu quả để làm căn cứ định tội hoặc định khung hình phạt.

Trong khi đó, liên ngành tư pháp trung ương lại chưa có văn bản hướng bản hướng dẫn cụ thể.

Ông Lý Thế Sơn (đại diện Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM) cho biết có doanh nghiệp thường xuyên xả thải bẩn ra sông, về lâu dài gây hậu quả khó lường. Trong lần vi phạm mới đây, cơ quan điều tra xác định đã là lần thứ 10 doanh nghiệp này vi phạm về môi trường nhưng vẫn không thể xử lý hình sự được.

Tội phạm môi trường: Vướng luật, khó xử ảnh 1

Không ít vụ án vi phạm về môi trường không xử lý được đang làm cơ quan điều tra băn khoăn. Trong ảnh: Khám nghiệm hiện trường một vụ xả nước thải công nghiệp ra sông. Ảnh: CTV

Chia sẻ, ông Nguyễn Vũ Dũng (Viện trưởng VKS quận 4) phân tích: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182 BLHS) quy định cấu thành tội phạm là thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác. Tuy nhiên, luật lại không đưa ra một định lượng cụ thể như tỉ lệ, nồng độ các chất bao nhiêu % trở lên là nguy hại trong không khí; với đất, nguồn nước từ bao nhiêu % trở lên, trên diện tích ô nhiễm là bao nhiêu thì sẽ bị xử lý hình sự.

Còn về hậu quả thì như thế nào là nghiêm trọng? Gây hậu quả nghiêm trọng khác là gì? Mặt khác, ai cũng biết ô nhiễm môi trường có tác hại rất lớn nhưng tính toán cũng rất khó. Bởi lẽ tác hại của ô nhiễm môi trường với sức khỏe của cộng đồng thường không xảy ra ngay mà có thể nhiều năm sau mới thấy được.

Ông Dũng kiến nghị cần phải có văn bản hướng dẫn như danh mục các chất độc hại của môi trường, quy định cụ thể về tỉ lệ, nồng độ các chất độc hại đo được, giám định được từ bao nhiêu % trở lên, trên diện tích từ bao nhiêu trở lên thì xử lý hình sự. Như vậy mới có cơ sở thuận lợi để có thể áp dụng các tội môi trường vào thực tiễn.

Án chức vụ: Tính thiệt hại ra sao?

Trong thực tiễn giải quyết các tội phạm về chức vụ (Chương XXI BLHS, từ Điều 277 đến Điều 291), VKS TP cho biết các cơ quan tố tụng chưa có sự nhất quán trong việc có xác định hậu quả tính trên tỉ lệ góp vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp hay không. Mà điều này có thể quyết định về trách nhiệm hình sự, khung hình phạt áp dụng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người vi phạm.

Chẳng hạn vụ Nguyễn Bá Liễu và đồng phạm tham ô tại Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Minh (doanh nghiệp nhà nước góp vốn 30%). Số tiền tham ô thực tế xác định là 560 triệu đồng. Các cơ quan tố tụng tranh cãi về việc truy tố các bị can chiếm đoạt cả 560 triệu đồng hay chỉ 186 triệu đồng (tính theo tỉ lệ 30% phần vốn góp của Nhà nước). Cuối cùng, Liễu và các đồng phạm bị xác định chiếm đoạt 560 triệu đồng.

Trong khi đó, ở một vụ khác, Nguyễn Hoàng Đức Trí cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế tại Công ty Liên doanh Khí đốt Sài Gòn (Nhà nước góp vốn 14%), gây thiệt hại thực tế hơn 6 tỉ đồng. Sau đó, các cơ quan tố tụng lại thống nhất xác định Trí chỉ gây thiệt hại trên phần góp vốn nhà nước là gần 850 triệu đồng. Hay vụ Dương Huy Chí cùng đồng bọn lừa đảo hơn 2,8 tỉ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam - Chi nhánh Sài Gòn (Nhà nước góp vốn 38,46%). Trong vụ này, giám đốc, trưởng phòng tín dụng, cán bộ tín dụng bị truy tố, xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS) với số thiệt hại hơn 1 tỉ đồng tính trên phần góp vốn của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Bé Tư (Phó Viện trưởng VKS quận Bình Thạnh) bổ sung: Cấu thành của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS) quá rộng và không rõ ràng, dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong áp dụng. Từ đó ông Tư đề nghị nên chăng xóa bỏ luôn tội này trong BLHS.

Làm rõ dấu hiệu định tội

Ngoài các vướng mắc trong bài, VKS TP còn cho biết dấu hiệu định tội của một số tội danh phức tạp trong chương tội phạm về chức vụ gần giống nhau, khó phân biệt rõ ràng như tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS), tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282 BLHS), tội cố ý làm trái… (Điều 165 BLHS) với một số tội quy định trong một số lĩnh vực cụ thể.

Băn khoăn về người có chức vụ

Chương các tội phạm về chức vụ có khái niệm người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một số hình thức khác, có hưởng lương hoặc không, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

Thực tế có rất nhiều giám đốc, kế toán trưởng, thủ quỹ… của các doanh nghiệp cổ phần đại chúng lập khống chứng từ, chứng từ giả, mua bán giá thấp nhưng ghi sổ sách kế toán với giá cao hơn, rút tiền chênh lệch, làm sai quy định tài chính, sai điều lệ… chiếm đoạt tài sản của công ty do chính họ quản lý thì không biết định tội danh như thế nào.

Ông LÝ THẾ SƠN, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM

Nâng mức án

Cần kiến nghị sửa đổi chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chương các tội phạm về chức vụ theo các hướng cụ thể sau: Thứ nhất, nâng mức khởi điểm của hình phạt ở cấu thành cơ bản, thu hẹp khoảng cách tối thiểu và tối đa giữa các khung hình phạt. Thứ hai, bỏ dấu hiệu trong cấu thành cơ bản “đã xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”, “đã xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” vì không rõ ràng, khó xác định. Thứ ba, bỏ bớt các quy định tùy nghi như “có thể bị phạt tiền”, thay vào đó là quy định bắt buộc kèm các biện pháp thu hồi tài sản. Thứ tư, xem xét lại chế định án treo đối với các loại tội phạm này, đảm bảo các điều kiện về thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả…

Ông NGUYỄN THẾ THÀNH, kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm