Tổng thống đòi công lý

Phe chính phủ lâm thời Honduras bác bỏ đề nghị đưa Tổng thống bị lật đổ José Manuel Zelaya Rosales trở lại chấp chính cho tới khi tổ chức cuộc bầu cử sớm vào tháng 10 năm nay. Hơn bảy triệu dân của đất nước vùng Trung Mỹ này đối mặt với sự bất ổn kéo dài.

Tổng thống Manuel Zelaya bị lật đổ

Ông Zelaya sinh ngày 20-9-1952 tại Juticalba, thuộc tỉnh Olancho ở Hoduras. Ông là một nhà kinh doanh thành đạt. Ông để lại ấn tượng trong nhân dân do hay đội chiếc nón Stetson rộng vành và mang đôi ủng như cao bồi Mỹ.

Tổng thống đòi công lý ảnh 1

Tổng thống Zelaya (trái) và Tổng thống Mỹ Obama

Ông  Zelaya theo học bốn năm ngành kỹ thuật công nghiệp tại Đại học Quốc gia Honduras, sau đó bắt tay vào việc kinh doanh, trở thành một người giàu có. Năm 1970, ông bước sang lĩnh vực chính trị với việc  gia nhập đảng Tự do Honduras. Ông được bầu làm đại biểu quốc hội từ năm 1985 tới năm 1998 và làm Bộ trưởng Đầu tư trong chính phủ do đảng Tự do Honduras lãnh đạo.

Năm 2005, ông được đảng Tự do Honduras chọn làm ứng cử viên của đảng để tranh chiếc ghế tổng thống với ông Porifirio Lobo Sosa thuộc đảng Dân tộc. Ông Zelaya thắng cử, tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Honduras vào tháng 3-2006.

Tổng thống Zelaya đưa Honduras gia nhập Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA), một tổ chức liên kết các nước châu Mỹ La tinh và vùng Caribbean. Chính phủ của Tổng thống Zelaya theo cánh tả, cánh của một số nước châu Mỹ La tinh hiện nay như Bolivia, Venezuela đang theo đuổi.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Zelaya là giảm tội phạm hình sự, hạ thấp số người bị giết mỗi ngày. Honduras có hơn bảy triệu dân nhưng trung bình mỗi ngày xảy ra tới 12 vụ giết người. Hầu hết người bị giết là do dính líu tới hoạt động buôn lậu ma túy, bị các băng đảng  thanh toán.

Tổng thống đòi công lý ảnh 2

Tổng thống Zelaya

Các băng đảng tội ác quốc tế vươn vòi bạch tuộc tới Honduras vì nước này là một trong những điểm trung chuyển cocain từ Colombia tới Mỹ. Trong lúc vận động tranh cử, ông Zelaya đã hứa tăng cường lực lượng cảnh sát để ổn định an ninh.

Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí trong nước, tình hình an ninh Honduras vẫn tiếp tục tồi tệ. Ngày 22-2-2008, Tổng thống Zelaya kêu gọi Mỹ hợp pháp hóa ma túy để giảm hoạt động của các băng đảng tội ác và số vụ giết người tại Honduras.

Chính phủ của tổng thống còn bị mất lòng dân do các xì-căng-đan hối lộ, tham nhũng. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng giá lương thực thế giới năm 2008 đẩy giá các mặt hàng lương thực thiết yếu lên cao, làm cho đời sống 80% dân số Honduras thêm cơ cực.

Một số động thái của Tổng thống Zelaya về việc giải quyết vấn đề an ninh đã khiến ông mất đi sự ủng hộ của báo chí và người dân. Tổng thống Zelaya bị tố cáo đã có hành động bách hại nhà báo. Ngày 1-4-2009, Tổng thống Zelaya tuyên bố bắt đầu nghe và ghi các cuộc gọi của tất cả điện thoại di động  trong nước... Đó là những lý do đã kéo tỷ lệ người ủng hộ Tổng thống Zelaya xuống còn 25% trước lúc ông bị lật đổ.

“Thùng phiếu thứ tư”

Thông thường, trong cuộc tổng tuyển cử ở Honduras, cử tri được phát ba lá phiếu để bỏ vào ba thùng phiếu khác nhau: một là phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống, hai là phiếu bầu đại biểu quốc hội, ba là phiếu bầu chính quyền địa phương.

Tổng thống Zelaya đòi đặt thêm một “thùng phiếu thứ tư” tại các điểm bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 11-2009. Thùng phiếu thứ tư để người dân cho biết có chấp thuận hay không việc thành lập một hội đồng lập hiến để thảo ra một hiến pháp mới.

Tổng thống đòi công lý ảnh 3

Tổng thống Zelaya (phải) và Tổng thống Hugo Chavez

Thùng phiếu thứ tư để hỏi ý dân về việc sửa đổi hiến pháp là hết sức nhạy cảm. Giới chính trị cho rằng Tổng thống Zelaya cố thúc đẩy trưng cầu dân ý, nhằm mục đích sửa đổi hiến pháp để ông có thể tái ứng cử và tiếp tục làm tổng thống sau khi nhiệm kỳ tổng thống của ông chấm dứt vào ngày 27-1-2010.

Theo Hiến pháp Honduras hiện hành, nhiệm kỳ tổng thống kéo dài chỉ bốn năm và tổng thống không được tái cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Tổng thống mãn nhiệm nếu muốn tái ứng cử chỉ còn một con đường duy nhất là sửa đổi hiến pháp.

Muốn sửa Hiến pháp Honduras không cần phải trưng cầu dân ý mà chỉ cần đa số 2/3 dân biểu trong Quốc hội ưng thuận. Ngặt nỗi hiến pháp hiện hành cấm sửa đổi tám điều khoản, trong đó có điều cấm tổng thống mãn nhiệm tái ứng cử. Hiến pháp Honduras nhấn mạnh điều khoản về nhiệm kỳ tổng thống  “không thể sửa đổi bởi bất kỳ lý do nào”. Chính vì thế, Tổng thống Zelaya phải dùng cách trưng cầu dân ý để dẫn tới việc sửa đổi điều khoản giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. 

Ý định đặt thùng phiếu thứ tư được ông Zelaya công bố ngày 11-11-2008. Ngày 24-3-2009, ông ký sắc lệnh cho Viện Thống kê quốc gia tổ chức cuộc trưng cầu ý kiến của cử tri về thùng phiếu thứ tư. Sắc lệnh nói rõ là thùng phiếu này không có giá trị pháp luật, không bắt buộc phải thi hành kết quả trưng cầu dân ý.

Tòa án tối cao Honduras phản đối việc tổ chức lấy ý kiến của dân, cho dù không bắt buộc thi hành. Tòa tuyên bố việc tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp là vi hiến vì hiến pháp cấm sửa đổi một số điều khoản. Quốc hội, Bộ Tư pháp Honduras cũng tuyên bố như Tòa án tối cao.

Tổng thống Zelaya không chấp hành phán quyết của Tòa án tối cao và cách chức tướng Romeo Vasquez, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Honduras. Ông này không ủng hộ trưng cầu dân ý. Thông thường, quân lính Honduras chịu trách nhiệm phát phiếu bầu cho cử tri trước ngày bầu cử nhưng lần này chẳng những họ không phát phiếu mà còn tìm cách ngăn cuộc bỏ phiếu.

Thay vào đó, những người ủng hộ ông Zelaya đã  phát phiếu. Tòa án tối cao và Quốc hội Honduras cho rằng cách chức Tổng tham mưu trưởng Romeo Vasquez là bất hợp pháp và đòi phục hồi chức vụ cho ông này. Quốc hội bắt đầu thảo luận việc luận tội Tổng thống Zelaya.

Sáng sớm 28-6-2009, theo lệnh của Tòa án tối cao, quân đội tới dinh tổng thống, bắt Tổng thống Zelaya đưa tới một căn cứ không quân, sau đó đưa tới Costa Rica. Chủ tịch Quốc hội Roberto Micheletti lên làm Tổng thống lâm thời Honduras.

Tổng thống đòi công lý ảnh 4

Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát gần dinh Tổng thống Honduras

Tổng thống đòi... công lý

Điều 102 Hiến pháp Honduras nói không một người dân Honduras nào bị bắt ra khỏi nước hay bị giao cho một nước khác. Tổng thống bị lật đổ Zelaya lên án chính quyền lâm thời Honduras vi hiến và đòi trả lại công lý cho mình.

Ông tuyên bố không muốn tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Là một tổng thống dân cử hợp hiến và hợp pháp, ông muốn quay về nước, tiếp tục làm tổng thống Honduras cho tới kết thúc nhiệm kỳ theo hiến pháp quy định.

Khi cuộc thương thảo bị đổ vỡ, ông Zelaya đang ở Nicaragua. Ông tuyên bố sẽ tổ chức lực lượng đối kháng bên trong lãnh thổ Honduras để chuẩn bị cho việc trở lại nắm quyền lãnh đạo Honduras. Tại Honduras, ông Zelaya được sự ủng hộ của các công đoàn, nông dân và dân nghèo.

Những người ủng hộ Tổng thống Zelaya sau đảo chính đã tổ chức biểu tình tại thủ đô Tegucigalpa, đòi chính quyền lâm thời để cho ông Zelaya trở về nước. Các cuộc biểu tình của những người ủng hộ chính quyền lâm thời chống ông Zelaya cũng diễn ra đồng thời.

Dư luận quốc tế ủng hộ Tổng thống Zelaya. Sau cuộc đảo chính, nhiều nước, kể cả Mỹ và các tổ chức liên kết như Liên minh châu Âu, Tổ chức các nước châu Mỹ lên tiếng phê phán cuộc đảo chính và ủng hộ ông Zelaya, Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết kêu gọi “Các nước cương quyết không công nhận bất cứ chính phủ nào không phải là chính phủ của ông Zelaya” tại Honduras.

Tổng thống Costa Rica Oscar Arias hiện vẫn tiếp tục nỗ lực dàn xếp để cuộc khủng hoảng chính trị ở Honduras được giải quyết trong hòa bình.

(Theo Wikipedia, BBC, AP, CNN)

TÚY HOA

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 8-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm