Trần ai “con kiến” kiện “củ khoai” - Bài 5: “Người hùng” cô độc

Chị khóc cạn nước mắt trước tiếng đồn bị đuổi việc vì lem nhem tiền bạc mà không biết làm sao giải oan…

Đó là cảnh ngộ của chị Lê Thị Mỹ Chi, nguyên thủ quỹ Trung tâm Giáo dục thường xuyên Kiên Giang.

Mất việc

Ngày đó, thấy các khoản tài chính trong cơ quan thiếu minh bạch, chị Chi làm đơn tố cáo. Năm 2010, Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang kết luận Trung tâm Giáo dục thường xuyên để xảy ra sai phạm gần 700 triệu đồng. Tuy nhiên, điều bất ngờ là trong 700 triệu đồng sai phạm đó, Sở Tài chính cho rằng thủ quỹ, tức chị Chi, làm mất quỹ tiền mặt hơn 70 triệu đồng.

Chị Chi uất ức: “Tôi ngay thẳng, không khuất tất gì nên mới dám mạnh dạn tố cáo. Hơn nữa, còn có bằng chứng là biên bản làm việc giữa đoàn thanh tra với giám đốc, kế toán và tôi thì tiền mặt của cơ quan không mất mà còn thừa gần 450.000 đồng”.

Chị Chi khiếu nại kết luận của Sở Tài chính nhưng bị chủ tịch tỉnh bác đơn. Sau đó, giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định kỷ luật buộc chị thôi việc. Chị lại khiếu nại, lại bị chủ tịch tỉnh bác đơn.

Đầu năm 2011, chị Chi khởi kiện yêu cầu hủy quyết định buộc thôi việc của giám đốc Sở GD&ĐT, rồi kiện luôn quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch tỉnh nhưng không tòa nào thụ lý. Đầu năm 2012, chị Chi lại kiện yêu cầu được phục hồi quyền lợi của người lao động, tòa cũng trả đơn.

Trần ai “con kiến” kiện “củ khoai” - Bài 5: “Người hùng” cô độc ảnh 1

Chị Lê Thị Mỹ Chi với cuốn sổ quỹ tiền mặt chứng minh mình không làm mất tiền quỹ. Ảnh: V.SƠN

“Tôi chỉ là một viên chức bị đuổi việc mà thưa đâu cũng không ai xử. Nhiều lúc nghĩ chẳng lẽ mình sống ngoài vòng pháp luật? Có người nói tôi thôi đi, thủ quỹ quèn lại dám đi kiện lung tung. Nghe vậy, tôi chỉ biết cười trừ nhưng thấy mình thật sự tuyệt vọng” - chị Chi buồn bã.

Gia đình đổ vỡ 

Chuyện không chỉ dừng ở chỗ chị bị mất việc. Tai họa sau đó cứ trút lên đôi vai bé nhỏ của người phụ nữ ấy.

Trước khi chị Chi bị sa thải, gia đình chị rất chan hòa, êm ấm. Nhưng từ ngày bị mất việc, chồng chị cũng nghe lời người ngoài, về hục hặc với chị. Thất nghiệp đã buồn đã nản, thêm chồng không chia sẻ nên vợ chồng mâu thuẫn, lạnh nhạt với nhau dần. Chị xin ly hôn. Mái ấm gia đình đổ vỡ từ đó.

“Nhà cửa tôi giao cho chồng. Chồng tôi cũng giành quyền nuôi con. Rời gia đình, tài sản tôi có là hơn 300 triệu đồng được trả dần sau khi ly hôn. Một mình, tôi đi thuê nhà trọ ở” - chị Chi kể.

Một mình bươn bả với cuộc sống, lo khiếu kiện, năm 2010, chị mượn tiền thuê đất cất quán bán cà phê. Tai họa vẫn ập đến. Trong một lần chị đóng cửa quán để ra Hà Nội gửi đơn khiếu kiện, trộm vào lấy sạch số vàng và tiền chị dành dụm được. Chưa hết, chị thuê nhân viên phụ quán, ít lâu sau họ cũng “chôm” tiền của chị và bỏ đi. Có lần, thấy chị sống một mình, nhóm côn đồ xông vào giật mất cái máy tính. Quán cà phê lúc mở, lúc đóng để chị đi khiếu kiện nên khách càng ngày càng vắng...

“Tài sản của tôi tiêu tan sạch. Nhưng cái khiến tôi phải khóc cạn nước mắt là danh dự bị mất. Trước tin đồn bị đuổi việc vì lem nhem tiền bạc mà tôi không dám đối diện với người thân, người quen. Có nói mình oan cũng không ai hiểu. Những lúc thấy bế tắc, buồn tủi quá, tôi lại ra thăm mộ cha ngồi mà khóc”...

Trở lại vụ kiện của chị Chi, sau quá trình khiếu nại, cuối cùng chị cũng đã được TAND TP Rạch Giá thụ lý yêu cầu và tổ chức hòa giải vào ngày 28-5 vừa qua. Chỉ mới có như vậy thôi mà khi báo tin cho chúng tôi, chị đã vui như người vừa chết đi sống lại!

“Được vạ thì má đã sưng”

Sau khi Pháp Luật TP.HCM khởi đăng loạt bài này, ông Trần Thanh Trung, ngụ phường 10, quận 8 (TP.HCM), đã gửi thư cho biết rất tâm đắc với nội dung các bài báo. “Tôi hiểu nỗi cơ cực của người phải đi kiện cơ quan Nhà nước. Được vạ thì má đã sưng nhưng khổ nỗi, nhiều trường hợp thắng kiện rồi cũng như không”- ông Trung viết.

Ông Trung chia sẻ về vụ khiếu kiện mà ông làm đại diện: Không đồng tình với mức bồi thường thu hồi đất của huyện Bình Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Liên khởi kiện. Tòa huyện đã buộc UBND huyện hỗ trợ bổ sung gần 455 m2 đất nông nghiệp cho bà với mức 25% theo giá đất ở có vị trí liền kề.

Bản án có hiệu lực. Ủy ban huyện có quyết định mới hỗ trợ bổ sung cho hộ bà Liên gần 16 triệu đồng. Bà Liên cho rằng nếu thực hiện đúng như án tuyên thì huyện phải hỗ trợ hơn 143 triệu đồng nên bà khiếu nại. Bị bác đơn, bà kiện quyết định mới.

Lần này, tòa huyện bác yêu cầu của bà. Bà kháng cáo. Tháng 9-2011, Tòa TP đã sửa án sơ thẩm, buộc Ủy ban huyện chiết tính hỗ trợ cho hộ bà Liên theo đúng quy định.

Sau đó, bà Liên cho rằng huyện Bình Chánh tiếp tục không thực hiện đúng bản án của tòa khi chỉ hỗ trợ bổ sung… gần 8 triệu đồng. Bà làm nhiều đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị đôn đốc việc thi hành án nhưng đến nay, vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm