Tranh chấp phần mềm, ai giám định?

Tháng 6-2012, TAND TP Đà Nẵng thụ lý vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ là phần mềm hệ thống website giữa Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây (nguyên đơn) với Công ty TNHH QGS.

Tòa vất vả chờ giám định phần mềm

Theo đơn khởi kiện của Công ty Đông Tây, một năm trước, công ty này ký hợp đồng thuê Công ty QGS thiết kế xây dựng và cung cấp website www.dongtay.vn và www.biblio.vn với giá 35.410 USD (tương đương 700 triệu đồng). Đến tháng 6-2012, hai bên xảy ra tranh chấp về chất lượng sản phẩm nên Công ty Đông Tây đã khởi kiện đòi lại hơn 200 triệu đồng đã thanh toán cho Công ty QGS trước đó.

Phía Công ty QGS phản tố, cho rằng Công ty Đông Tây đã sử dụng trái phép sản phẩm phần mềm thuộc bản quyền sở hữu trí tuệ của mình. Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Công ty QGS đã yêu cầu trưng cầu giám định đối với phần mềm website mà Công ty Đông Tây đang sử dụng.

Giải quyết vụ án, tháng 1-2013, TAND TP Đà Nẵng đã có các công văn gửi Sở VH-TT&DL TP, Sở Thông tin và Truyền thông TP đề nghị giới thiệu giám định viên tư pháp thực hiện giám định hành vi vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm phần mềm.

Ít ngày sau, Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng có công văn trả lời, đề nghị tòa “phối hợp làm việc với văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP Đà Nẵng. Đây là cơ quan trực thuộc Cục Bản quyền tác giả, có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về quyền tác giả”.

Riêng Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng lúc đầu còn lúng túng về vấn đề này nên không trả lời ngay mà gửi công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông “hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm định hoặc giới thiệu tổ chức, cá nhân có năng lực để thực hiện thẩm định”. Sau khi được hướng dẫn, đến tháng 3-2013, Sở có công văn trả lời tòa rằng “việc giám định quyền tác giả, quyền liên quan thuộc thẩm quyền của ngành VH-TT&DL”. Từ đó, Sở Thông tin và Truyền thông giới thiệu tòa liên hệ với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL).

Sau khi TAND TP Đà Nẵng đã ba lần gửi công văn đề nghị giám định, tháng 6-2013, Cục Bản quyền tác giả mới có công văn trả lời là đến nay chưa có tổ chức giám định quyền tác giả mà tòa có thể trưng cầu.

Không biết làm sao, TAND TP Đà Nẵng đành quay về “níu áo” Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng. Trước tình hình này, Sở Thông tin và Truyền thông đã phải tìm, giới thiệu một số chuyên gia tin học cụ thể cho tòa để thực hiện việc giám định. Mãi đến tháng 2-2014, hội đồng giám định mới chính thức có kết luận là “không phát hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả”. Đến lúc này tòa mới có căn cứ để giải quyết tiếp vụ án.

Lĩnh vực kiến trúc cũng thiếu giám định viên

Tương tự, cuối năm 2011, TAND TP Đà Nẵng thụ lý một vụ tranh chấp về quyền tác giả tác phẩm kiến trúc. Nguyên đơn là một nhóm đồng tác giả khởi kiện Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Xây dựng Tường Phát vì cho rằng công ty này đã sao chép bản vẽ thiết kế của mình.

Để có căn cứ phân xử, TAND TP Đà Nẵng đã gửi công văn đến Cục Bản quyền tác giả đề nghị trưng cầu giám định vi phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm kiến trúc nêu trên. Tuy nhiên, Cục Bản quyền tác giả chỉ trả lời một cách rất chung chung như sau: “Việc giám định sở hữu trí tuệ phải thực hiện theo Điều 201 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Cục Bản quyền tác giả đề nghị TAND TP Đà Nẵng thông báo cho đương sự biết để thực hiện”.

Không nhờ được Cục Bản quyền tác giả, tháng 7-2012, TAND TP Đà Nẵng đành gửi công văn đề nghị Sở VH-TT&DL TP cử giám định viên tư pháp. Sau đó, tòa cũng chỉ nhận được câu trả lời của sở này là theo tình hình thực tế hiện nay thì sở chưa có giám định viên tư pháp về lĩnh vực kiến trúc.

Cuối cùng, tòa đã phải nhờ đến Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP Đà Nẵng. Đến cuối năm 2012, liên hiệp này mới có kết luận giám định chính thức để tòa dựa vào đó tuyên buộc Công ty Tường Phát phải chấm dứt hành vi sao chép tác phẩm kiến trúc của các đồng nguyên đơn.

ThS THÁI VĂN ĐOÀN (VKSND TP Đà Nẵng)

Sớm thành lập tổ chức giám định chuyên trách

Những vụ việc trong bài cho thấy do chưa có tổ chức giám định về quyền sở hữu trí tuệ, cũng như chưa có giám định viên chuyên trách nên việc giám định về sở hữu trí tuệ, nhất là ở các lĩnh vực kỹ thuật đặc thù như tin học, kiến trúc… đang gặp bế tắc, chậm trễ. Hệ quả là việc giải quyết án của tòa bị kéo dài, làm mất thời gian, công sức của cả tòa lẫn các đương sự, gây thiệt hại cho các đương sự.

Trong tình hình hiện nay, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc sớm thành lập tổ chức chuyên môn giám định sở hữu trí tuệ với tư cách là tổ chức bổ trợ tư pháp là điều rất cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm