Từ vụ “người Việt chơi casino” bàn tội đánh bạc

Có điều cả chục năm nay các sòng bài chuyên nghiệp với những ván bài thường có mức cược “khủng” này chỉ dành riêng cho người nước ngoài. Vậy nên dự kiến cho cả người Việt vào chơi casino (nêu trong dự thảo nghị định của Chính phủ về hoạt động kinh doanh casino do Bộ Tài chính soạn thảo và vừa đệ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đang “dậy sóng” với các tranh luận nhiều chiều.

Phía phản đối lo ngại với một số người Việt có “máu đỏ đen”, nếu được chơi thoải mái có thể gây hệ lụy lớn cho xã hội… Thế nhưng phía đồng tình lại cho rằng nếu không cho người Việt vào chơi thì một số nhà đầu tư nước ngoài có thể mang dự án hàng tỉ USD sang đầu tư ở quốc gia khác. Khi đó Việt Nam sẽ không chỉ mất khoản tiền người Việt mang ra nước ngoài đánh bạc, mà còn mất dự án đầu tư, mất một lượng khách nước ngoài không nhỏ đến Việt Nam du lịch, chơi casino… Chưa rõ phía nào sẽ “thắng” nhưng đáng lưu ý là đang có băn khoăn nếu mở rộng cửa casino cho người Việt thì liệu có xảy ra xung đột pháp luật khi quy định hiện hành xem đánh bạc là sai phạm và tùy mức độ mà phạt hành chính hoặc xử lý hình sự?

Thực ra, có một thay đổi cốt yếu về quy định xử lý hành vi đánh bạc mà có không ít người đã không để ý đến. Về xử phạt hành chính, từ năm 2010 Nghị định 73/2010 (và nay là Nghị định 167/2013) chỉ xử phạt hành vi đánh bạc trái phép đối với những trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự. Về xử lý hình sự, nội dung của tội đánh bạc cũng có sự điều chỉnh tương tự cho phù hợp với sự tồn tại của các casino. Cụ thể, nếu BLHS năm 1999 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự “người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn…” thì Luật số 37/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999 chỉ truy cứu “người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng…”. Tương ứng, trong tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc cũng có thêm điều kiện “trái phép”.

Có lẽ các nhầm lẫn đều xuất phát từ chỗ khi sửa đổi nội dung BLHS vào năm 2009, Quốc hội đã không đồng thời thay đổi tên Điều 248 từ “tội đánh bạc” thành “tội đánh bạc trái phép” để mọi người dễ dàng nhận ra (như cách mà Chính phủ đã làm tại các nghị định xử phạt trong lĩnh vực an ninh trật tự). Song với cụm từ “trái phép” thì vẫn có thể hiểu theo cách thông thường là không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp). Xem ra nếu dự kiến cho phép người Việt vào chơi casino trở thành quy định chính thức thì nghị định như thế của Chính phủ không “đụng” gì với BLHS. Điều này đồng nghĩa với việc nghị định “casino” vẫn có thể ra đời mà không cần phải sửa BLHS như có ý kiến đề nghị.

Nguyên tắc là vậy nhưng để việc triển khai nghị định “casino” được đồng bộ thì giữa các cơ quan cấp trung ương nhất thiết phải có cách hiểu và hành động chung, nhất là khi lâu nay việc xử lý các hành vi đánh bạc vẫn còn chệch choạc và trong một số trường hợp còn gây bất bình trong dư luận. Hiện TAND Tối cao đã có Nghị quyết 01/2010 hướng dẫn Điều 248 Bộ Luật Hình sự nhưng thực tế triển khai vẫn chưa phải đã ổn thỏa.

Vậy nên chăng có một thông tư liên tịch giữa Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao… giải thích thế nào là đánh bạc trái phép (với các lưu ý cần thiết về địa điểm, tính chất..), cách nào xác định tiền đánh bạc… Bởi lẽ trong nhiều trường hợp lực lượng công an vẫn bắt người đánh bạc và truy cứu trách nhiệm hình sự họ bằng cách tính gộp số tiền trong túi con bạc với số tiền có tại chiếu bạc với lý lẽ hết sức cảm tính, chủ quan rằng tiền trong túi đó là tiền sẽ được dùng để đánh bạc (?).

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm