KHIẾU KIỆN HÀNH CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI:

Ủy ban giải quyết rồi, dân vẫn được kiện?

Trong khi chờ luật mới, vẫn rất cần có văn bản hướng dẫn là để tránh tình trạng mỗi tòa xử một kiểu...

Cái vướng đầu tiên từng gây tranh luận kéo dài nhiều năm nay là ngành tòa án có được thụ lý, giải quyết các khiếu kiện về quyết định cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế để giải phóng mặt bằng hay không.

Tòa phải thụ lý?

Theo Điều 11 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (Pháp lệnh), các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai (cho thuê, chuyển mục đích sử dụng, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu hồi giấy đỏ, gia hạn việc sử dụng đất) đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử đã phát sinh hai luồng quan điểm trái ngược.

Có thẩm phán cho rằng các khiếu kiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế giải phóng mặt bằng không được quy định cụ thể tại Điều 11 Pháp lệnh. Không cụ thể mà vẫn vận dụng giải quyết thì sẽ phát sinh tình trạng áp dụng luật không thống nhất và mỗi tòa sẽ xử một kiểu.

Ngược lại, cũng có thẩm phán bảo tòa hành chính thụ lý, giải quyết các khiếu kiện này là chuyện bình thường. Lý giải, họ cho rằng những loại quyết định này của cơ quan quản lý đất đai ở địa phương đều nhằm mục đích cuối cùng là để thu hồi đất hoặc để giải phóng mặt bằng, được quy định trong Pháp lệnh.

Theo Tòa Hành chính TAND Tối cao, hiểu theo cách thứ hai là hợp lý vì bản chất loại quyết định hành chính này là nhằm hai mục đích đã nói ở trên. Vì thế nếu đương sự khởi kiện đúng thủ tục thì tòa phải thụ lý.

Không phục ủy ban, kiện ra tòa?

Một vướng mắc khác là trong trường hợp đương sự nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của chủ tịch UBND cấp tỉnh thì họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính nữa hay không.

Ủy ban giải quyết rồi, dân vẫn được kiện? ảnh 1

Hiện nay, một lượng lớn án hành chính liên quan đến khiếu kiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất vẫn đang gặp vướng. Ảnh minh họa: HTD

Những người theo chủ trương tòa không thụ lý thì lý giải rằng Điều 2 Pháp lệnh và Điều 138 Luật Đất đai đã quy định rất rõ: Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của chủ tịch UBND cấp tỉnh là quyết định giải quyết cuối cùng. Tức là đương sự không có quyền kiện ra tòa nữa.

Theo Tòa Hành chính TAND Tối cao, vì hiểu như vậy nên thực tế đã có không ít vụ đương sự không đồng tình với giải quyết của chủ tịch UBND cấp tỉnh, phát đơn kiện thì bị tòa trả lại. Người dân bức xúc, dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người.

Trái với quan điểm trên, nhiều tòa và nhiều thẩm phán lại cho rằng ngành tòa án cứ thụ lý bình thường dựa theo Điều 46 Luật Khiếu nại, tố cáo. Tòa Hành chính TAND Tối cao đồng tình với quan điểm này và phân tích thêm: Theo Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các văn bản pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản sau. Theo đó, Luật Khiếu nại, tố cáo được ban hành sau Luật Đất đai nên cứ theo luật này mà làm.

Mặt khác, giải quyết khiếu nại của UBND chỉ dừng lại ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước nên đương sự có thể nhờ tòa phân xử nếu chưa thỏa mãn.

Một thẩm phán Tòa Hành chính TAND Tối cao bổ sung thêm: Hầu hết phần cuối các quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của UBND đều có dòng chữ nếu người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện ra tòa án nơi có thẩm quyền. Như vậy, không có lý gì tòa lại từ chối giải quyết yêu cầu của đương sự.

Theo Tòa Hành chính TAND Tối cao, trong khi chờ Quốc hội ban hành Luật Tố tụng hành chính, TAND Tối cao vẫn cần phải có văn bản hướng dẫn để giải quyết các vướng mắc trên. Hiện nay, một lượng lớn án hành chính liên quan đến khiếu kiện đất đai vẫn đang gặp vướng. Nếu không có một văn bản thống nhất thì tình trạng mỗi tòa xử một kiểu vẫn sẽ diễn ra.

Quốc hội thảo luận dự luật Tố tụng hành chính

Trong kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII vừa qua, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính gồm 13 chương, 163 điều. Các ý kiến xoay quanh thẩm quyền giải quyết của tòa hành chính, điều kiện khởi kiện, thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính, quyết định của HĐXX sơ thẩm, thủ tục thỏa thuận, vai trò của VKS…

Một điều rất đáng chú ý là phần lớn đại biểu đã tán thành phương án đương sự có thể khởi kiện vụ án hành chính ngay mà không phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trước.

“Nới lỏng” phải có lộ trình

Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính không cho đương sự được khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ hai. Quy định này đã làm hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính của công dân, làm phát sinh bức xúc, khiếu nại. Đa số thành viên ban soạn thảo dự luật Tố tụng hành chính đồng tình cần đơn giản hóa điều kiện khởi kiện hành chính. Tuy nhiên, tôi đề nghị việc “nới lỏng” này cần có lộ trình, phù hợp với điều kiện và khả năng giải quyết các loại vụ việc của tòa án.

Chánh án TAND Tối cao TRƯƠNG HÒA BÌNH phát biểu tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII

Phải được hiểu thống nhất

Những vụ khiếu kiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất hay giải phóng mặt bằng không được tòa thụ lý hiện rất nhiều. Khi bị tòa từ chối, đương sự không biết cậy nhờ cơ quan nào để giải quyết. Hay trong quyết định giải quyết khiếu nại, cơ quan nhà nước nói nếu không đồng ý thì có quyền kiện ra tòa nhưng thực tế tòa lại không thụ lý, thể hiện sự thiếu thống nhất giữa cơ quan nhà nước và tòa án. Cạnh đó còn nhiều khiếm khuyết khác. Tất cả đều cần được quy định thống nhất, cụ thể trong Luật Tố tụng hành chính sắp tới.

Một thẩm phán TAND tỉnh Đồng Nai

Ngại xử án hành chính

Nhiều người đứng đầu cơ quan nhà nước có tâm lý tòa án không thể “to” hơn cơ quan nhà nước nên không có quyền xem xét tính đúng sai trong quyết định họ ban hành. Từ thực tế đó khiến nhiều thẩm phán ngần ngại khi xử án hành chính, nhất là khiếu kiện liên quan đến đất đai. Theo tôi, có lẽ chiếc ghế thẩm phán hành chính là chiếc ghế “khó ngồi” nhất vì nó đụng chạm tới nhiều cơ quan hành chính.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm