Văn phòng luật sư bị tố “bắt cá hai tay”

Ngày 4-4, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tư vấn pháp luật giữa Văn phòng luật sư ĐVT (quận 11, gọi tắt là VPLS) với ông Lai Vĩnh K. (ngụ huyện Hóc Môn).

Bên nói có giúp, bên bảo không

Trình bày trước tòa, phía VPLS (nguyên đơn) nói vào tháng 7-2011, sau khi thỏa thuận, hai bên có ký hợp đồng tư vấn pháp luật với các nội dung chính: VPLS sẽ bảo vệ quyền lợi cho ông K. tại các cấp tòa trong các phiên sơ, phúc thẩm một vụ tranh chấp nhà tại đường Trần Bình Trọng (quận 5) và đất tại xã Thới Tam Thôn (Hóc Môn). Thù lao là 5% giá trị ông K. hưởng trong hai bất động sản trên theo quyết định của tòa. Ông K. tạm ứng trước cho VPLS 20 triệu đồng, còn lại sẽ thanh toán đủ khi quyết định, bản án của tòa có hiệu lực pháp luật.

Sau đó, VPLS đã cử một luật sư tham gia bảo vệ ông K. tại TAND TP.HCM. VPLS có gọi điện thoại, nhắn tin cho ông K. biết ngày đo đạc hai bất động sản tranh chấp và ngày hòa giải. Trong quá trình hòa giải, luật sư đều tham gia và tư vấn pháp luật sao cho có lợi nhất cho thân chủ...

Đến đầu năm 2012, TAND TP.HCM đã ra quyết định công nhận hòa giải thành giữa các đương sự. Sau đó, ông K. né tránh việc thanh toán tiền công cho phía VPLS dù VPLS đã nhiều lần nhắc. Khi thi hành án, ông K. đã nhận được khoảng 534 lượng vàng SJC. Theo hợp đồng, ông K. phải thanh toán cho VPLS 26 lượng vàng nhưng VPLS khởi kiện yêu cầu ông K. chỉ thanh toán 800 triệu đồng mà thôi.

Luật sư trực tiếp làm việc với ông K. cũng khẳng định có tư vấn cũng như tham gia hòa giải cùng thân chủ, phôtô tài liệu. Do vụ án kéo dài trong khi ông K. muốn nhanh kết thúc nên luật sư mới soạn đơn cho ông đi nộp cho tòa án... Chỉ có buổi hòa giải cuối cùng, bà thấy không cần tham dự nên đã báo ông K. và được ông đồng ý. Còn quyết định sau đó của tòa thì cũng chính luật sư đi lấy...

Ngược lại, ông K. khẳng định bên nguyên đơn nói không đúng. Sau khi ký hợp đồng và nhận cọc, phía VPLS đã không hề tư vấn bảo vệ quyền lợi cho ông tại tòa cũng như trong giai đoạn thi hành án. Trong quá trình tòa giải quyết vụ tranh chấp, ông K. nhiều lần yêu cầu VPLS tham gia khi tòa triệu tập lấy lời khai, hòa giải nhưng họ đã không tham gia. Vì vậy, ông K. không đồng ý trả phí dịch vụ như thỏa thuận và yêu cầu tòa cho hủy hợp đồng tư vấn pháp luật cũng như lấy lại tiền cọc. Ông K. còn nói đơn xin tòa xét xử sớm do chính ông tự đánh máy, tự ký, tự đi nộp. Bên VPLS đã không có bất kỳ hoạt động nào giúp ông cả.

Từng bảo vệ “đối thủ” của thân chủ

Xử sơ thẩm hồi tháng 10-2013, TAND huyện Hóc Môn nhận định hợp đồng tư vấn pháp luật giữa hai bên được ký trên tinh thần tự nguyện, không trái luật nên có hiệu lực. VPLS có cử luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông K. cũng như có tham gia tố tụng giúp thân chủ trong điều kiện tốt nhất. Cạnh đó, ông K. chưa từng có yêu cầu chấm dứt hợp đồng tư vấn pháp luật trong thời gian tòa giải quyết vụ tranh chấp của mình. Hiện vụ án của ông đã được giải quyết xong. Vì thế, tòa cho rằng yêu cầu của VPLS có căn cứ nên chấp nhận.

Ông K. kháng cáo. VKS cũng kháng nghị, cho rằng tòa sơ thẩm nói VPLS có làm việc cho thân chủ nhưng không đưa ra các căn cứ, dẫn chứng cụ thể nên đề nghị cấp phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của VPLS.

Tại phiên phúc thẩm hôm qua, phía VPLS nói chỉ tư vấn cho bên ông K. bằng miệng thông qua điện thoại hay trao đổi trực tiếp và có soạn đơn. Tuy nhiên, phía VPLS cũng thừa nhận không có giấy chứng nhận tham gia vụ kiện bảo vệ cho thân chủ mà tòa cấp...

Đáng chú ý, phía VPLS thừa nhận trước khi ký hợp đồng tư vấn pháp luật với ông K., VPLS có nhận... bảo vệ quyền lợi cho anh ông K. (nguyên đơn trong vụ tranh chấp hai bất động sản với ông K.). Dù vậy, VPLS vẫn cho rằng chuyện này không có gì sai bởi sau khi anh ông K. chết thì VPLS mới ký hợp đồng tư vấn pháp luật với ông K.

Không đồng tình, ông K. cho rằng luật quy định trong cùng một vụ án thì luật sư không thể tham gia tư vấn bảo vệ quyền lợi cho hai bên đối lập như vậy được.

Theo đại diện VKS, hồ sơ không có căn cứ nào chứng minh các công việc VPLS đã làm cho ông K. nên đề nghị tòa sửa án sơ thẩm. Dự kiến TAND TP.HCM sẽ tuyên án vào tuần sau.

HOÀNG YẾN

 

Trái luật và đạo đức nghề luật sư

Việc một VPLS tư vấn, bảo vệ cho cả hai bên nguyên - bị có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ án là không đúng với quy định của pháp luật và đạo đức của nghề luật sư.

Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư quy định nghiêm cấm luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật.

Cạnh đó, Quy tắc đạo đức và ứng xử của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trong trường hợp có xung đột về lợi ích cũng nhấn mạnh: “Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư không nhận vụ việc của khách hàng mới có sự đối lập về quyền lợi với khách hàng mà luật sư đảm nhận theo hợp đồng dịch vụ pháp lý đang còn hiệu lực thực hiện trong cùng một vụ án hoặc vụ việc khác theo quy định của pháp luật”...

Luật sư PHẠM MINH TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm