VÌ SAO TP.HCM CÒN ÁN QUÁ HẠN - BÀI 1:

Vẫn trình độ non và nhát tay

“Quyết” kéo rê chứ không xử

Cuối năm 2007, bà H. kiện ra TAND quận 12 (TP.HCM) đòi khoản nợ 1,2 tỉ đồng mà bên mua nhà còn thiếu. Được phân công giải quyết, thẩm phán nhiều lần hòa giải nhưng bị đơn chỉ một lần đến dự, lại không chịu ký vào biên bản.

Năm 2008, tòa mở phiên xử nhưng phải hoãn vì bị đơn vắng mặt. Sau đó, thẩm phán lại... tổ chức hòa giải. Dù bị đơn luôn vắng mặt nhưng thẩm phán vẫn “kiên trì” hòa giải trong khi theo luật, tòa hoàn toàn có quyền xử vắng mặt bị đơn nếu sau hai lần triệu tập hợp lệ mà bị đơn không đến.

Chịu hết siết, bà H. đã yêu cầu chánh án TAND quận 12 thay đổi thẩm phán vì cho rằng vị này không khách quan, cố tình kéo rê án có lợi cho phía bị đơn. Tháng 5-2009, chánh án TAND quận 12 đã ra quyết định không cho thẩm phán trên tiếp tục giải quyết vụ kiện. Đến nay, vụ kiện của bà H. cũng chưa được vị thẩm phán mới giải quyết xong.

Bắt dân chờ đến bao giờ?

Trường hợp của ông C. còn khổ sở hơn nhiều. Cuối năm 2002, ông khởi kiện người hàng xóm bít lối đi vào đất của mình và được TAND quận 12 thụ lý. Một tháng sau, tòa triệu tập các bên đương sự đến làm việc. Rồi bẵng đi hai năm, đến cuối năm 2004, tòa mới gọi ông C. đến bảo cung cấp chứng cứ. Xong, tòa lại nói ông về, chờ cơ quan chức năng đo vẽ, định giá đất.

Vẫn trình độ non và nhát tay ảnh 1

Ông C. bần thần trước lối đi vào miếng đất của mình tại phường Thạnh Lộc (quận 12) bị người hàng xóm làm cổng sắt khóa chặt. (Ảnh chụp ngày 30-12-2009, T.TÙNG)

Cuối năm 2007, tòa tổ chức hòa giải nhưng không thành. Thẩm phán dặn ông C.: “Về chờ tòa lên lịch xử”. Ông C. chờ mãi, đến tháng 8-2008 tòa cũng đưa vụ kiện ra xử nhưng lại hoãn vì quên đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào vụ án... Từ đó đến nay, tòa… “án binh bất động” dù ông C. không ngừng yêu cầu được xét xử. “Tôi không biết còn phải chờ đến bao giờ nữa, lối vào nhà bị bít, không thể cứ trèo tường mãi” - ông chua xót.

Chưa tròn trách nhiệm

Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm vụ án đang quá hạn từ năm này sang năm khác tại TP.HCM. Nếu đối chiếu với Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành (tòa phải giải quyết trong bốn tháng, vụ phức tạp là sáu tháng) thì có thể thấy đã có sự vi phạm rất lớn về thời gian.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến án quá hạn đã được chính ngành tòa án TP.HCM nhìn nhận trong buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND TP cuối tháng 11-2009 vừa qua: Một số thẩm phán trình độ còn non nên chưa thực sự tích cực nghiên cứu, chủ động giải quyết án, ngại đụng chạm đến những vụ án khó, phức tạp. Một số khác thì lại quá cầu toàn hoặc “nhát tay” trong quá trình giải quyết vì sợ án của mình bị cấp phúc thẩm hủy, sửa, ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm thẩm phán sau này.

Điều đáng nói là bốn năm trước, nguyên nhân này cũng đã được ngành tòa án TP “chỉ mặt đặt tên”. Như vậy cho đến nay, chuyện thẩm phán ngại án khó, án phức tạp thực tế vẫn còn đang tồn tại.

Luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc) nhận xét sự thiếu trách nhiệm, ngại án khó, sự chủ quan, tắc trách của người giải quyết án đã khiến các đương sự phải chịu thiệt thòi. Đó là chưa kể nhận thức về pháp luật và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giữa các thẩm phán vẫn còn chưa đồng đều, nhất là trong lĩnh vực dân sự, dẫn đến chuyện có các quan điểm vận dụng khác nhau giữa tòa cấp trên và tòa cấp dưới.

“Cũng không loại trừ trường hợp thẩm phán đã cố tình làm khó, kéo rê việc giải quyết án để vòi vĩnh đương sự” - luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) thẳng thắn đặt vấn đề. Theo luật sư Triết, đúng là có rất nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan làm án bị quá hạn nhưng trách nhiệm của thẩm phán với vụ án vẫn là lý do quan trọng nhất.

Khắc phục từng bước

Nhìn nhận về án quá hạn, lãnh đạo TAND TP cho biết ngoài nguyên nhân thẩm phán chưa làm hết trách nhiệm, còn có nhiều nguyên nhân khách quan khác có tính hệ thống: Lượng án tòa thụ lý ngày càng tăng (năm 2009 TAND TP thụ lý đến hơn 45.000 vụ) mà nhân sự vẫn thiếu; các cơ quan liên quan (giám định, định giá, ủy thác tư pháp) chậm phối hợp với tòa; các bên đương sự cố tình không hợp tác...

Theo TAND TP, để khắc phục những nguyên nhân mang tính hệ thống này không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải cố gắng từng bước.

Thưởng nóng

Ở Bình Dương, ngoài việc động viên tinh thần anh em, tôi đã áp dụng hình thức thực tế là thưởng tiền nóng. Thẩm phán nào giải quyết số lượng án bao nhiêu thì có mốc tiền thưởng tương ứng bấy nhiêu. “Chữa bệnh” bằng cách này vừa kích thích thẩm phán vừa tạo được không khí thi đua vui vẻ. Tất nhiên, các biện pháp chế tài với những thẩm phán cố tình trễ nải vẫn được tôi siết chặt.

Thẩm phán Nguyễn Thanh Tùng,
Chánh án TAND tỉnh Bình Dương

Ấn định thời hạn

Thời hạn xét xử hẹp, việc tống đạt giấy tờ, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong luật dân sự đang có quá nhiều rối rắm và chồng chéo dẫn đến thực tế có khi thẩm phán không nhớ nổi thì làm sao xử tốt? Vì vậy, chúng ta nên bỏ hết các quy định nhỏ nhặt, đồng thời nới rộng thời hạn phải giải quyết án, chẳng hạn án bình thường tăng lên sáu tháng, án phức tạp có thể cho một năm.

Tuy nhiên, khi đó cũng phải quy định bất kể lý do gì thì thẩm phán cũng phải xử xong trong thời hạn được giao. Thẩm phán phải chủ động tính toán cũng như yêu cầu các đương sự hợp tác để giải quyết án trong khoảng thời gian này.

Bên cạnh đó, có trục trặc gì thì thẩm phán phải báo ngay để tòa tìm cách gỡ chứ không thể “im im” rồi “ngâm” án nhiều tháng trời.

Tiến sĩChu Hải Thanh, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp

Chế tài

Người ta hay nói về giáo dục tư tưởng cho thẩm phán nhưng đó chỉ là lý thuyết bởi thực tế các biện pháp vận động, kêu gọi làm việc có trách nhiệm đều chưa phát huy tốt tác dụng.

Vậy “trị bệnh” bằng cách nào? Theo tôi phải có những chế tài thật nặng nếu thẩm phán để án quá hạn, không chỉ là chuyện bình xét thi đua. Thậm chí nếu thẩm phán tòa nào để án quá hạn thì chánh án tòa đó cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Kèm theo đó cũng phải có biện pháp “kích cầu” như tăng lương, tăng người (nếu tòa nào có số lượng án cao) để họ không bị quá tải.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Quang,
giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM:

Chủ động báo cáo

Khi được phân án, thẩm phán phải cố gắng giải quyết dứt điểm. Trường hợp án khó, phức tạp hoặc chậm trễ vì những lý do khách quan như phải chờ sự phối hợp của các cơ quan khác... thì thẩm phán phải chủ động báo cáo lãnh đạo để tìm ra hướng gỡ vướng.

Luật sư Cao Minh Triết Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang  

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm