Vì sao VKS Tối cao đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho Dương Tự Trọng và các đồng phạm?

Bấm F5 để liên tục cập nhật

14 giờ chiều 22-5, phiên xử phúc thẩm vụ án Dương Tự Trọng tổ chức đức anh trai Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài tiếp tục. 

Dẫn giải bị cáo Dương Tự Trọng vào phiên tòa trong buổi xét xử chiều 22-5. 

14g30

Đại diện VKSND tối cao đã công bố kết luận và đề nghị chấp nhận kháng cáo của 5 bị cáo: Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng và Nguyễn Trọng Ánh giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo này. Bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Phạm Minh Tuấn.

Đại diện VKS nhận định: Hành vi tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài là đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo phạm tội có tổ chức, phân công, thủ đoạn tinh vi, sử dụng sim rác liên lạc với nhau, mỗi bị cáo được giao mỗi việc nhưng cấu kết chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của cán bộ cao cấp công an là Dương Tự Trọng nên nên tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quá đặc biệt nghiêm trọng. 

Dương Tự Trọng đã biết hành vi Dương Chí Dũng phạm tội vì vụ án Vinalines có kết luận thanh tra từ đầu năm về những sai phạm nhưng vẫn tổ chức cho Dũng trốn ra nước ngoài gây khó khăn cho cơ quan điều tra, gây hoài nghi trong nhân dân. Là cán bộ công an cấp cao nhưng cấu kết với một số đối tượng có tiền án, tiền sự làm, sử dụng nghiệp vụ nên hành vi phạm tội rất nghiêm trọng.

Đánh giá vai trò các bị cáo, VKS thấy Dương Tự Trọng giữ vai trò cầm đầu chủ mưu, là cán bộ cao cấp nhiều năm trong ngành công an, biết Dương Chí Dũng phạm tội nhưng không giữ vững lập trường, tổ chức cho Dũng trốn ra nước ngoài, chuẩn bị phương tiện, chỉ đạo một số người giúp sức. 

Mặc dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bản thân có nhiều thành tích trong công tác, do thái độ tại phiên tòa sơ thẩm ngoan cố nên HĐXX đã áp dụng mức hình phạt cao. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã nhận thức lại, có đơn nhận tội, khai báo thành khẩn và xin giảm nhẹ hình phạt. Xét thái độ thành khẩn bị cáo nên chấp nhận kháng cáo, xem xét áp dụng giảm nhẹ một phần hình phạt.

Đối với bị cáo Vũ Tiến Sơn: Các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Sơn đã được cấp sơ thẩm xem xét. Nhận thấy bị cáo trước khi phạm tội có thành tích tốt, được tặng thưởng nhiều huân huy chương. Động cơ phạm tội xuất phát từ tình cảm nể nang, không vì lợi ích vật chất, xét cũng nên chấp nhận kháng cáo giảm một phần hình phạt.

Đối với bị cáo Trần Văn Dũng và Đồng Xuân Phong có nhân thân xấu. Dũng có hai tiền án, Phong đang bị truy nã. Hai bị cáo có nhân thân xấu, tiếp tục phạm tội, vai trò phạm tội như nhau – nhưng án sơ thẩm tuyên phạt Dũng 8 năm tù – Phong 7 năm tù. Xét thấy, án sơ thẩm quyết định mức hình phạt tù hơi nặng nhất là với Trần Văn Dũng, xét nên giảm một phần hình phạt và áp dụng mức án ngang với Đồng Xuân Phong là phù hợp.

Đối với bị cáo Nguyễn Trọng Ánh tham gia xuyên suốt quá trình phạm tội , vai trò tích cực nhưng VKSTC đánh giá mức án sơ thẩm có nặng, xét nên giảm nhẹ một phần hình phạt.

Đối với bị cáo Phạm Minh Tuấn: Chỉ tham gia giai đoạn đầu, giữ vai trò thấp nhất trong vụ án, chỉ có một hành vi duy nhất đưa bị cáo từ Hà Nội đi Quảng Ninh. Mức án 5 năm cũng khá cao. Lẽ ra có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt nhưng bị cáo có đơn kêu oan nên VKS tập trung chứng minh hành vi bị cáo có oan hay không trong vụ án, có biết việc phạm tội của Dương Chí Dũng không, không đề cập đến việc giảm nhẹ hình phạt. 

Phạm Minh Tuấn kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, vụ án Vinalines cả nước đều biết nên không thể không biết, khi cùng đi với Hoàng Văn Thắng đưa Dũng từ HN về Quảng Ninh trong đêm khuya thì có nhận thức được việc bất thường của một viên chức cấp cao. Thắng cùng đi cũng biết rõ đưa Dũng đi trốn nên không thể nói Tuấn không biết.

Mức án sơ thẩm của các bị cáo 

Trước đó, TAND cấp sơ thẩm đã xử phạt 7 bị cáo về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo điều 275 BLHS và tuyên phạt:

1. Dương Tự Trọng (SN 1961, nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) 18 năm tù

2. Vũ Tiến Sơn (SN 1966, nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP Hải Phòng) 13 năm tù

3. Hoàng Văn Thắng (SN 1970, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường - Công an TP Hải Phòng) 5 năm tù

4. Đồng Xuân Phong (SN 1974, nguyên cán bộ Hải quan TP Hải Phòng sai phạm bỏ trốn, bị truy nã) 7 năm tù

5. Trần Văn Dũng (Dũng Bắc Kạn, SN 1968, từng bị kết án về tội buôn lậu và tàng trữ trái phép chất ma túy) 8 năm tù

6. Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP Hải Phòng) 6 năm tù
7. Phạm Minh Tuấn (SN 1961, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng - Hải Phòng, bạn thân của Dương Tự Trọng) 5 năm tù.

Bị cáo Dương Tự Trọng được dẫn giải vào tòa.

Sáng nay (22-5), TAND tối cao đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an Hải Phòng) và các đồng phạm tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài. Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm diễn ra trong 1 ngày. 

11g 50: Tòa tạm nghỉ, 14 giờ chiều sẽ tiếp tục phiên xử.

11g20: Các luật sư tham gia hỏi các bị cáo và nhân chứng.

. LS Nguyễn Đình Hưng: Anh biết tin bị khởi tố lúc nào? 

+ Dương Chí Dũng: Chiều tối hôm 17, anh N. báo. Anh N. chỉ nói là Thủ tướng chấp thuận việc bắt giữ không nói tội gì. 

. Các LS bào chữa cho các bị cáo hỏi Dương Chí Dũng: Việc đóng dấu nhập cảnh bên Campuchia diễn ra thế nào? 

+ Dương Chí Dũng: Khi đến Mộc Bài tôi lên xe ôm sang Campuchia. Khi vào khách sạn, tôi gặp lại Dũng (Dũng Bắc Kan) nói với Dũng muốn vào Phnom Penh. Dũng lấy passport đưa cho casino để đóng dấu, hôm sau đón xe vào Phnom Penh.

.Luật sư: Trên đường đi có trò chuyện trên xe với Phạm Minh Tuấn không

+ Dương Chí Dũng: Không.

.Luật sư hỏi Dương Tự Trọng: Anh khai rằng Trần Văn Dũng (Dũng Bắc Kạn) đi theo cho vui. Nếu không có Dũng Bắc Kạn thì Dương Chí Dũng có qua được Campuchia không? 

+ Dương Tự Trọng: Ai qua biên giới Campuchia cũng được mà, nếu không có Dũng Bắc Kạn vẫn qua được Campuchia.

10g30: Tòa xét hỏi nhân chứng Dương Chí Dũng

Dương Chí Dũng khẳng định: Quyết định trốn đi là một sai lầm để lại hậu quả thấm thía. Quyết định trốn là do tôi. Trọng và mọi người chỉ giúp xe cộ đưa đi. 

 Dương Chí Dũng: Đi trốn là một quyết định sai lầm.

Tôi đề nghị để tôi đi một mình vào miền Nam và sang Campuchia nhưng Trọng không cho, Trọng sợ tôi bị tai nạn giao thông dọc đường. Hơn nữa tôi không quen biết ở Campuchia, sẽ khó đóng dấu xuất cảnh để sang Mỹ nếu có người giúp thì dễ dàng hơn nên tôi đồng ý để Trọng và mọi người giúp đưa đi.

Dương Chí Dũng khai tiếp: Trên đường đi từ Quảng Ninh vào TP.HCM tôi không nói chuyện với Thắng và Ánh vì ngay với Trọng tôi cũng không nói nhiều.

. Tòa hỏi: Các bị cáo khác đưa đi trốn có được lợi ích gì không? 

+ Dương Chí Dũng: Không có lợi ích gì mà bây giờ thì hậu quả. Tôi không nhớ.

. Tòa: Nếu không phải Dương Tự Trọng nhờ các bị cáo giúp thì họ có nhiệt tình giúp anh không? 

+ Dũng trả lời: Một số anh em tôi có quen biết, sống rất tình cảm, tôi coi như các em. Tôi nghĩ không có Trọng nếu tôi trực tiếp nhờ có thể một số người vẫn giúp, một số thôi vì có người thì tôi mới gặp lần đầu.

. Tòa hỏi nhân chứng Hằng - vợ Dương Tự Trọng: Có biết việc Trọng tổ chức đưa Dương Chí Dũng đi trốn không? 

+ Hằng: Tôi không biết.

Tòa hỏi bà Phạm Thị Mai Phương, vợ Dương Chí Dũng: Có biết việc Dũng bỏ trốn không?

Bà Phương: Không, anh Dũng chỉ nói là đi công tác.

Dương Tự Trọng khai thêm: Với Tuấn, anh em hình sự nhờ đi chung không nói gì và Tuấn làm cũng không hỏi lại. Vì hình sự nhiều khi cần đóng giả này khác nên anh em cũng không hỏi. Ngay cả với Sơn, với Thắng cùng công tác chung hình sự nhưng khi nhờ việc này cũng không nói hết từ đầu, sau này mới cho biết. Anh em nhờ giúp và họ làm tự nguyện. Tôi không dùng chức vụ, quyền hạn bắt buộc làm.

10g: 

Sau khi bị cáo Dương Tự Trọng đã lấy lại bình tĩnh, tòa đã xét hỏi bị cáo này.

Bị cáo Dương Tự Trọng khai: Chúng tôi không tổ chức tinh vi, khi biết chuyện anh Dũng, trong hoàn cảnh gia đình như thế tôi đã gọi điện cho anh Sơn và những người mình yêu thương như anh em, tôi sốc, tôi khóc suốt vì tôi thương anh Dũng mà. 

 Bị cáo Dương Tự Trọng tại tòa

Chuyện sử dụng số liên lạc khác là chuyện bình thường khi đi làm án, lúc đó tôi đang tham gia chuyên án vụ nổ Thái nguyên. Một số anh em đi chung không biết rõ mọi chuyện, anh Sơn đi chung với anh Tuấn dừng xe ở Phố Nối thì cũng không biết việc đi đón anh Dũng. Anh Sơn sau này mới biết mọi chuyện, và cũng chỉ là người thực hành trung gian. Anh Sơn không phải là người có vai trò tổ chức, cầm đầu gì cả. Lúc đó chúng tôi muốn đưa anh Dũng đi lẩn trốn cơ quan điều tra, không có ý định đưa trốn đi nước ngoài. Trốn đi nước ngoài là ý anh Dũng, chúng tôi thương anh Dũng nên không dám ngăn cản. 

Tôi cho Ánh - Thắng đi chung với anh Dũng vì lo lắng anh Dũng là doanh nghiệp trong tình hình này đi bên ngoài xã hội nếu lọt vào tay giang hồ sẽ khó. Anh Dũng thì không muốn ai đi cùng vì không muốn làm phiền. Tôi nhận hết hành vi phạm tội nhưng muốn nói rõ là tất cả các bị cáo khác đều chỉ là người thừa hành, có những lúc không biết rõ việc vì nguyên tắc xưa nay nhờ nhau thì giúp mà không hỏi. 

Tòa xử tội gì tôi cũng xin chấp nhận.

Bị cáo Dương Tự Trọng cho biết thêm: Tôi biết quan hệ giữa anh Dũng và anh Ngọ (Phạm Quý Ngọ). 

Tòa hỏi: Trốn đi nước ngoài là ý ai? 

Dương Tự Trọng: Ý anh Dũng. 

Tòa hỏi tiếp: Các bị cáo khác khai, tại nhà cha mẹ Sơn có bàn bạc nhau đưa Dũng đi Campuchia rồi báo lại Trọng? 

Dương Tự Trọng giãi bày: Bàn bạc là bàn việc sử dụng tên giả liên lạc để tránh cơ quan điều tra theo dõi. Còn việc đi Campuchia là do muốn đi nước ngoài thì phải có đóng dấu xuất cảnh, nên phải qua Campuchia nhờ bên sòng bạc giúp đóng dấu thì mới ra nước ngoài được. Làm hình sự thì chấp hành không bao giờ hỏi lại, nên khi tôi trao đổi với các bị cáo Sơn, Thắng, Ánh giúp thì các anh em không hỏi chuyện anh Dũng.

 Dương Tự Trọng: "Các bị cáo bị xét xử mức án thế nào cũng được nhưng với người thân thì rất nặng nề"

Dương Tự Trọng cho rằng Tòa xử tội danh đúng nhưng khung hình phạt không đúng, mức án cao với căn cứ cho rằng hành vi nghiêm trọng gây ra dư luận xấu, nhưng không có thống kê nào kết luận dư luận xấu. Bị cáo cũng lưu ý lúc Dương Chí Dũng đi trốn thì chỉ mới bị khởi tố tội cố ý làm trái, chưa khởi tố tội tham nhũng. 

Bị cáo cảm khái: "Các bị cáo bị xét xử mức án thế nào cũng được nhưng với người thân thì rất nặng nề, họ là những người vô tội nhưng gánh chịu áp lực lớn. Thật sự, chưa bao giờ bị cáo sống như thế này, mỗi ngày tập thể thao, lúc trước vất vả quá".

9g30

Khi chủ tọa xét hỏi đến bị cáo Dương Tự Trọng, Trọng xin phép một phút cúi đầu mặc niệm và cho biết vừa biết tin cha của bị cáo Vũ Tiến Sơn mất, bị cáo xúc động rơi nước mắt. Do bị cáo quá xúc động nên tòa cho phép bị cáo trở về chỗ ngồi, khi bình tĩnh sẽ tiến hành xét hỏi.

Bị cáo Dương Tự Trọng bật khóc tại tòa. Ảnh: Xã hội 

Bị cáo Phạm Minh Tuấn: Bị cáo kêu oan vì cho rằng mình thường đến chơi với gia đình Dương Tự Trọng, coi anh Trọng, anh Dũng như anh em. 

"Tôi chơi "bát ngát với anh em" không quan tâm đến chuyện cá nhân, ngay cả chuyện anh Dương Chí Dũng lên chức cũng không biết. Tôi không biết việc anh Dũng phạm tội mà sau này xem trên ANTV mới biết. Tôi là người dân, tôi không hiểu biết pháp luật, tôi không biết rằng hành vi mình là tham gia tổ chức người đi trốn"- bị cáo Tuấn nói.

9g15: 

HĐXX xét hỏi bị cáo Nguyễn Trọng Ánh: Ánh cho biết trước đây chưa từng nghe tên Dương Chí Dũng. Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn là cấp trên, đã nhờ Ánh đi mượn xe ô tô của Đặng Thái Hòa. Sau đó bị cáo biết chiếc xe đó đã đưa Dương Chí Dũng từ Quảng Ninh đi vào TP.HCM. 

Trình bày lý do xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Ánh cho rằng mình không cố ý vi phạm. "Bản thân bị cáo sức khỏe không được tốt, bị u vòm họng, trong thời gian 16 tháng trại giam, giảm gần 20 cân. Việc này xảy ra không mong muốn với gia đình bị cáo, bố mẹ bị cáo vì thế mà bị đổ bệnh. Ngoài ra, bố mẹ và chú ruột của bị cáo là người có công với cách mạng, nhận được nhiều huân huy chương kháng chiến. Do đó bị cáo xin HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt để bị cáo sớm được trở về tiếp tục điều trị bệnh".

9h05: HĐXX xét hỏi bị cáo Đồng Xuân Phong

Phong cho biết, qua các mối quan hệ xã hội, Phong lần lượt quen biết Dương Tự Trọng và sau đó và Vũ Tiến Sơn. Sau khi quen biết thân thiết như anh em, Sơn có trao đổi qua điện thoại của anh Sơn, nói rằng đi cùng Trần Văn Dũng để nói chuyện.

HĐXX hỏi: Ai là người yêu cầu bị cáo vào TPHCM, mục đích để làm gì?

Bị cáo Phong: Anh Sơn ạ. Anh Sơn bảo bị cáo đi cùng Dũng vào TPHCM để chờ xe chở Dương Chí Dũng đến nơi và đón đưa đi Campuchia qua Mộc Bài.

"Tại TPHCM, Thắng có đưa cho bị cáo một cái túi màu đen. Bị cáo không biết trong đó có gì, sau khi gặp anh Dũng, bị cáo đưa luôn cái túi đen đó cho anh Dũng còn vẫn không biết trong đó có gì", bị cáo khai.

Tiếp tục khai nhận, bị cáo Phong cho biết, Phong đã qua cửa khẩu Mộc Bài bằng hộ chiếu giả. "Do trước đó bị cáo đã bị cấm xuất cảnh cho nên bị cáo phải dùng hộ chiếu giả".

8g35

Phiên tòa bước vào phần xét hỏi.

Bị cáo Vũ Tiến Sơn khai: 

Anh Trọng chiều 17-5 trên xe có anh Hưng, anh Quang, đi sinh nhật. Anh Trọng nói việc anh Dũng bị khởi tố, bắt, phải bỏ trốn. Tôi không biết ai đưa Dương Chí Dũng từ Hà Nội về Quảng Ninh. Sau này, tôi và Trọng đi công tác miền Nam có nghe Trọng kể Thắng và Ánh đưa anh Dũng đi miền Nam. Chuyến đi công tác này về chuyên án vụ nổ mìn ở Thái Nguyên theo sự phân công của Bộ Công an. Tại TP.HCM, tôi và Trọng ở chung phòng, tối 23-5-2012 có gặp Thắng, Ánh. Ánh, Thắng có trao đổi với tôi và Trọng việc đưa Dũng nhập cảnh vào Campuchia rồi.

Sau này Bị cáo đưa cho Đồng Xuân Phong 4.000 USD trả khoản tiền Phong đã giao cho Dương Chí Dũng ở Campuchia.

Bị cáo Sơn nói tiếp: "Tôi thừa nhận có hành vi phạm tội giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn nhưng đề nghị xem xét vai trò của tôi chỉ là người thực hành, anh Trọng nhờ nên tôi giúp, chứ không phải cầm đầu tổ chức việc chạy trốn, có nhiều việc tôi cũng không biết, không trao đổi với Ánh - Thắng yêu cầu đưa Dũng đi trốn mà chỉ nghe kể lại khi gặp nhau ở SG trong chuyến công tác".

Bị cáo Trần Văn Dũng (Dũng Bắc Kạn) khai chính Trọng gọi điện kể việc anh trai và nhờ giúp đưa Dũng trốn. 

Dũng cho biết có biết anh Vũ Tiến Sơn nhưng không có quan hệ. Đưa Dũng đi Campuchia trốn là anh Sơn nói, và nói là ý anh Trọng bảo. Khi sang cửa khẩu Mộc Bài, anh Dũng đưa hộ chiếu, bị cáo nhờ bạn bè làm casino đóng dấu nhập cảnh vào Phnôm Pênh. Anh Dũng nói muốn sang Mỹ với con gái, nhờ bị cáo mua vé, sau đó về VN.

Về VN, sau này anh Sơn gọi đến nhà và báo tin rằng anh Dũng không được nhập cảnh, nhờ quay sang Campuchia đưa tiền cho Dũng.

Bị cáo Hoàng Văn Thắng khai: Cùng là cán bộ công tác chung, với anh Trọng coi nhau như anh em. Lần đầu đưa Dương Chí Dũng đi campuchia Khi Anh Sơn thông báo việc anh Dũng không được nhập cảnh vào Mỹ quay về Campuchia và nhờ bị cáo sang Campuchia lo cho anh Dũng vì anh Dũng không quen biết ai. quan hệ tình cảm anh em, khi có việc thì nhờ nhau. Lần đầu, chỉ nghe nói có việc nên đi với nhau lúc đó không biết anh Dũng bị truy nã, không biết việc anh Dũng, đến lúc đưa Dũng sang Campuchia quay về thì mới biết hành vi vi phạm pháp luật của anh Dũng. Lần thứ hai sang campuchia thì có biết hành vi phạm tội của anh Dũng. Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, mong HĐXX giảm nhẹ.

8g30:

Chủ tọa phiên tòa – Thẩm phán Hà Thị Xuyến công bố bản án sơ thẩm.

Theo bản án sơ thẩm, biết được anh trai là Dương Chí Dũng bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc CATP Hải Phòng) đã yêu cầu thuộc cấp của mình là Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hải Phòng) và các đồng phạm khác giúp cho Dũng trốn đi nước ngoài.

Sau đó, các đồng phạm trong vụ án đã tổ chức đưa Dương Chí Dũng vào TP.HCM, ra cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia rồi tới Singapore. Không xin được visa vào Mỹ, từ Singapore, Dũng quay lại Campuchia và ở tại đây gần 4 tháng cho tới khi bị bắt (tháng 9/2012).

HĐXX phiên tòa sơ thẩm nhận định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Dù biết Dương Chí Dũng đang bị truy nã, nhưng vẫn nỗ lực hỗ trợ giúp đỡ. Vụ án có bàn bạc, tổ chức, thủ đoạn phạm tội tinh vi. Trong đó, Dương Tự Trọng giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu việc tổ chức đưa anh trai mình sang Campuchia. Bị cáo là cán bộ công an cao cấp, tổ chức sự việc này với nhiều thủ đoạn tinh vi đã gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Bản án sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm các bị cáo về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo Điều 275 Bộ luật Hình sự và tuyên phạt:

1. Dương Tự Trọng (SN 1961), nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an): 18 năm tù

2. Vũ Tiến Sơn (SN 1966), nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP Hải Phòng): 13 năm tù

3. Hoàng Văn Thắng (SN 1970, nguyên Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường - Công an TP Hải Phòng): 5 năm tù

4. Đồng Xuân Phong (SN 1974, nguyên cán bộ Hải quan TP Hải Phòng, đang bỏ trốn, bị truy nã): 7 năm tù

5. Trần Văn Dũng (tên thường gọi là Dũng Bắc Kạn, SN 1968), từng bị TAND tỉnh Bắc Thái kết án về tội buôn lậu và tàng trữ trái phép chất ma túy: 8 năm tù

6. Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985), nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP. Hải Phòng): 6 năm tù

7. Phạm Minh Tuấn (SN 1961), nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng (Hải Phòng) (bạn thân của Dương Tự Trọng): 5 năm tù.

Tại phiên tòa sơ thẩm, từ lời khai của Dương Chí Dũng, HĐXX đã khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước theo quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự. Dương Chí Dũng được triệu tập với tư cách là người làm chứng và khai ra người mật báo cho mình việc bị khởi tố, bắt tạm giam và khuyên bỏ trốn là Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ.

8g:

Ngoại trừ bị cáo Hoàng Văn Thắng không kháng cáo nhưng được triệu tập đến tòa để làm rõ một số tình tiết vụ án, 5 bị cáo còn lại có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ, bị cáo Phạm Minh Tuấn kêu oan.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng.

Một số nhân chứng vắng mặt dù Tòa đã thực hiện các biện pháp tống đạt, niêm yết giấy triệu tập đến phiên tòa: Phạm Hồng Sơn, Vũ Văn Bình, Nguyễn Hồng Sơn…

Chị Hoàng Kim Nhung (người tình Dương Tự Trọng) có đơn xin vắng mặt.

Bị cáo Dương Chí Dũng đang chấp hành án cũng được triệu tập đến tòa. 

Vợ ông này, bà Phạm Thị Mai Phương cũng đến tòa làm nhân chứng trong phiên xử phúc thẩm em chồng.

Ông Dương Chí Dũng. Ảnh: Xã hội

Bà Phạm Thị Mai Phương. Ảnh: Xã hội

Vợ bị cáo Dương Tự Trọng là bà Nguyễn Thị Thanh Hằng có mặt.

Các luật sư không có ý kiến về việc vắng mặt của một số nhân chứng trên.

Sau khi hội ý HĐXX về việc một số nhân chứng được triệu tập nhưng vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán Hà Thị Xuyến - chủ tọa phiên tòa công bố, do những nhân chứng này đã có lời khai trước đó, việc vắng mặt không ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên phiên tòa sẽ tiếp tục xét xử.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm