ĐIỂM MẶT LUẬT SƯ "DÍNH CHÀM"- BÀI 1:

Vì tiền, bất chấp đạo đức nghề nghiệp

Ngày 10-8, đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước cho biết Ban Chủ nhiệm Đoàn đã có quyết định khai trừ luật sư TQV ra khỏi Đoàn vì vi phạm các quy tắc đạo đức và ứng xử trong quá trình hành nghề luật sư.

Làm tiền thân chủ

Cụ thể, trong quá trình hành nghề, luật sư TQV đã mượn tiền của khách hàng sử dụng vào mục đích riêng nhưng khi bị đòi thì không chịu trả. Vụ khác, luật sư TQV biết có trường hợp một miếng đất đã bị cơ quan chức năng ngăn chặn, không cho giao dịch nhưng vẫn ký hợp đồng dịch vụ để khách hàng giao dịch, chịu thiệt thòi. Một vi phạm nữa có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản là luật sư TQV đem một căn nhà bán cho nhiều người. Ngoài ra, luật sư TQV còn nhiều lần hứa hẹn với khách hàng nhưng không thực hiện đúng cam kết và chiếm giữ luôn tiền của khách hàng.

Qua xác minh, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước nhận thấy việc tố cáo của người dân có cơ sở nên đã buộc luật sư TQV tạm ngưng hành nghề 12 tháng để khắc phục hậu quả và yêu cầu luật sư TQV viết bản kiểm điểm. Tuy nhiên, quá thời gian cho phép, luật sư này vẫn không trả lại tiền cho khách hàng, không viết bản kiểm điểm nêu rõ quá trình khắc phục nên Đoàn quyết định khai trừ.

Lấy tiền rồi… trốn

Tương tự, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang cũng vừa xem xét kỷ luật, khai trừ khỏi Đoàn đối với luật sư VVT vì có hành vi lừa tiền của thân chủ. Trước đó, một Việt kiều Pháp do có tranh chấp nên mới đến nhờ luật sư T. tư vấn. Tin tưởng, ông này đã thỏa thuận nhờ luật sư đứng ra làm người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình với chi phí do luật sư đưa ra là 15 triệu đồng. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, luật sư VVT nói nếu muốn thắng kiện phải chi tiền cho thẩm phán và thư ký giải quyết vụ án với giá 4.000 USD. Muốn thắng kiện, thân chủ bấm bụng móc hầu bao đưa đủ theo yêu cầu của luật sư. Vậy mà cầm tiền rồi, luật sư VVT lẳng lặng… bỏ trốn.

Vì tiền, bất chấp đạo đức nghề nghiệp ảnh 1

Ở một mức độ vi phạm nhẹ hơn, bốn năm trước, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM từng quyết định cảnh cáo trước toàn Đoàn hai luật sư LBA và LAT.

Luật sư LBA bị kỷ luật vì đã nhận bảo vệ cho hai thân chủ trong một vụ án với giá 20 triệu đồng. Vụ án sau đó không khởi kiện được nhưng luật sư LBA vẫn không trả lại tiền cho thân chủ. Theo Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, luật sư LBA đã không nghiên cứu kỹ tính pháp lý của vụ việc, không tận tâm với khách hàng, để họ phải nhiều lần tìm kiếm, khiếu nại... Còn luật sư LAT bị kỷ luật vì trong quá trình giải quyết ly hôn cho một thân chủ, luật sư LAT bị khởi kiện và có nghĩa vụ phải trả lại 8,5 triệu đồng. Sau gần hai năm, luật sư T. vẫn không thi hành án với lý do hoàn cảnh khó khăn...

Đòi… “cưa đôi” tài sản

Cách đây không lâu, hội đồng kỷ luật của Đoàn Luật sư TP Cần Thơ đã quyết định khai trừ luật sư NKV ra khỏi Đoàn trong thời hạn hai năm vì đã vi phạm đạo đức, quy phạm quy định pháp luật trong quá trình hành nghề.

Theo đơn tố cáo của bà T., sau khi giúp bà thắng kiện trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đối với thửa đất có giá trị khoảng 7 tỉ đồng, luật sư NKV đã quay lại yêu cầu bà phải “cưa đôi” cho mình 3,5 tỉ đồng. Lý lẽ mà luật sư này đưa ra là bà T. thắng kiện được nhờ mình đã có công trong việc “móc nối” với tòa nên bà T. phải có nghĩa vụ chia 50% giá trị lô đất cho luật sư.

Hơn ai hết, tính chất nghề nghiệp đòi hỏi luật sư phải sống và làm việc theo đúng pháp luật. Thế nhưng thực tế không hẳn vậy. Tháng 3-2009, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận đã phải ra quyết định đình chỉ hoạt động của Văn phòng luật sư PQ bởi trong quá trình hoạt động, văn phòng luật sư này có nhiều vi phạm. Cụ thể, Văn phòng luật sư PQ để ông NVT làm trưởng chi nhánh số 2 dù ông này đã bị Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận xóa tên khỏi danh sách từ lâu. Mặt khác, từ năm 2004 đến 2006, Văn phòng luật sư PQ đã không thực hiện việc đăng ký mở sổ sách kế toán, sử dụng hóa đơn chứng từ, không nộp báo cáo quyết toán thuế, báo cáo tài chính...

Năm năm, 43 luật sư bị kỷ luật

Tại một hội thảo tháng 1-2011, đại diện Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết tính từ năm 2006 đến nay đã có tổng cộng 43 trường hợp luật sư bị kỷ luật vì vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư hoặc vi phạm điều lệ đoàn luật sư. Trong đó, 26 trường hợp bị xóa tên khỏi danh sách luật sư, tám trường hợp bị tạm đình chỉ hành nghề có thời hạn, chín trường hợp nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách.

Con số này chưa phản ánh hết chuyện luật sư vi phạm, bởi có một thực tế như Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Thảo nhận xét là hầu hết các đoàn luật sư không xử lý kỷ luật luật sư. Khi tiến hành xây dựng Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, qua khảo sát từ nhiều kênh, Liên đoàn Luật sư nhận thấy có nhiều luật sư vi phạm các quy tắc đạo đức và chuẩn mực hành nghề luật sư. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật lại chỉ tập trung chủ yếu ở hai đoàn Hà Nội và TP.HCM.

Một số vụ luật sư bị thân chủ kiện

- Đầu năm 2011, TAND quận Ba Đình (TP Hà Nội) đã tuyên buộc luật sư MTC có nghĩa vụ thanh toán lại cho ông B. 150 triệu đồng. Theo tòa, luật sư MTC không ký hợp đồng bằng văn bản, không thực hiện công việc như đã thỏa thuận nên đã vi phạm Điều 5, Điều 26 Luật Luật sư.

Giữa năm 2008, ông B. nhờ luật sư MTC thực hiện các công việc về xóa nợ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình. Hai bên thỏa thuận miệng thù lao luật sư là 150 triệu đồng và thực hiện trong một tháng. Ngay sau đó, ông B. đã giao đủ tiền cho luật sư MTC. Quá thời hạn thỏa thuận, luật sư MTC vẫn chưa tiến hành công việc, cũng không chịu trả lại tiền nên bị ông B. khởi kiện.

- Năm 2009, TAND TP Thanh Hóa đã tuyên buộc luật sư LTH (Trưởng Văn phòng luật sư VH) phải trả cho bà H. 14,5 triệu đồng. Theo đơn kiện của bà H., tháng 4-2005, bà và luật sư LTH ký hợp đồng để luật sư LTH bảo vệ bà trong một vụ tranh chấp đất. Sau đó, luật sư LTH đã ứng trước của bà 19,5 triệu đồng. Sau một thời gian dài, luật sư LTH không thực hiện đúng theo hợp đồng nên bà yêu cầu hủy hợp đồng và đòi luật sư trả lại tiền nhưng luật sư không chịu...

- Năm 2008, TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) đã tuyên buộc Văn phòng luật sư PQ phải trả lại tiền thù lao dịch vụ pháp lý đã nhận cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu H. (Bình Dương). Theo hồ sơ, Văn phòng luật sư PQ nhận đại diện cho doanh nghiệp H. thực hiện các thủ tục mua một số lô đất tại tỉnh Đắk Lắk. Sau khi nhận tiền, Văn phòng luật sư PQ không thực hiện công việc theo hợp đồng nên doanh nghiệp H. không tiếp tục ủy quyền nữa và yêu cầu phải trả lại tiền thù lao. Không thỏa thuận được, doanh nghiệp H. đã khởi kiện.

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm