VKS tham gia tố tụng dân sự đến đâu?

Giờ đây, cuộc tranh luận này lại được xới lên trong tất cả phiên góp ý cho dự luật tố tụng dân sự sửa đổi.

Theo Viện trưởng VKSND TP Hà Nội Đặng Văn Khanh, Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực từ ngày 1-1-2005 đến nay đã bộc lộ rất nhiều bất cập, mà một trong số đó là quy định về vai trò của VKS.

Luật hiện hành bất cập

Theo Điều 21 luật hiện hành, VKS chỉ tham gia các phiên tòa đối với những vụ án do tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại.

Ông Khanh cho rằng trên thực tế, rất nhiều trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập chứng cứ cho tòa. Nhiều trường hợp đương sự không thật sự am hiểu pháp luật để tự mình đưa ra lý lẽ, lập luận bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình (mà không phải lúc nào cũng có thể thuê luật sư). Mặt khác, không phải trường hợp nào đương sự cũng có thể phát hiện được sự thiếu khách quan của thẩm phán trong quá trình thu thập chứng cứ để khiếu nại…

Theo ông Khanh, những điều trên đã và đang dẫn đến tình trạng quyền lợi hợp pháp của các đương sự không được bảo vệ ngay từ cấp sơ thẩm và cũng là hệ quả của việc kháng cáo các vụ án dân sự ngày một nhiều.

VKS tham gia tố tụng dân sự đến đâu? ảnh 1

Việc VKS tham gia phiên tòa dân sự vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh minh họa: HTD

“Tôi hoàn toàn tán thành với quy định sửa đổi: VKS tham gia vào tất cả phiên tòa, phiên họp về giải quyết các vụ án dân sự, vụ việc dân sự” - ông Khanh kết luận.

Chia sẻ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho rằng VKS thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa án, dĩ nhiên có cả người tham gia tố tụng. “Người phiên dịch dịch có đúng hay không, người giám định có kết luận giám định đúng hay không, VKS cũng phải kiểm sát” - ông Luật nói.

Thay đổi: Bước lùi của tố tụng?

“Đại biểu Luật nói VKS phải ngồi tại phiên xử xem phiên dịch dịch có đúng không, xin lỗi, không biết VKS nào, kiểm sát viên nào có đủ trình độ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung để kiểm sát xem dịch có đúng hay không, tôi nghĩ xa vời quá! Hoặc là giám định có đúng hay không, giám định là một lĩnh vực chuyên môn, có kết luận giám định bằng văn bản, tại sao VKS lại biết được” - Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ phản pháo.

Theo ông Độ, nguyên tắc cao nhất trong tố tụng dân sự là nguyên tắc tự định đoạt của đương sự, thứ đến là nguyên tắc bình đẳng giữa các bên, đặc biệt là bình đẳng trong tranh tụng. “VKS ngồi tại phiên tòa thì nhất định đề nghị chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn hay ngược lại. Như vậy, vô hình trung một bên đương sự đã có đồng minh, mà đồng minh đó là cơ quan nhà nước, lại song hành cùng với cơ quan tòa án thì còn đâu là bình đẳng” - ông Độ phân tích.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đình Nhã và Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM Nguyễn Đăng Trừng cũng cùng chung quan điểm là “VKS tham gia phiên tòa dân sự có chừng mực”.

Theo hai ông, xu thế chung hiện nay và cũng thể hiện trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp là VKS chỉ duy trì quyền công tố trước phiên tòa hình sự. “Trong Nghị quyết 49 còn nói rõ nghiên cứu để dần dần cải tiến VKS thành viện công tố, tức là chỉ hoạt động ở lĩnh vực hình sự” - ông Nhã nhấn mạnh.

Còn khoảng cách giữa nguyên lý và thực tiễn

Theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, sau rất nhiều trao đổi, bàn thảo, thảo luận mới quyết định “gút” việc quy định vai trò của VKS như dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi. Riêng phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa thì thiết kế theo hướng chỉ phát biểu trong phiên phúc thẩm, còn sơ thẩm thì chỉ phát biểu về việc thực hiện các hoạt động tố tụng có đúng pháp luật hay không (vì chưa có bản án cho nên chưa phát biểu quan điểm). Sau khi có bản án sơ thẩm rồi, lúc đó VKS có thẩm quyền xem xét phán quyết đó có đúng theo pháp luật về nội dung hay không…

“Trong thực tiễn xét xử, VKS phát biểu tại phiên tòa, nếu bảo rằng đây là tác động mang tính quyết định ảnh hưởng đến việc xét xử, quyết định của hội đồng xét xử là không khách quan, thực tiễn không có việc đó” - ông Bình khẳng định. Người đứng đầu ngành tòa án cho rằng ngay chính tại phiên giám đốc thẩm, VKS thì cứ trình bày quan điểm, còn hội đồng là xét xử độc lập và tuân theo pháp luật, “như vậy mới là bản lĩnh của hội đồng xét xử”.

Vẫn theo ông Bình, không ai không công nhận nguyên tắc “tranh tụng và đảm bảo công bằng trong tranh tụng” nhưng “giữa lý luận và thực tiễn cũng còn khoảng cách đặt ra”. Ông Bình kết luận: “Đất nước ta còn nghèo, dân trí còn thấp, đội ngũ luật sư còn thiếu, các cơ chế hỗ trợ tư pháp, các định chế hỗ trợ tư pháp, bổ trợ tư pháp đều đang rất thiếu, các cơ quan giám định chưa đầy đủ... Đó là thực tiễn với nguyên lý còn xa lắm, rất xa, cho nên nếu không đặt vấn đề cho rõ chỗ này thì chúng ta cũng xa vời lý luận và không sát với thực tiễn”.

Không lo thiếu giám sát?

Không nên lo rằng do không có VKS mà tòa án không có sự giám sát, dẫn đến sai lầm. Chúng ta có sự giám sát trước hết của các đương sự, nếu đương sự không thỏa mãn bao giờ người ta cũng kháng cáo, khiếu nại. Thứ hai là của cơ quan đại diện dân cử, của HĐND, của Quốc hội, của Ủy ban Tư pháp. Thứ ba là sự giám sát của toàn xã hội

Điều cần lo hơn là phải làm thế nào để nâng cao đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, đặc biệt có những thủ tục tố tụng thật khách quan và có được lòng tin để làm thế nào nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án.

Ông TRẦN VĂN ĐỘ, Phó Chánh án TAND Tối cao

VKS tham gia hết nổi không?

Mỗi năm chúng ta có hơn 200.000 vụ án dân sự, tôi không hiểu VKS có tham gia được tất cả không, có phát biểu được tất cả không? Nếu bây giờ chúng ta đặt vấn đề như dự thảo thì lại đặt ra vấn đề phải tổ chức lại VKS như thế nào, phải tăng cường biên chế… Như vậy có đúng xu hướng hay không?

Ông TRẦN ĐÌNH NHÃ,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Xem lại vai trò

Nếu VKS tham gia đánh giá chứng cứ, phát biểu quan điểm của mình trước tòa thì vô hình trung chúng ta đã biến quan hệ dân sự thành… quan hệ hình sự hết cả.

Ông HỒ TRỌNG NGŨ,
Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm