Vụ án vườn mít: Tòa để quá hạn... thì sao?

Nếu hết thời hạn đó mà chưa thực hiện xong những công việc theo quy định của pháp luật thì bị coi là quá hạn.

Thực tế không phải bao giờ người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng chấp hành đúng thời hạn của luật tố tụng. Việc vi phạm thời hạn tùy trường hợp mà hậu quả pháp lý cũng khác nhau. Ví dụ: Nếu hết thời hạn kháng nghị mà người kháng nghị vẫn kháng nghị thì coi như không có kháng nghị nhưng hết thời hạn xét xử thì vụ án đó vẫn phải đưa ra xét xử chứ không thể đình chỉ vụ án. Hậu quả pháp lý khác nhau không phải do luật tố tụng quy định hay hướng dẫn của cơ quan tiến hành tố tụng, mà mặc nhiên được chấp nhận như là một tiền lệ. Thế là vi phạm thời hạn cũng dần trở thành lệ, chẳng ai quan tâm đến nữa.

Vừa rồi, trong vụ án “vườn mít”, sau khi có kháng nghị của VKS thì gần một năm nhưng Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Có thẩm phán nói lý do là vụ án có nhiều phức tạp, chưa xử được. Chẳng lẽ cứ phức tạp là kéo dài vô thời hạn?

Có người hỏi: “Thời hạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao là 90 ngày, nay gần một năm chưa xử, vậy tòa án cấp phúc thẩm vi phạm thời hạn có việc gì không?” Thật sự, tôi cũng không biết trả lời thế nào! Từ trước đến nay việc vi phạm thời hạn điều tra, truy tố hay xét xử với vụ án hình sự cũng thường xảy ra nhưng cũng tùy vào từng trường hợp mà việc xử lý sao cho “đỡ” vi phạm nhưng không phải không có trường hợp “bí” phải làm ngơ. Giá như nhà làm luật quy định “hết thời hạn” thì phải đình chỉ vụ án như quy định với “thời hiệu” thì chắc chắn sẽ giải quyết tận gốc được tình trạng vi phạm thời hạn.

Còn nhớ vào những năm 1990 của thế kỷ trước, có bị cáo bị kết án tử hình nhưng mãi đến ngày thứ 12 mới có đơn xin Chủ tịch nước ân giảm án tử mà không nêu lý do viết đơn quá hạn (bị cáo chỉ có bảy ngày để viết đơn kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật). Sau khi nghiên cứu hồ sơ, chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm. Khi đó, có ý kiến cho rằng đơn xin ân giảm án tử hình của người bị kết án đã quá hạn không có lý do, đề nghị chánh án không trình Chủ tịch nước nữa. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, chánh án TAND Tối cao vẫn trình Chủ tịch nước xét đơn quá hạn của người bị kết án. Sau sự việc này, trong lần đến thăm TAND Tối cao, Chủ tịch nước nhắc nhở: “Người dân làm đơn quá hạn, tòa án bác. Còn tòa án để quá hạn xét xử thì sao?”... Câu nói của Chủ tịch nước thật thấm thía cho bất kỳ ai trong các cơ quan tố tụng về bảo đảm thời hạn khi giải quyết một vụ án.

Đặt ra thời hạn tố tụng xuất phát từ yêu cầu của việc phát hiện, điều tra, xét xử một vụ án không thể cứ kéo dài mãi được. Nhưng thực tế không ít trường hợp người dân cảm thấy việc quy định thời hạn là để cho người tham gia tố tụng chấp hành, chứ đối với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng mà vi phạm thì chẳng sao!!!

Giá như, (lại giá như!) có một chế tài, dù chỉ là chế tài hành chính, với người tiến hành tố tụng để quá thời hạn thì chắc chắn tình trạng quá thời hạn sẽ giảm nhiều.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm