Vụ ĐH Hùng Vương: Tòa bác yêu cầu của ông Lê Văn Lý

Ngày 22-1, TAND TP.HCM đã bác yêu cầu của ông Lê Văn Lý kiện quyết định hành chính về việc không công nhận ông Lý là hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương của UBND TP.HCM.

Đúng thẩm quyền, thủ tục, trình tự

Tòa nhận định việc UBND TP căn cứ vào điểm c khoản 5 Điều 6 Nghị định 115 ngày 24-12-2010 của Chính phủ để ban hành quyết định nói trên là đúng thẩm quyền. Bởi theo nghị định, UBND cấp tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, có thẩm quyền công nhận hoặc không công nhận hiệu trưởng trường ĐH tư thục. Đây là thẩm quyền thể hiện sự phân cấp về giáo dục dù trước đó thẩm quyền này thuộc Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, UBND TP đã căn cứ vào công văn trao đổi giữa ủy ban và Bộ GD&ĐT thể hiện Bộ cũng đồng tình thẩm quyền ra quyết định không công nhận ông Lý là hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương. Trước khi ban hành quyết định, UBND TP cũng căn cứ vào các tài hiệu hồ sơ mà HĐQT nhà trường gửi lên. UBND TP không áp dụng việc ra quyết định hành chính này như một hình thức kỷ luật nên ý kiến của phía ông Lý cho rằng UBND TP làm thay nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là không chính xác.

Về thủ tục, trình tự ban hành quyết định, tòa đánh giá UBND TP đã thực hiện đúng và đủ. Thứ nhất, ủy ban đã căn cứ vào các tờ trình của Hội đồng quản trị (HĐQT) nhà trường về việc không công nhận hiệu trưởng đối với ông Lý và đề xuất hiệu trưởng tạm quyền. Thứ hai, ủy ban đã căn cứ vào báo cáo khẩn của HĐQT về việc ông Lý thành lập hội đồng bảo trợ trái luật và phát tán tài liệu chính trị trái pháp luật. Từ những cơ cở này, ủy ban dựa vào các quy định pháp luật để làm căn cứ ban hành quyết định là đúng.

Đại diện UBND TP.HCM (bên trái) và thành viên HĐQT Trường ĐH Hùng Vương rời tòa sau khi nghe tuyên án. Ảnh: S.NGUYỄN

Đúng cả nội dung

Theo tòa, xuất phát từ việc nội bộ HĐQT nhà trường (10 thành viên) có mâu thuẫn trầm trọng, kéo dài, để ổn định tình hình và cũng thể hiện chức năng quản lý nhà nước, UBND TP đã chỉ đạo thanh tra toàn diện hoạt động của trường. Kết luận thanh tra sau đó đã thể hiện trường có nhiều sai phạm. Riêng đối với vai trò là hiệu trưởng, ông Lý đã có nhiều sai phạm trong công tác tuyển sinh, quản lý tài chính, cơ sở đào tạo, không chấp hành nghị quyết của HĐQT.

Sau đó, UBND TP đã thành lập ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề của trường. Tiếp đó, ủy ban giao cho chủ tịch HĐQT nhà trường tổ chức kiểm điểm các sai phạm của 10 thành viên. Nhưng ông Lý với tư cách hiệu trưởng lại tự tổ chức kiểm điểm trong trường là trái với chỉ đạo của ủy ban. Về phía HĐQT nhà trường thì đã triệu tập hội nghị HĐQT hợp pháp nhưng bốn thành viên nhóm ông Lý không tham dự cuộc họp. Cuối cùng, hội nghị đã thống nhất ban hành nghị quyết đề xuất ủy ban ra quyết định không công nhận hiệu trưởng đối với ông Lý.

Trong lúc chờ UBND TP tham khảo ý kiến về hướng xử lý thì HĐQT lại tiếp tục họp và đề xuất ý kiến như trên. Tiếp theo đó là báo cáo khẩn về việc thành lập hội đồng bảo trợ và phát tán tài liệu chính trị trái luật. Do đó, bằng việc có hai tờ trình đã thể hiện ý chí của tập thể số đông (6/10 thành viên) của HĐQT nhà trường về việc ông Lý không còn đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng nữa. Trên cơ sở ông Lý không được sự tín nhiệm của đa số thành viên HĐQT và đề nghị của tổ chức này, việc UBND TP ra quyết định hành chính trên là có căn cứ.

Việc ông Lý cho rằng ông Hoàng Sĩ Hóa (một trong sáu thành viên HĐQT đề xuất cho ông Lý thôi chức) tự cho là phó chủ tịch HĐQT tổ chức các cuộc họp trái luật là không có cơ sở. Bởi khi chủ tịch HĐQT bị UBND TP tạm đình chỉ chức vụ thì ông này đã có văn bản ủy quyền hợp pháp cho ông Hóa điều hành HĐQT và tham gia tại tòa. Mặt khác sau sự cố, HĐQT của nhà trường vẫn được công nhận và chủ tịch có quyền bầu phó chủ tịch. Thực tế thì số đông thành viên HĐQT cũng thừa nhận tư cách này của ông Hóa nên việc ông Hóa đại diện cho chủ tịch HĐQT là đúng luật, hợp pháp.

Trong đơn kiện, ông Lý cho rằng Điều 2 của quyết định do UBND TP ban hành có nội dung yêu cầu ông nộp lại con dấu và các tài liệu liên quan cho HĐQT là sai, can thiệp vào công việc nội bộ của trường. Tuy nhiên, tòa phân tích nội dung tại Điều 2 là phù hợp. Bởi ngay sau khi ủy ban ra quyết định, ông Lý không còn là hiệu trưởng nữa. Trong lúc đó, trường chưa có hiệu trưởng mới nên việc ủy ban căn cứ vào Quyết định 63/2011 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Quyết định 61/2009 về quy định liên quan đến hoạt động của trường ĐH tư thục) để yêu cầu như trên là có căn cứ. Vào lúc này, chỉ có HĐQT mới có quyền sở hữu con dấu nhằm bảo đảm trường hoạt động bình thường.Từ các phân tích trên, tòa kết luận yêu cầu hủy quyết định không công nhận hiệu trưởng do UBND TP ban hành của ông Lý là không có cơ sở.

SONG NGUYỄN - NGUYỄN HIỀN

Xác định đúng tư cách tố tụng

Luật sư của ông Lý cho rằng tòa xác định thiếu tư cách tham gia tố tụng của ông Lý vì ông Lý vừa là người khởi kiện vừa là người liên quan (thành viên HĐQT). Cạnh đó tòa xác định hiệu trưởng tạm quyền là người liên quan là sai vì người này không thể là đại diện theo pháp luật của Trường ĐH Hùng Vương. Tuy nhiên, tòa cho rằng ông Lý chỉ có một tư cách duy nhất là người khởi kiện. Hiệu trưởng tạm quyền là người do HĐQT bầu ra đang thay mặt điều hành mọi hoạt động của trường nên người này là đại diện theo pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm