Vụ năm công an đánh chết nghi can: Tòa có thể làm nhiều hơn thế…!

Không đơn thuần mà một vụ án ở địa bàn vốn ít sự kiện lại khiến dư luận xôn xao, bàn tán đến vậy. Ở đây tôi không bàn sâu vào vấn đề tội danh hay việc đánh giá chứng cứ của tòa mà chỉ nói thêm vài vấn đề về tố tụng mà Pháp Luật TP.HCMngày 5-4 đã nêu ra.

1. Tôi cho rằng ý kiến lãnh đạo TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên) cho rằng tòa chỉ có quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung tối đa hai lần là chưa chuẩn xác. Đúng là theo Điều 121 BL TTHS trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án (tức trước khi đưa vụ án ra xét xử), thẩm phán được phân công chủ tọa chỉ có quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tối đa là hai lần. Có điều này là những nhà làm luật đòi hỏi thẩm phán phải có trách nhiệm cân nhắc thật kỹ các vấn đề cần điều tra bổ sung. Nhưng khi vụ án đã được đưa ra xét xử thì Điều 199 BLTTHS cho phép HĐXX trong vụ án có quyền hoãn phiên tòa để ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung nếu thấy hồ sơ chưa ổn. Về câu chữ thì đây không được coi là quyền trả hồ sơ nhưng về bản chất thì nó cũng giống như trả hồ sơ vì nếu chỉ gửi quyết định không về thì cơ quan điều tra không thể bổ sung được gì. Vì vậy kèm với quyết định đó các tòa thường phải gửi toàn bộ hồ sơ vụ án lại cho VKS để VKS gửi cho cơ quan điều tra. Như vậy nó đồng nghĩa với việc trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc điều tra lại như trước khi đưa vụ án ra xét xử. Trong khi quyền ra quyết định này của HĐXX không bị giới hạn số lần nên hội đồng có thể trả hồ sơ nhiều lần nếu mỗi lần mở phiên tòa lại thấy có vấn đề lợn cợn mới. Do đó, theo tôi trong vụ án cụ thể này nếu HĐXX thấy vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ thì hoàn toàn có thể vận dụng Điều 199 BLTTHS tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, thậm chí trả được nhiều lần.

2. Về giới hạn xét xử của tòa, lãnh đạo tòa TP Tuy Hòa cho rằng tòa chỉ xử theo phạm vi truy tố của viện, đây là câu nói đúng nhưng chưa đủ. Điều 196 BLTTHS nói rất rõ tòa có quyền xử nặng hơn khung hình phạt mà VKS tuy tố trong cùng một tội danh. Tòa cũng có quyền xử tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà VKS truy tố. Như vậy nói rằng tòa chỉ xử theo phạm vi truy tố của VKS là chưa ổn mà phải xem các trường hợp được đề nghị xét xử khác với cáo trạng đó có thuộc điều kiện nêu trên không.

3. Chánh án TAND TP Tuy Hòa cho rằng đối với phó công an TP Tuy Hòa do đã bị xử lý hành chính rồi thì không thể xử lý hình sự được nữa cũng chưa thực sự chuẩn. Bởi vì ban đầu có thể cơ quan điều tra thấy hành vi chưa đến mức phải xử lý hình sự nên ra quyết định xử phạt hành chính. Nhưng trong quá trình giải quyết vụ án nếu cơ quan điều tra thấy việc hành chính đó là nhẹ, là không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi và có dấu hiệu tội phạm thì vẫn có thể xử lý hình sự. Tuy nhiên, trường hợp này thẩm quyền thuộc cơ quan điều tra, VKS chứ không phải tòa. Tức chủ thể khởi động quá trình tố tụng phải là cơ quan điều tra với quyết định phê chuẩn của VKS chứ tòa không thể ra quyết định khởi tố tại tòa.

Từ những phân tích nêu trên tôi cho rằng tòa có thể làm nhiều hơn nữa khi thấy có dấu hiệu lấn cấn về tội danh, về trách nhiệm những người liên quan. Việc lãnh đạo tòa TP Tuy Hòa cho rằng “còn có phúc thẩm người ta xem xét nữa” thể hiện sự thiếu quyết liệt trong giải quyết án. Thậm chí khi đã ở vào thế buộc phải tuyên án thì tòa vẫn còn quyền kiến nghị vào bản án, yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục xem xét các vấn đề chưa được làm rõ. Nhưng rất tiếc tòa không làm.

TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm