Vụ tạt nước sôi chủ nợ: Tiếp tục tranh cãi sôi nổi

Kiểm sát viên Mai Trung Thành, VKSND quận 1, TP.HCM:

Phải biết nước sôi có thể gây bỏng

Không thể nói vì nước sôi không được nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao liệt kê trong các ví dụ hướng dẫn mà cho rằng nó không phải là hung khí, phương tiện nguy hiểm được. Bởi lẽ ai cũng biết, cũng phải nhận thức được rằng nước sôi có thể gây bỏng, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Dùng nước sôi tấn công người khác nghĩa là đã dùng phương tiện nguy hiểm. Trên thực tế nạn nhân trong vụ án cũng đã bị thương tật đến 17%.

Vụ tạt nước sôi chủ nợ: Tiếp tục tranh cãi sôi nổi ảnh 1

Luật sư Nguyễn Đăng Quang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Gây thương tích là nguy hiểm

Nước sôi phải được coi là hung khí, phương tiện nguy hiểm như hướng dẫn của TAND Tối cao bởi nước sôi cũng như bao vật dụng khác con người tạo nên hoặc có sẵn trong tự nhiên. Các vật dụng này bình thường phục vụ lợi ích con người, chỉ khi người ta dùng nó để gây thương tích, giết người thì nó mới mặc nhiên trở thành hung khí nguy hiểm như dùng acid hay nước sôi tạt vào người khác, dùng búa, dao phay, cờ lê, mỏ lết... đánh đập người khác.

Nước cũng do con người đun sôi lên. nhiều người đã bị tai nạn bỏng do nước sôi. Vì vậy, dùng nước sôi để cố ý gây thương tích cho người khác phải bị coi là dùng phương tiện nguy hiểm.

Luật sư Nguyễn Thanh Văn, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Không thể là phương tiện nguy hiểm

Hướng dẫn của TAND Tối cao đã phân phương tiện nguy hiểm ra thành ba loại khác nhau: công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cuộc sống của con người; vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm; vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Kèm theo, nghị quyết nêu một số ví dụ cụ thể rồi sử dụng dấu (...) để coi như còn những ví dụ khác nữa.

Nếu suy diễn tương tự từ ba loại này, ứng với các ví dụ tương đồng về công năng hoặc đặc tính tự nhiên thì không thể coi nước sôi là phương tiện nguy hiểm được. Bởi lẽ về công năng, nước sôi không thể gọi là công cụ, dụng cụ. Về bản chất thì nước sôi cũng không đồng dạng với các vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm. Còn về đặc tính tự nhiên thì nước sôi cũng không phải có sẵn trong tự nhiên. Hơn nữa, nếu đã được coi là phương tiện nguy hiểm thì bản thân phương tiện đó khi sử dụng cho mục đích xấu phải có khả năng sát thương cao, thậm chí tới mức tử vong.

Tiến sĩ Chu Hải Thanh, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp:

Chú ý cách thức sử dụng

Theo tôi, nước sôi có tính nguy hiểm bình thường, không thể xếp vào loại phương tiện nguy hiểm như hướng dẫn của TAND Tối cao để định khung trong pháp luật hình sự. Các phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn đều tiềm ẩn sự nguy hiểm cao. Nước sôi sử dụng trong một số trường hợp nếu lưu lượng hạn chế... thì không thể gây nguy hiểm cao được.

Do vậy khi xử lý các vụ nhất định nên xem xét ở hành vi phạm tội, cách thức sử dụng hơn là xem nước sôi là phương tiện nguy hiểm. Có thể anh A tạt một ca nước sôi vào chân chị B thì mức độ nguy hiểm không bằng nhỏ một vài giọt nước sôi vào mắt chị này.

Kiểm sát viên Võ Gia Bình, VKSND huyện Bình Chánh, TP.HCM:

Xác định thêm vị trí tấn công

Tôi nghĩ rằng xác định nước sôi có phải là hung khí, phương tiện nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào yếu tố người phạm tội dùng nước sôi tấn công vào vùng nào trên cơ thể nạn nhân. Những trường hợp người phạm tội dùng nước sôi tấn công vào những vùng nguy hiểm trên cơ thể con người như tạt vào mắt gây mù lòa, tạt vào tai gây điếc... thì phải xem nước sôi là phương tiện nguy hiểm khi xử lý hình sự. Ngược lại, nếu dùng nước sôi tạt vào những vùng bình thường như tay, chân nạn nhân thì không xem là phương tiện nguy hiểm.

Một số vụ tranh cãi tương tự

- Tháng 9-2007, TAND tỉnh Phú Yên đã chấp nhận kháng nghị của VKS huyện Phú Hòa rằng cái tăng phô điện là hung khí nguy hiểm và sửa án sơ thẩm, tuyên phạt Phạm Văn Hiền 15 tháng tù về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 BLHS.

Trước đó, Hiền dùng tăng phô điện đánh người khác gây thương tật 14%. VKS huyện Phú Hòa cho rằng cái tăng phô điện là hung khí nguy hiểm nên truy tố Hiền theo khoản 2. Tuy nhiên, TAND huyện lại nhận định cái tăng phô này thuộc loại tăng phô điện tử, trọng lượng nhẹ, không còn đầy đủ, nguyên vẹn các bộ phận, khả năng sát thương không cao, không có khả năng gây nguy hại đến tính mạng nên không phải là hung khí nguy hiểm. Từ đó, tòa chỉ phạt Hiền chín tháng tù treo theo khoản 1.

- Tháng 11-2006, trong lúc đánh nhau tại một quán nhậu ở TP Tuy Hòa, Lê Tuấn Anh đã chụp một cái ly thủy tinh lớn (đường kính 7,5 cm, cao 9,5 cm) ném thẳng vào vùng mang tai trái của một người, làm nạn nhân bị thương tật 4%.

Cho rằng Anh phạm vào tình tiết dùng hung khí nguy hiểm, Công an TP Tuy Hòa đã khởi tố vụ án, đồng thời đề nghị VKS TP này phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Anh về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, VKS từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố bị can với lý do cái ly thủy tinh trên không phải là hung khí nguy hiểm.

Ngồi họp lại, ba ngành tố tụng TP này vẫn không thống nhất được với nhau. Cơ quan điều tra nói chiếc ly thủy tinh mà Anh ném vào mặt nạn nhân là vật cứng chắc, kích thước lớn, trọng lượng nặng, tính nguy hiểm cao, là hung khí nguy hiểm như hướng dẫn của TAND tối cao. Trong khi đó, đại diện VKS và TAND lại bảo chỉ khi nào Anh sử dụng cái ly thủy tinh đã đập vỡ để ném vào mặt Toàn gây thương tích thì mới coi là sử dụng hung khí nguy hiểm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm