VỤ “XE LĂN CÓ PHẢI LÀ XE BA BÁNH THÔ SƠ”:

Xét lỗi của người thay vì xét lỗi của xe

Nếu xác định lỗi của nạn nhân trước rồi mới xem xét trách nhiệm của người chạy xe máy gây tai nạn là thực hiện quy trình ngược.

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 31-5 có bài phản ánh chuyện ông Ánh là thương binh bị liệt hai chân, được cấp cho một chiếc xe lăn tay để đi lại.

Tối 30-8-2010, trên đường về nhà, ông bị một người chạy xe máy từ phía sau tông thẳng tới và tử vong. Công an quận 3 (TP.HCM) kết luận ông Ánh lưu thông trên đường cấm xe thô sơ ba và bốn bánh là sai, lỗi chính trong vụ tai nạn thuộc về ông nên chỉ phạt hành chính người chạy xe máy. Quyết định này đã gây nhiều tranh cãi…

Quy trình ngược

Trước hết hãy tạm gác lại chuyện xe lăn là xe gì để xem xét hành vi của người chạy xe máy có vi phạm các quy định về an toàn giao thông hay không đã. Khi xảy ra tai nạn, không ai lại đi xác định lỗi của nạn nhân trước mà phải xác định lỗi của người gây tai nạn. Nếu xác định lỗi của nạn nhân trước rồi mới xem xét trách nhiệm của người chạy xe máy gây tai nạn là thực hiện quy trình ngược. Chỉ xác định lỗi của nạn nhân trong trường hợp người chạy xe máy có lỗi (vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ) nhằm xem xét trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm dân sự của người này. Nếu người chạy xe máy không có lỗi, tức không vi phạm bất cứ một quy định nào của Luật Giao thông đường bộ thì nạn nhân có đi xe lăn hai bánh, ba bánh hay đi bộ cũng không có ý nghĩa gì.

Xét lỗi của người thay vì xét lỗi của xe ảnh 1

Cơ quan điều tra còn thiếu sót

Trở lại vụ án, theo cơ quan điều tra, “người gây tai nạn đã đi đúng phần đường, chiều đường. Tuy nhiên, khi gặp tình huống nguy hiểm, người gây tai nạn đã không làm chủ được tốc độ, xử lý không hiệu quả nên cũng có một phần lỗi”. Rất tiếc, công an không xác định người chạy xe máy vi phạm điểm nào, khoản nào, điều nào của Luật Giao thông đường bộ. Kiểm tra lại toàn bộ luật này, không có chỗ nào quy định người lái xe phải làm chủ tốc độ mà chỉ có quy định cấm chạy quá tốc độ (khoản 4 Điều 3), phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường (khoản 1 Điều 12), phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước mình (khoản 2 Điều 12). Còn khái niệm muôn thuở mà từ lâu người ta vẫn dùng bắt lỗi các lái xe là “không làm chủ tốc độ” nhưng thế nào là làm chủ và không làm chủ thì chẳng ai nêu ra được cả.

Về nguyên tắc, hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ trước hết là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì lỗi đó được coi là vi phạm hành chính, nếu đã gây ra hậu quả nghiêm trọng (chết một người) thì đã cấu thành tội phạm theo Điều 202 BLHS.

Như vậy, nếu công an xác định được người chạy xe máy vi phạm điểm nào, khoản nào, điều nào của Luật Giao thông đường bộ thì phải khởi tố. Tuy nhiên, khi xử lý, các cơ quan tố tụng phải xác định lỗi của nạn nhân. Ở vụ này, nạn nhân có lỗi nặng nên trách nhiệm hình sự, dân sự của người chạy xe máy sẽ được giảm đáng kể, thậm chí có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu công an không xác định được người chạy xe máy vi phạm điểm nào, khoản nào, điều nào của Luật Giao thông đường bộ thì họ cũng không thuộc trường hợp vi phạm hành chính nên không được phạt hành chính họ.

Quanh vụ án đã có nhiều quan điểm về việc không xử lý trách nhiệm hình sự người gây tai nạn. Một quan điểm đồng tình với cách xử lý của cơ quan điều tra cho rằng không thể xử lý hình sự người gây tai nạn. Bởi lẽ hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn là đường một chiều, có nhiều xe lưu thông. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc, cơ quan chức năng đã có biển cấm, băng rôn ghi rất rõ là “Cấm xe 3-4 bánh thô sơ”. Xe lăn ông Ánh điều khiển là xe ba bánh thô sơ, đi vào đường cấm nên lỗi chính là ở ông. Việc không khởi tố vụ án là phù hợp.

Tuy nhiên, quan điểm khác lại cho rằng không thể coi xe lăn của ông Ánh là xe ba bánh thô sơ. Đây là loại xe chuyên dùng cho người tàn tật, nó không có thiết kế đồ sộ dùng để vận chuyển hàng hóa, nhiều người… Đặc biệt, tốc độ di chuyển của xe này chậm, chỉ hơn người đi bộ mà thôi. Phải coi xe lăn của ông Ánh là một phương tiện di chuyển bình thường như xe đạp, xe máy, khả năng gây tai nạn không cao. Do đó, ông Ánh đi xe lăn vào con đường này là phù hợp, không thuộc phạm vi cấm nên không thể nói rằng lỗi hoàn toàn là của ông. Ở đây, do người gây tai nạn đã thiếu quan sát, xử lý kém nên mới tông từ phía sau khiến nạn nhân chết. Với hậu quả nghiêm trọng như vậy, phải khởi tố, xử lý người gây tai nạn…

ĐINH VĂN QUẾ (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm