Quan điểm của VKS về giải quyết vụ Vinasun kiện Grab

Theo đó, VKSND TP.HCM đề nghị TAND TP.HCM xem Grab như một doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải taxi và tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng đã gây ra cho Vinasun.

Đại diện VKSND TP.HCM cho rằng căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, có thể khẳng định Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp nền tảng kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải theo Đề án 24 của Bộ GTVT. Thực tế, Grab đã lợi dụng đề án này để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi tương tự Vinasun.

Cụ thể, Grab đã tuyển tài xế, điều hành xe và chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và điều chỉnh tăng, giảm giá. Grab còn thu tiền trực tiếp của khách hàng vào tài khoản của mình. Tài xế Grab phải mở tài khoản, nộp tiền vào Grab mới được sử dụng ứng dụng và đón khách. Grab quyết định mức chiết khấu cho tài xế, tăng và giảm mức chiết khấu này. Hơn nữa, Grab cũng có quy định thưởng phạt với tài xế, kể cả phạt đối với tài xế không nhận đón khách, mở hoặc tắt ứng dụng đón khách.

Các bên chờ nghe đại diện vks phát biểu quan điểm giải quyết vụ án chiều 23-10. Ảnh: PL

Mặt khác, theo VKS, Grab đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi trên giá cước vận chuyển, trong đó có những chuyến xe giá 0 đồng. Grab báo cáo lỗ hơn 1.726 tỉ đồng trong bốn năm (2014-2017) trong khi vốn điều lệ của Grab chỉ 20 tỉ đồng. Đại diện VKSND TP.HCM khẳng định: “Từ các cơ sở pháp lý và thực tế hoạt động kinh doanh trên thị trường vận tải hành khách của Grab, có đủ cơ sở xác định Grab là DN kinh doanh vận tải taxi”.

Ngoài ra, theo VKS, Grab cũng có hành vi khuyến mãi trái quy định. Về mối quan hệ nhân quả, đại diện VKS chỉ ra: Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Quốc Việt thì có đến 74% khách hàng của Vinasun đã chuyển qua sử dụng xe của Grab do giá cước rẻ và được hưởng lợi từ các chương trình khuyến mãi là có cơ sở. Tại phiên tòa, Grab cũng thừa nhận doanh thu mỗi năm mỗi tăng. Doanh thu năm 2015 chỉ đạt 1,5 tỉ đồng nhưng đến năm 2017 lên đến 758 tỉ đồng. Tính ra tăng lên 506 lần, tương ứng với khách hàng của Grab tăng nhanh.

Ông Jerry Lim, CEO của Grab, trả lời báo chí sau khi kết thúc phiên tòa: “Chúng tôi rất thất vọng với đề nghị của đại diện VKSND TP.HCM. Chúng tôi tin rằng phía cơ quan tư pháp không có thẩm quyền xác định bản chất kinh doanh của một DN. Pháp luật đã quy định rất rõ việc cơ quan nào có thẩm quyền xem xét bản chất kinh doanh của một DN”.

Đại diện Grab cho rằng cho phép hệ thống tư pháp xác định ngành nghề kinh doanh của một DN sẽ tạo một tiền đề xấu, đồng thời tạo sự quan ngại cho những DN đầu tư về công nghệ khác. Theo Grab, đây là tiền lệ xấu để các DN chưa có khả năng phát triển, tiếp thu công nghệ cũng như chưa tận dụng thế mạnh của chính họ để hoạt động kinh doanh đi kiện một DN khác vì lợi ích cạnh tranh.

Đại diện Grab cũng bày tỏ sự thất vọng khi các báo cáo giám định của Công ty Cửu Long được VKS chấp nhận. Bởi theo Grab, trong bốn ngày xét xử vừa qua, Grab đã nêu ra rất rõ những điểm mơ hồ, thiếu chính xác và sai lầm trong báo cáo của các đơn vị giám định mà tòa lại không cho Grab đối chất để làm rõ những vấn đề này... Grab cho biết dù tòa tuyên án thế nào thì Grab vẫn sẽ cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam vì sự phát triển của xã hội và con người Việt Nam.

Tòa sẽ nghị án kéo dài, ngày 29-10 tòa tuyên án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới