Quan điểm khác nhau về tích hợp môn học

Các môn học sẽ được tích hợp theo hướng lồng ghép các môn cũ thành môn mới. Tuy nhiên, tích hợp như thế nào để đảm bảo đáp ứng đầy đủ kiến thức cho người học. Làm sao để liên kết các môn học lại mà vẫn đảm bảo sự hài hòa giữa chúng là một câu chuyện rất khó còn đang được tranh luận rất sôi nổi.

Lớp dưới: Tích hợp cao; lớp trên: Phân hóa dần?

Theo dự kiến, chương trình sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015 sẽ thiết kế theo hướng tích hợp cao ở lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên, giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn.

PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, chuyên trách về đổi mới chương trình SGK, cho biết nội dung từng môn học, hoạt động giáo dục được cấu trúc lại, bỏ những nội dung trùng lặp, bổ sung một số nội dung mới, tích hợp một số nội dung gần hoặc trùng nhau. “Các môn học sẽ được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với nhu cầu của học sinh hiện nay. Đồng thời, tăng cường thiết kế các nội dung dạy học dưới dạng câu chuyện lịch sử, hiện tượng tự nhiên và xã hội nhằm giúp các em có những hiểu biết sơ giản, gần gũi về những hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh” - ông Thống nói.

Quan điểm khác nhau về tích hợp môn học ảnh 1

Việc tích hợp chương trình sách giáo khoa còn có những ý kiến khác nhau. Ảnh: HTD

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đồng tình với chủ trương tích hợp các môn học mà bộ phận đổi mới chương trình SGK đưa ra. Tuy nhiên, tích hợp môn nào lại với nhau cũng còn nhiều ý kiến lo ngại. GS Trần Kiều đề nghị cần phải làm sáng tỏ hơn cơ sở khoa học của việc hình thành hệ thống môn học. Tránh hai xu hướng “bình mới, rượu cũ” và sự ghép môn, không có đổi mới trong chương trình học mà chỉ biên soạn lại chương trình.

Còn với GS Hồ Sĩ Đàm thì đề nghị xem xét lại việc tích hợp môn tin học và công nghệ. “Hai môn này khó có thể tích hợp lại được với nhau. Tích hợp môn tin học và công nghệ là việc làm phản khoa học. Một môn thì nghiêng về dạy tư duy, một môn thì nghiêng về dạy kỹ năng. Tích hợp như vậy thì nguy hiểm quá” - ông Đàm thắc mắc.

Một chuyên gia giáo dục khác cũng thắc mắc việc tích hợp các môn học lại với nhau là rất khó. “Ở môn khoa học xã hội, chúng ta tích hợp lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, chủ đề liên môn. Tích hợp là chủ trương đúng nhưng tích hợp địa lý và lịch sử rất khó. Ngoài ra, nó còn làm khó cho người dạy vì giáo viên chỉ đào tạo chuyên sâu một môn, bây giờ lại dạy liên môn, liệu họ có làm được không?” - vị này băn khoăn.

Nhập vào rồi lại tách ra

Chương trình SGK dự kiến sẽ được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các nhà hoạt động giáo dục. Theo đó, SGK bậc tiểu học và THCS sẽ được tích hợp triệt để. Môn giáo dục đạo đức - công dân ở lớp 1, 2 sẽ được tích hợp vào môn tìm hiểu tự nhiên xã hội và môn tiếng Việt dưới dạng những bài đọc, câu chuyện kể hấp dẫn và sinh động về nhiều phương diện đạo đức. Đến lớp 3, giáo dục đạo đức lại tách riêng thành một môn học. Lên bậc THCS và THPT vẫn còn hai luồng ý kiến hoặc là tiếp tục tách ra thành môn học riêng hoặc là lại tích hợp trong các môn ngữ văn, môn khoa học nhân văn và các hoạt động giáo dục.

Hay như ở THCS, môn khoa học tự nhiên sẽ được tích hợp chủ yếu từ các môn vật lý, hóa học, sinh học, khoa học về Trái đất bằng cách sắp xếp các chủ đề của mỗi môn học gần nhau nhằm soi sáng và liên hệ lẫn nhau. Môn khoa học xã hội cũng được tích hợp từ các môn lịch sử, địa lý, kinh tế xã hội và chủ đề liên môn. Đến lớp 10 các môn học tích hợp ở THCS sẽ tách thành các môn học độc lập (như các môn học lớp 10 hiện nay). Nhưng lớp 11, 12 học sinh chỉ còn phải học ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ 1, các môn học tách riêng ở lớp 10 chỉ còn là môn học tự chọn, học sinh chỉ cần học ba trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, giáo dục công dân, công nghệ và xã hội học.

Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang xây dựng chương trình SGK theo một vòng luẩn quẩn, việc tích hợp rồi lại tách ra tạo sự thiếu liên thông trong quá trình dạy và học. Có ý kiến đề xuất nên dạy giáo dục đạo đức công dân từ lớp 1 đến lớp 12, không nên đến lớp 4 mới tách môn.

GS Trần Kiều nhận xét có môn học tích hợp suốt chín năm, đến năm lớp 10 lại tách thành môn riêng, điều này sẽ khiến chương trình lớp 10 rất nặng, thêm vào đó sẽ khiến dư luận đặt vấn đề nếu làm không tốt.
Một đại diện của Viện Khoa học Giáo dục cũng đồng tình với ý kiến trên. Vị này cho biết không có lý do gì mà chín năm chúng ta tích hợp đến lớp 10 lại tách riêng ra. Chẳng lẽ tích hợp học sinh sẽ không phân biệt được đâu là toán, lý, hóa?

Lớp 10 là lớp “dự hướng”

Theo dự kiến, lớp 10 sẽ được coi là lớp “dự hướng”. Đây là giai đoạn bản lề, chuyển giao giữa THCS và THPT. Theo đó, giai đoạn tiểu học và THCS (chín năm) sẽ trang bị cho người học kiến thức kỹ năng tối thiểu, nền tảng, cơ bản nhất để học xong có thể đi học tiếp hoặc đi làm. Giai đoạn này không yêu cầu kiến thức cao, sâu nhưng phải toàn diện cơ bản để hình thành nhân cách, phẩm chất và kỹ năng cho học sinh. Giai đoạn 2 là bậc THPT có nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện hơn nhân cách người công dân và quan trọng là phân hóa để phát huy tiềm năng của mỗi người.

Theo một đại diện ban soạn thảo đề án, việc chuyển từ giai đoạn kiến thức tổng hợp cơ bản sang chuyên sâu phân hóa cần có một bước đệm để học sinh không bị thay đổi đột ngột. Giai đoạn này sẽ làm cơ sở cho các em có định hướng nghề nghiệp khi lên lớp 11 và 12.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm