Quản lý vận tải của TP.HCM trong đại dịch được nhân rộng ra toàn quốc

Chiều 15-10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) 9 tháng và phương hướng, nhiệm vụ quý IV-2021.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đã có tham luận đáng chú ý về kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong quản lý hoạt động vận tải và bảo đảm trật tự ATGT, phục vụ người dân đi lại, di chuyển trong TP và liên vùng trong đợt dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Ông Ngô Minh Châu cho biết TP.HCM có nhiều đầu mối giao thông lớn, kể cả đường bộ, đường sắt, hàng không và cảng biển, với số lượng phương tiện giao thông rất lớn.

“Trung bình mỗi ngày có khoảng 200.000 ô tô vận chuyển hàng hoá lưu thông ra vào TP để đi đến các tỉnh. Riêng cảng Cát Lái, trung bình có khoảng 20.000 xe/ngày lưu thông ra vào cảng”- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM dẫn chứng.

Theo ông Ngô Minh Châu, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 hết sức phức tạp, ngày 8-7-2021, UBND TP.HCM đã ban hành công văn về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Theo đó, thực hiện cách ly xã hội toàn TP kể từ 0h ngày 9-7-2021, đồng thời triển khai 12 chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào TP và các chốt kiểm soát dịch tại các quận, huyện.

Do vậy, hoạt động vận tải hàng hoá, vận chuyển công nhân, chuyên gia phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu trên địa bàn TP và các tỉnh trong vùng phải chịu ảnh hưởng rất lớn trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Ông Ngô Minh Châu cho biết trước tình hình đó, để hạn chế ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu, hàng hoá hỗ trợ sản xuất và xuất nhập khẩu, xuất phát từ ý tưởng cần có phương thức để nhận diện và kiểm soát được các  phương tiện được phép lưu thông ra vào trên địa bàn TP trong thời gian TP.HCM phải thực hiện Chỉ thị 16, UBND TP đã giao cho Sở GTVT xây dựng phương án tổ chức giao thông.

Sở GTVT đã đề xuất phương án cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR đối với các phương tiện vận tải được phép hoạt động. Phương án này được lấy ý kiến của các tỉnh, thành phố trong vùng và báo cáo Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Ngày 8-7-2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành công văn về việc hướng dẫn tạo thuận lợi cho luồng xanh, cho phương tiện vận tải hàng hoá và vận tải chuyên gia, công nhân trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16.

Công văn này cho phép Sở GTVT TP.HCM thay mặt Sở GTVT các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cấp giấy chứng nhận phương tiện có mã QR cho các DN tại 19 tỉnh trong vùng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông vận chuyển hàng hoá, vận chuyển công nhân, chuyên gia lưu thông trong vùng.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Do nhu cầu đăng ký cấp giấy chứng nhận diện có mã QR là rất lớn nên công tác giải quyết cấp mã QR theo phương thức cũ (tức theo hồ sơ giấy) sẽ mất nhiều thời gian; giải quyết sẽ không bảo đảm kịp thời cho hoạt động vận tải hàng hoá cũng như khó khăn cho các đơn vị khi nộp hồ sơ trong thời gian giãn cách xã hội”- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lý giải.

Sở GTVT TP.HCM khi đó đã xây dựng phần mềm để thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận diện có mã QR, công tác này được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, từ bước tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hồ sơ, trình ký cho đến bước trả kết quả cho cá nhân, tổ chức không quá 24h kể từ khi nhận được hồ sơ.

Thông qua các phương tiện sẽ đưa vào chương trình phần mềm nhằm hỗ trợ, theo dõi, kiểm tra, trích xuất kết quả tương ứng với mỗi phương tiện. Kết quả được xuất ra thể hiện đầy đủ các thông tin như biển số phương tiện, mục đích - thời  gian- thời hạn- lộ trình lưu thông và các lưu ý trong quá trình lưu thông trên đường.

“Trong giai đoạn thực hiện, TP đã cấp với  số lượng hơn 78.500 phương tiện, trung bình mỗi ngày cấp khoảng 3.000 phương tiện. Giai đoạn đầu mỗi ngày cấp 5.000 phương tiện”- ông Ngô Minh Châu cho biết, đồng thời lý giải thông qua mã QR trên giấy nhận diện phương tiện, các lực lượng chức năng có liên quan phải cắt chốt kiểm soát và lực lượng kiểm tra lưu động chỉ cần dùng camera điện thoại hoặc sử dụng ứng dụng zalo, viber để quét mã QR.

Khi đó sẽ hiện thị toàn bộ thông tin có liên quan, giúp cho việc đối chiếu thông tin trên giấy nhận diện, từ đó tạo thuận lợi cho phương tiện lưu thông nhanh nhất. Đồng thời, tránh để xảy ra các trường hợp làm giả giấy nhận diện để lưu thông không đúng theo quy định, giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại các chốt, tiết kiệm thời gian trong quá trình kiểm tra.

Cạnh đó, TP cũng đã tổ chức cấp giấy chứng nhận phương tiện có mã QR để thực hiện công tác vận chuyển cho các trang thiết bị y tế, vận chuyển nhân viên y tế, bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân khỏi bệnh về nhà, vận chuyển người thân trong trường hợp cấp thiết lưu thông trong thời gian TP thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ thị 16…

Cụ thể, tổ chức điều động phương tiện vận chuyển xe khách người đi cách ly và người từ các bệnh viện, trạm y tế, bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị COVID- 19.

Tổ chức  cho hơn 1.000 phương tiện taxi để vận chuyển người dân đi đến và đi từ các bệnh viện, trung tâm y tế, trong trường hợp cần thiết vận chuyển hàng hoá.

Tổ chức giao thông, điều động phương tiện hỗ trợ cho các địa phương và ngành y tế vận chuyển đội ngũ nhân viên y tế, bệnh nhân theo yêu cầu cuả các bệnh viện và các trung tâm y tế trên địa bàn TP.

Tổ chức giao thông cho 150 taxi công nghệ tham gia chở đội ngũ bác sĩ, người phục vụ đi đến các bệnh viện, trở người bệnh COVID-19 khỏi bệnh về nhà, vận chuyển bình oxy, thiết bị y tế… cho các trạm y tế lưu động.

“Giải pháp này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá thiết yếu, hàng hoá phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu trong vùng được lưu thông nhanh chóng và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM trong thời gian qua với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16”- ông Ngô Minh Châu nói.

Giải pháp này đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam mở rộng, triển khai áp dụng trên toàn quốc thông qua hệ thống phần mềm đăng ký luồng xanh cho xe vận tải hàng hoá.

Phát biểu sau đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thông tin 9 tháng đầu năm, do thực hiện giãn cách xã hội triệt để, cả ba tiêu chí về ATGT (số vụ, số người chết và số người bị thương) ở TP.HCM đều giảm trên mức 80%.

“Sắp tới, khi chúng ta “bình thường hoá”, nhất là TP.HCM sẽ nhanh chóng bình thường hoá, đề nghị TP hết sức quan tâm vấn đề này và quyết liệt thực hiện các giải pháp để giảm, hạn chế các vụ tai nạn GT, các vụ thương tích, chết người trong TNGT”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ cuối tháng 7-2021 đến nay, TP.HCM đã bảo đảm hoạt động vận tải hàng hoá từ TP tới các nước được lưu thông ổn định. Cụ thể, sản lượng hàng hoá lưu thông qua cảng biển TP.HCM trong 9 tháng đầu năm đạt 127 triệu tấn, tăng 5,29% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, sản lượng hàng hoá lưu thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn TP trong 9 tháng đạt 55 triệu tấn, chỉ giảm 0,9%. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm