‘Quân sư’ hàng loạt cuộc ra quân của CSGT TP.HCM

Những năm qua, Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) liên tục tổ chức các đợt ra quân, cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), phòng chống tội phạm.

Đây cũng là đơn vị then chốt phụ trách công tác đảm bảo ATGT cho hàng loạt sự kiện văn hóa, chính trị… có quy mô lớn diễn ra trên địa bàn TP. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau phương án, kế hoạch để lãnh đạo Phòng PC08 tổ chức các đợt ra quân này là những cán bộ tham mưu đóng vai trò “quân sư”.

Không ngủ để hoàn thành bản thảo

Trong số đó có Thiếu tá Nguyễn Viết Dũng, Tổ trưởng tổ tham mưu, thuộc Đội Tham mưu, Phòng PC08. Anh là người đã gắn bó với công việc tham mưu cho lực lượng CSGT gần 11 năm. Anh cũng là cá nhân điển hình của phong trào thi đua yêu nước toàn TP.HCM giai đoạn 2015-2020.

Còn nhớ, tháng 6-2009, tốt nghiệp ĐH Cảnh sát nhân dân, anh được phân công ngay về Đội Tham mưu của PC08. Từ đó, anh Dũng nghiên cứu, học hỏi những người đi trước để nâng cao năng lực và gắn bó với công tác tham mưu đến bây giờ.

Anh nhận thấy công tác tham mưu tuy thầm lặng nhưng rất quan trọng, đòi hỏi người tham mưu phải bám sát thực tế, tỉ mỉ, biết nhìn xa, có trách nhiệm và kiên định lập trường. “Nhiều người nghĩ tham mưu là ngồi bàn giấy mà viết kế hoạch, báo cáo hoặc làm để giết thời gian rảnh. Nhưng thực tế không phải vậy đâu…” - Thiếu tá Dũng trầm lặng.

Còn nhớ khi mới bắt đầu công việc tham mưu, Thiếu tá Nguyễn Viết Dũng hoàn toàn không biết bắt đầu từ đâu, đặt bút viết cái gì. Dần dà anh học hỏi, tự nghiên cứu về luật, đi thực tế nhiều hơn để công tác tham mưu sinh động, bám sát thực tế, khi triển khai cho các đơn vị thực hiện không gặp sự cố.

Anh kể có những ngày làm việc trong giờ hành chính nhưng có những ngày phải làm đến hết đêm. Mỗi khi nhận nhiệm vụ mới, nhiều đêm về nhà anh Dũng trằn trọc suy nghĩ phải làm từ đâu, làm những gì để sáng hôm sau lên đơn vị thì bắt tay vào nhanh chóng.

“Tháng 4 vừa rồi, 8 giờ tối tôi nhận được phương án của Công an TP về việc lập các chốt kiểm dịch COVID-19 nên tôi phải thức trắng đêm để viết. Đúng 5 giờ 30 sáng hôm sau thì tôi nhắn tin cho anh phó trưởng Phòng PC08 là đã làm xong” - Thiếu tá Dũng kể.

Anh bảo lúc mới lập gia đình, anh vẫn còn thói quen mang công việc về nhà làm. Có hôm về ngủ với vợ một chút thì 1 giờ sáng lại thức dậy làm. Nếu hôm nào công việc nhiều thì ở lại đơn vị để giải quyết cho xong.

Thiếu tá Nguyễn Viết Dũng, cán bộ Đội Tham mưu (phải), tham mưu trực tiếp tại hiện trường cho Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng PC08. (Ảnh do PC08 cung cấp)

Lăn xả ở thực địa để tham mưu

Cứ thế, trong ngần ấy thời gian, anh đã “chủ xị” tham mưu trên nhiều lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT cho người dân TP.

Đáng chú ý là các phương án phòng, chống ùn tắc giao thông; tụ tập, tuần hành tại khu vực trung tâm TP; phòng, chống thanh thiếu niên chạy xe gây rối trật tự công cộng và đua xe trái phép… đều do chính tay anh nghiên cứu, xây dựng và triển khai phương án.

Còn nhớ lần lên kế hoạch “ém quân” tại một điểm nóng, phức tạp về tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe gây rối trên quốc lộ 22 (huyện Củ Chi), anh Dũng nghĩ phải đi khảo sát thực tế. Anh đến điểm nóng ở hai đêm để quan sát tình hình, xem lưu lượng xe như thế nào, bối cảnh ra sao, tình trạng tụ tập diễn ra vào khung giờ nào… Khi về anh vẽ sơ đồ, lên kế hoạch để lực lượng chức năng địa phương cùng phối hợp.

Có giai đoạn TP.HCM công bố 37 điểm ùn tắc giao thông. Khi lãnh đạo PC08 quyết định lập cao điểm kéo giảm ùn tắc tại 37 điểm này, anh Dũng đã cùng đồng đội đi thực tế ở nhiều nơi. Anh phát hiện câu chuyện xung đột giao thông, xây dựng tình huống ùn tắc, công tác phối hợp lực lượng ra sao, lên cả sơ đồ mẫu về bố trí nhiệm vụ của từng lực lượng và dự đoán tình huống xảy ra… Khi hỏi anh công tác tham mưu khó nhất là gì, anh bảo: “Khó nhất là không lường trước được những gì diễn ra ở thực địa”.

“Khi tham mưu, chúng ta phải lên phương án, tình huống càng cụ thể càng tốt. Nhưng đôi khi cũng không thể lường hết được tất cả diễn biến. Vì thế mới cần sự nhạy bén của người tham mưu bên cạnh lãnh đạo ngay tại hiện trường. Chẳng hạn, năm 2015 khi lên phương án đón, bảo vệ, dẫn đoàn của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama tham quan chùa Ngọc Hoàng, dù đã lường trước nhưng sự hiếu kỳ của người dân đã vượt sức tưởng tượng của chúng tôi” - anh Dũng phân tích.

Khi nhắc về đóng góp của mình, anh Dũng khiêm tốn nói: “Tất cả đều là sự nỗ lực của cả tập thể, sự chỉ đạo hướng dẫn của lãnh đạo cấp trên, bản thân mình chỉ góp một phần nhỏ cho sự chỉn chu trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên mà thôi…”.

Sáng kiến truy tìm xe gây tai nạn bỏ trốn

Thiếu tá Nguyễn Viết Dũng đã tham mưu cho lãnh đạo PC08 trong việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến, xử lý vi phạm. Anh cũng mạnh dạn đề xuất việc phối hợp với các đơn vị ngoài ngành như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT TP để tổ chức quét dữ liệu GPS đối với các xe có gắn thiết bị định vị GPS kết hợp với trích xuất dữ liệu hành trình của các phương tiện. Việc này đã phục vụ cho việc truy tìm, truy xét các xe vi phạm, xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy, không xác định được nguyên nhân, hành vi vi phạm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm