Theo dòng thời sự

Quảng bá thanh long, đừng để nước đến chân mới nhảy!

Đã vào đầu tháng Chạp nhưng không khí đón tết ở “thủ phủ thanh long” Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) rất trầm lắng. Với diện tích 15.000 ha thanh long, Hàm Thuận Nam chiếm khoảng một nửa diện tích trái cây đặc sản này của Bình Thuận. Và khi Trung Quốc (TQ) đóng cửa khẩu, ngưng nhập thanh long, nhiều người liên quan trở nên điêu đứng.

Theo thống kê, năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt hơn 998 triệu USD, đóng góp tỉ trọng rất lớn trong xuất khẩu. Thanh long được trồng chủ yếu ở ba tỉnh Bình Thuận (khoảng 34.000 ha), Long An (khoảng 12.000 ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000 ha). Sản lượng của ba tỉnh này chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước.

Khi Trung Quốc đóng cửa khẩu, ngưng nhập thanh long, nhiều người liên quan trở nên điêu đứng. Trong ảnh: Hàng ngàn container thanh long đậu nối đuôi chờ thông quan rồi buộc phải quay đầu. Ảnh: CTV

Cây thanh long dễ trồng, dễ chăm sóc và công bằng mà nói từ một “cây xóa đói giảm nghèo”, thanh long đã trở thành “cây làm giàu, cây đại gia”. Một vùng đất khô cằn như Hàm Thuận Nam, chục năm trở lại đây bừng sáng nhờ cây thanh long: Biệt thự, nhà lầu mọc lên như nấm.

Nhà nhà, người người đua nhau trồng thanh long, diện tích nông dân trồng luôn vượt xa quy hoạch. Rồi ai cũng có thể làm chủ vựa thu mua, đóng gói thanh long, thuê container chở ra biên giới phía Bắc xuất theo đường tiểu ngạch sang TQ. Sản lượng thanh long của Bình Thuận xuất khẩu mỗi năm khoảng 700.000 tấn nhưng xuất khẩu qua đường chính ngạch thì chỉ vài chục ngàn tấn.

Chính việc tiêu thụ chủ yếu qua phương thức mua bán biên mậu với thương nhân TQ thông qua các cặp cửa khẩu nên vài năm trở lại đây giá cả luôn bấp bênh. Quy hoạch, xúc tiến thương mại, dự báo không theo kịp với thực tế luôn đi sau sự phát triển vũ bão của thanh long. Đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long lại sớm bằng lòng, sẵn sàng bắt tay cho thương nhân TQ thuê nhà xưởng, kho lạnh, trong khi từ bao đời nay ông cha ta thường căn dặn “cho vàng chứ không chỉ đàng đi buôn”.

Chính vì phụ thuộc lớn vào một thị trường theo đường xuất khẩu tiểu ngạch nên việc bán thanh long luôn ở thế bị động, từ nông dân đến thương lái luôn cầm dao đằng mũi.

Trong thời điểm khó khăn của thanh long, vài doanh nghiệp ký hợp đồng rõ ràng, xuất khẩu theo đường chính ngạch vẫn sống khỏe nhưng con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Khá là khó hiểu khi Ấn Độ là thị trường với 1,4 tỉ dân, tỉ lệ người ăn chay và sử dụng hoa quả rất nhiều nhưng năm 2020, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ chỉ hơn 11.000 tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD. Dường như việc quảng bá thanh long làm chưa tới. Lẽ ra Ấn Độ, thị trường tiềm năng này đã được xúc tiến thương mại từ lâu và đẩy mạnh quảng bá nhưng do chúng ta quá an phận, bằng lòng nên trở thành “con tin” của thị trường TQ. Vì vậy, khi khách hàng TQ khó tính, chúng ta không kịp trở tay.

Đừng để bị động, đừng để nước đến chân rồi mới nhảy - không chỉ riêng trái thanh long!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm