Quốc hội “chê” đề án 1,7 tỉ USD của Bộ GD&ĐT

Dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông với mục tiêu “đổi mới căn bản toàn diện theo hướng hiện đại” khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 14-4 bị “chê” là quá sơ sài, không khả thi.

34.000 tỉ để đổi mới

Trình bày tờ trình về việc đề nghị ban hành nghị quyết của QH về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vĩnh Hiển cho hay chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện hành có nhiều những hạn chế, bất cập, chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng và thời lượng dạy học, nặng “dạy chữ” nhẹ “dạy người”. Một số chủ đề còn nặng, khó, “cắt khúc”, trùng lặp một số nội dung giữa các lớp học, cấp học, môn học và chưa đảm bảo tính liên thông…

Để khắc phục những hạn chế trên, dự thảo đề ra hàng loạt các định hướng như xây dựng theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và tiếp cận nghề nghiệp. Trong đó, học sinh được giáo dục toàn diện đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, các kỹ năng cơ bản; được rèn luyện, phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết và tiếp cận nghề nghiệp; đảm bảo liên thông giữa chương trình, SGK cấp học, lớp học, giữa các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo và trong mỗi môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo… Đồng thời, chương trình được xây dựng theo một chỉnh thể, nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, từ cấp học đến các môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm đảm bảo tính thống nhất và hệ thống.

 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng đề án lớn như thế, kinh phí cũng gần 2 tỉ USD mà báo cáo lại sơ sài quá. Ảnh: TTXVN

Về phương pháp giáo dục, đề án đặt ra mục tiêu giáo dục theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, phương pháp tự học, khả năng hợp tác, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn... tạo cơ sở để học sinh tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực…

Theo ông Hiển, tổng kinh phí để thực hiện đề án vào khoảng 1,7 tỉ USD, chưa bao gồm tiền xây cơ sở vật chất cho trường còn thiếu…

Chỉ thấy sao chép

Tán thành với việc “đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông” nhưng các thành viên trong UBTVQH lại tỏ ra hoang mang khi không tìm thấy những cái mới, cái đột phá của đề án. “Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40 của QH khóa 10 đã được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002-2003 đến nay đã 14 năm nhưng “thay đổi toàn diện” đến đâu thì chưa ai làm rõ. Cho nên giờ lại tiếp tục một cuộc đổi mới toàn diện khác thì bắt đầu từ đâu, làm thế nào” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì chê đề án lớn thế mà báo cáo đánh giá tác động lại quá sơ sài, chỉ vỏn vẹn 2,5 trang. “Một đề án lớn như thế, kinh phí cũng gần 2 tỉ USD mà báo cáo lại sơ sài quá. Do đó, quá trình tổng kết lẫn xây dựng đề án này phải lấy ý kiến chuyên gia, cần thiết thì lấy ý kiến cả nhân dân, chuẩn bị phải rõ hơn” - ông Lý nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chê thẳng: “Đổi mới căn bản toàn diện theo hướng hiện đại” thì đề án chưa hề có mà mới ở mức chép lại quan điểm trong nghị quyết của Đảng. “Việc đầu tiên của nghị quyết bao giờ cũng phải đánh giá lại việc thực hiện đã qua, thế mà ở đây lại đi ngay vào mục tiêu. Rồi mục tiêu và nội dung thì lại trùng lẫn với nhau” - ông Hùng tiếp tục chê.

Đề cập về lộ trình theo dự tính của Bộ GD&ĐT, đến hết năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc soạn thảo SGK theo chương trình mới và thực hiện từ thí điểm đến đại trà đến năm 2023 ở tất cả cấp học, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra lo ngại đến tính khả thi. Bởi để thực hiện được điều trên thì phải nâng cao chất lực chất lượng đội ngũ giáo viên để cập nhật với hệ thống SGK mới. Đồng thời phải có cơ sở vật chất cần thiết để triển khai được. “Hai cái này có khả thi không hay đến lúc đó lại nói do giáo viên, do cơ sở vật chất… nên chất lượng kém, rồi đề nghị tăng tiền để thực hiện” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu. “Từ đây đến tháng 5 phải hoàn thiện lại mới đủ điều kiện trình QH” - ông Hùng yêu cầu.

THÀNH VĂN

 

Xây dựng cơ chế đấu thầu dạy nghề

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH tỏ ra tán thành với quy định về việc đấu thầu, đặt hàng dạy nghề. Bởi đây là một cơ chế hiệu quả nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng thông qua cạnh tranh trong tiếp nhận nhiệm vụ và hỗ trợ tài chính của Nhà nước theo hướng bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Tuy nhiên, ủy ban trên cho rằng dự thảo luật cần phải quy định rõ hơn phương thức và quy trình đấu thầu, đặt hàng đào tạo nghề. Cùng với đó, phạm vi đấu thầu, đặt hàng cũng chỉ nên tập trung vào những nghề đặc thù, mũi nhọn mà Nhà nước và xã hội cần nhưng khó huy động nguồn lực xã hội hóa nên Nhà nước phải hỗ trợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm