Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay có nhiều điểm tương đồng với bối cảnh lúc bấy giờ như lãi suất tiền gửi 8%-9%/năm, lạm phát khoảng 8%, hệ thống an sinh xã hội còn nhiều bất cập, các chính sách với người có công còn chưa hoàn thiện,…
Xung đột chính sách
Trong phiên thảo luận ngày 9-11-2006 về đề xuất đánh thuế lãi tiền tiết kiệm trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân của Bộ Tài chính, đại biểu Đinh Hữu Tời (đoàn Nghệ An), lúc bấy giờ là viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An, khẳng định: “Tôi không đồng tình với việc thu thuế lãi suất tiết kiệm”.
Ông cho rằng việc thu thuế tiền lãi tiết kiệm chẳng những sẽ gây ra sự xung đột chính sách vì đi ngược lại với chủ trương, chính sách hiện nay của Đảng, Nhà nước, vi phạm các quy định hiện hành về đời tư công dân mà còn không khả thi.
“Trước đây, Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra nhiều chính sách để thu hút tiền nhàn rỗi của nhân dân thông qua việc gửi tiết kiệm ngân hàng để đầu tư, sản xuất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiều người đã thắt lưng buộc bụng để gửi tiền tiết kiệm để hưởng ứng lời kêu gọi này. Giờ lại đánh thuế tiền lãi tiết kiệm sẽ khiến nảy sinh mâu thuẫn với chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Ông Tời cũng cho rằng việc làm này còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì dư nợ tiền gửi của công dân không phải là thông tin được phép cung cấp rộng rãi. Trong khi đó, để Bộ Tài chính có thể thu thuế lãi tiền gửi tiết kiệm thì các ngân hàng thương mại nơi người dân gửi tiền phải công bố các khoản dư nợ tiền gửi. Ông Tời băn khoăn: “Trước đây chúng ta giữ bí mật bây giờ lại công bố để thu thuế thì liệu có đi ngược lại với những việc trước không?”
Trước Quốc hội, đại biểu Đinh Hữu Tời có đưa ra một trường hợp cụ thể về sự xung đột chính sách: “Một công dân có ý hỏi như thế này: Một gia đình có hai bố mẹ già và ba người con. Hai người con trai bộ đội và đều đã hy sinh, bây giờ được Nhà nước phong là liệt sĩ. Giờ họ chỉ còn một người con gái. Tất cả vốn liếng, tiền nong người ta dồn vào gửi tiết kiệm để có tiền dưỡng lão, tức là nhẹ gánh cho Nhà nước, cũng đồng thời là nhẹ gánh cho cô con gái. Vậy đối với những trường hợp chính sách như thế này thì phải làm thế nào khi thu thuế tiền gửi tiết kiệm?”.
Đại biểu Đinh Hữu Tời cũng chỉ ra sự bất khả thi mà đề xuất này sẽ vấp phải nếu được đưa vào thực thi: “Thậm chí trong loại hình gửi tiết kiệm như hôm nay, chúng ta thấy rằng có một loại hình thẻ tiết kiệm không thời hạn, hoặc có thời hạn nhưng vô danh thì loại này chúng ta làm sao điều tra được”.
“Lãi tiền gửi tiết kiệm không phải là lãi thật”
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân - tỉnh Tây Ninh thì cho rằng lãi tiền gửi tiết kiệm không phải là lãi thật nên không thể bị thu thuế.
“Giả sử một người có 1 tỉ đồng gửi tiết kiệm, tôi tính cũng chỉ đóng 50.000-100.000 đồng. Trong khi chúng ta có 1 tỉ đồng trong tay mà phải né tránh cái này, cái khác tôi cho là lập luận không vững. Nhưng lại có một điều khác là lãi tiền gửi tiết kiệm không phải là lãi thật, điều này mới là điều đáng lưu ý”.
Theo ông Xuân, “với lãi suất ngân hàng là 8%/năm thì chúng ta phải trừ đi 6%-7% là trượt giá đồng tiền, mà trượt giá của đồng tiền đấy chính là sự giảm giá của cái gốc chứ không phải cái lãi. Như vậy, lãi thật chỉ có 1%. Nếu lãi 1% này trên mức chịu thuế thì lúc đấy việc thu thuế vẫn là hợp lý nhưng với điều kiện là phải trừ đi sự trượt giá”.
“Như vậy tính thuế từ tiền tiết kiệm, nếu có, là phải lấy được số tiền thu được trừ đi sự trượt giá đồng tiền và ra lãi ròng. Tôi sẽ chấp nhận để thu nếu như chúng ta tính là lãi thật” - đại biểu Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.
Không chỉ thế, ông Xuân còn cho rằng khi thu thuế lãi tiền gửi cũng cần phải tính đến việc giảm trừ gia cảnh cho người chịu thuế để đảm bảo đời sống của người dân. “Giả sử một người này họ chỉ sống bằng duy nhất tiền tiết kiệm thôi, thế thì phải trừ gia cảnh cho họ trước khi tính thuế. Tôi nghĩ điều này mới là điều công bằng”.
ĐỖ HÀ tổng hợp