Ngày 22-11, sau khi nghe tờ trình và thẩm tra Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự luật này. Nhiều ý kiến cho rằng ban hành luật là cần thiết nhưng cần cân nhắc lại một số sắc thuế.
Điều hòa không còn là mặt hàng xa xỉ
Trình bày, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho hay dự luật đề xuất sửa đổi quy định mặt hàng điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống thì phải chịu thuế TTĐB. Nếu điều hòa được tách ra nhập khẩu từng bộ phận thì cũng phải chịu thuế TTĐB.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh khi trình bày báo cáo thẩm tra cho hay đa số ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không thu thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ. Vì hiện nay, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ đã trở nên phổ biến, không còn là mặt hàng xa xỉ như trước đây.
“Trong trường hợp vẫn tiếp tục thu thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ thì chỉ thu thuế TTĐB đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường hoặc phân loại theo công suất thiết kế. Không thu thuế đối với loại điều hòa có công suất thiết kế được sử dụng phổ biến, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân” - ông Mạnh cho hay.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM) thì nói rằng hầu hết người dân hiện đã lắp điều hòa vì thời tiết, khí hậu trong Nam ngoài Bắc đều nóng. Hồi năm 1998 điều hòa là hàng xa xỉ bị đánh thuế TTĐB 20% nhưng đến năm 2008 thì mặt hàng này rút ra khỏi danh mục hàng hóa xa xỉ. “Bây giờ lại đẩy lên. Việc này bất hợp lý nên cần cân nhắc” - ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cũng cho rằng khi dùng điều hòa thì người dân đã phải chịu tiền điện lũy tiến, bây giờ thêm thuế TTĐB nữa thì có thể sẽ không hài lòng với chính sách này.
Hai ĐB Trương Trọng Nghĩa và Trần Hoàng Ngân (cùng đoàn TP.HCM) cũng đồng tình với ý kiến này. Ông Nghĩa còn cho rằng nếu đánh thuế TTĐB với điều hòa thì sẽ đẩy lùi điều kiện sinh hoạt của Việt Nam về lại 30, 40 năm trước. Do đó, ông đề nghị chỉ đánh thuế môi trường đối với điều hòa.
Ngân sách hay sức khỏe?
Thuế TTĐB này đối với thuốc lá, rượu, bia, cũng được các ĐB thảo luận nhiều. Sửa luật lần này là để đồng nhất với các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Các ĐB đều thống nhất với nhau đây là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Chính phủ đề xuất hai phương án tăng thuế TTĐB đối với các mặt hàng này. Trong đó, phương án 2 được đề xuất là từ năm 2026 đánh thuế TTĐB đối với rượu, bia ở mức 80% đối với rượu trên 20 độ và bia từ năm 2026, sau đó mỗi năm tăng 5%, đạt mức tối đa 100% vào năm 2030. Riêng với mặt hàng rượu dưới 20 độ sẽ tăng thuế suất từ mức hiện hành từ 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn 2026-2030.
ĐB Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho rằng việc tăng thuế với rượu, bia, thuốc lá như đề xuất của Chính phủ là rất cần thiết, giúp giảm nhanh hơn tỉ lệ tiêu thụ các mặt hàng có hại cho sức khỏe này.
ĐB Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) nói tác dụng của thuế TTĐB đối với rượu, bia ở Việt Nam đã có tác động mạnh, làm giảm nhu cầu tiêu dùng nhất là đối với người có thu nhập thấp và thanh thiếu niên. Bà cũng đề nghị phải nghiên cứu tăng thuế TTĐB lên 85% ngay sau khi luật này có hiệu lực và tăng lũy tiến mỗi năm 5%, đạt mức 100% vào năm 2029 bao gồm cả rượu dưới 20 độ.
ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhận định tác hại của rượu, bia thì ai cũng nhìn thấy nhưng “chưa có quốc gia nào mua bán rượu, bia dễ như ở Việt Nam”. Hầu như tỉnh nào ở Việt Nam cũng có nhà máy sản xuất rượu, bia. Nếu tăng mạnh thuế để giảm tiêu thụ rượu, bia thì sẽ tác động đến ngân sách cũng như giải quyết việc làm của các địa phương.
Cụ thể hơn, ĐB Trần Hoàng Ngân nói ngành rượu, bia đóng góp cho ngân sách khá lớn, ở mức 56.000 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho 50.000 người.
Cả hai ĐB này đều đề nghị cân nhắc lộ trình áp dụng các mức thuế TTĐB để tránh ảnh hưởng tới việc làm, ngân sách và khả năng phục hồi của doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, các quy định của dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các cơ chế, định hướng tại Nghị quyết 20 về bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân từ năm 2017 đã được Trung ương thông qua; cũng như Chiến lược quốc gia về phòng, chống thuốc lá đến năm 2030.
“Theo WHO, tăng thuế là một trong những biện pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu thụ các sản phẩm có hại tới sức khỏe hoặc không lành mạnh. Từ đó, giúp giảm tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như ung thư, bệnh tim mạch, hô hấp, tiểu đường, góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, giảm chi phí cho hệ thống y tế cũng như nền kinh tế do bệnh không lây nhiễm gây ra trong tương lai” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Ưu đãi thuế cho báo chí để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị
Cũng trong ngày 22-11, khi thảo luận về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, một số ĐB cho rằng báo chí cần được ưu đãi và tính thuế phù hợp với nhiệm vụ, chức năng.
ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nêu thực tế một số cơ quan báo chí hiện nay được Nhà nước cho vay ưu đãi về vốn, xây các tòa nhà cao tầng và sử dụng một phần doanh thu từ cho thuê để vận hành tòa soạn. Theo bà Thúy, với thực trạng phát hành báo in, điện tử thì nguồn thu quảng cáo không thể nuôi được tờ báo trong cơ chế tự chủ hiện nay.
Tuy nhiên, cách tính thuế của cơ quan thuế là họ bóc tách, phần nào phục vụ báo chí thì được hưởng ưu đãi, còn phần cho thuê tòa nhà thì tính thuế thu nhập doanh nghiệp bình thường.
“Chúng ta đầu tư cho báo chí thông qua cái gì? Chính là thông qua ưu đãi thuế từ khoản thu quảng cáo báo chí, kinh doanh tòa nhà cho hoạt động của báo lại bị tính thuế cao bình thường là chưa hợp lý” - bà Thúy nói và đề xuất các hoạt động kinh doanh phục vụ cho hoạt động của tờ báo đều được hưởng ưu đãi thuế.
ĐB Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho rằng vai trò của báo chí đối với xã hội là rất lớn và hiện các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn do quảng cáo bị mạng xã hội cạnh tranh, PV rất vất vả. Hà Nội, TP.HCM hầu như không còn các sạp báo mà tất cả đã chuyển sang các nền tảng điện tử, số… Do đó, các cơ quan báo chí cũng tích cực chuyển đổi số mà như vậy thì cần đầu tư nguồn lực, con người, công nghệ rất lớn…
“Nếu ưu đãi thuế 10% thì không có nhiều ý nghĩa” - ông Nghĩa nói và cho rằng báo chí là lực lượng tiên phong mà không được hỗ trợ, ưu đãi tương xứng thì… “cần xem lại”. Theo ông, ưu đãi thuế sẽ làm cho báo chí có thêm công chúng, làm tốt nhiệm vụ chính trị và khi đó cả xã hội cũng sẽ được hưởng lợi.