1001 kiểu “ra đi” của lãnh đạo tình báo Hàn Quốc

Năm 1972, ông Lee Hu-rak đã bí mật tới Bình Nhưỡng để gặp cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và thỏa thuận kể trên đã được CHDCND Triều Tiên ký với Hàn Quốc. Thứ hai, tuy được trọng dụng - được bầu vào Quốc hội, nhưng chỉ 1 năm sau, ông Lee Hu-rak đã bị cấm tham chính vì những cáo buộc tham nhũng. Mặc dù lệnh này đã được hủy (1985), nhưng ông Lee Hu-rak vẫn quyết định từ bỏ chính trị cho tới khi qua đời hồi cuối tháng 10-2009, thọ 85 tuổi. Giới chuyên môn coi “sự ra đi” của ông Lee Hu-rak là hồi kết có hậu đối với cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo quốc gia bởi nhiều người tiền nhiệm đã có những kết cục khá bi thương.
Cơ quan Tình báo quốc gia từng tham gia bắt cóc cố Tổng thống Kim Dae-jung ở Tokyo, Nhật Bản năm 1973. Cố Tổng thống Park Chung-hee đã ra lệnh cho Giám đốc tình báo cử người theo dõi và bắt cóc ông Kim Dae-jung tại một khách sạn ở Tokyo, đưa đến Osaka và theo kế hoạch, cựu Tổng thống sẽ bị giết và ném xác xuống biển. Điều đáng nói là ông Park Chung-hee đã bị chính Giám đốc tình báo Kim sát hại khi tới dự một bữa tiệc tại trụ sở của Cơ quan Tình báo hồi tháng 10-1979. Việc này đã được Cơ quan Tình báo quốc gia thừa nhận hôm 24-10-2007. Trước đó (tháng 9-2004), ông Kim Dae-jung cũng được tòa án Seoul yêu cầu Chính phủ trả 94,9 triệu won (gần 83.000 USD) vì những tổn thất tâm lý, thể chất và tài chính trong 949 ngày phải ngồi tù hồi đầu thập kỷ 1980.
Tờ Chosun của Hàn Quốc từng tiết lộ (tháng 3-2005), Kim Hyung-wook, cựu Giám đốc tình báo đã bị ám sát do trúng mỹ nhân kế (1979) vì biết quá nhiều và muốn công bố những tin tức tuyệt mật. Ông Kim Hyung-wook đã tiết lộ nhiều bí mật của Cơ quan Tình báo khi phải ra điều trần trước Hạ viện Mỹ, trong đó có vụ bắt cóc ông Kim Dae-jung. Theo thống kê, kể từ khi thành lập Cơ quan Tình báo (1961) đến nay, tên gọi của cơ quan này đã thay đổi mấy lần và nhiều đời Giám đốc phải ra đi, thậm chí bị ám sát bởi những nguyên nhân khác nhau.
Cơ quan Tình báo quốc gia từng phải tiến hành điều tra nội bộ xung quanh cáo buộc thành lập một bộ phận chuyên theo dõi những nghị sĩ có thái độ chống đối cố Tổng thống Roh Moo-hyun trong thời gian ông tại nhiệm. Trong số những người bị theo dõi có bà Park Geun-hye, cựu Chủ tịch Đảng Quốc đại và đương kim Tổng thống Lee Myung-bak trong thời gian ông là Thị trưởng Seoul. Vì lý do kể trên nên Giám đốc Kim Sung-ho buộc phải thay tới 70% nhân viên làm việc từ thời cố Tổng thống Roh Moo-hyun. Cách đây hơn 4 năm (20-8-2005), trụ sở chính của Cơ quan Tình báo quốc gia từng bị khám xét vì đã ghi âm bí mật các cuộc điện đàm của nhiều nhân vật có tên tuổi trên chính trường, thương trường cũng như giới truyền thông. Khi đó cơ quan điều tra đã gọi hỏi Kim Hong-ho, con trai trưởng của cựu Tổng thống Kim Dae-jung lên thẩm vấn vì có liên quan tới vụ này.
1001 kiểu “ra đi” của lãnh đạo tình báo Hàn Quốc ảnh 1
Ông Kim Man-bok (trái) khi tới Bình Nhưỡng

Dư luận cũng rất quan tâm tới phiên tòa xét xử ông Lim Dong-won, cựu Giám đốc cơ quan tình báo, nhưng chi tiết về vụ này không được tiết lộ nhiều. Cách đây gần 2 năm (15-1-2008), Giám đốc Kim Man-bok đã lên tiếng xin lỗi về vụ rò rỉ tài liệu xung quanh chuyến đi bí mật tới Bình Nhưỡng và xin từ chức. Ông Kim Sung-ho được cử thay người tiền nhiệm Kim Man-bok. Giới truyền thông thấy có sự trùng hợp khá ngẫu nhiên về vụ xin từ chức của ông Kim Man-bok với người tiền nhiệm Kim Seung-kyu. Cách đây hơn 3 năm (26-10-2006), Giám đốc Kim Seung-kyu đã đệ đơn từ chức sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử bom nguyên tử hôm 9-10-2006.
Đây không phải lần đầu tiên ông Kim Man-bok bị giới truyền thông “điểm danh”. Mặc dù là Giám đốc tình báo, nhưng ông Kim Man-bok lại thích xuất hiện trước công chúng. Tên tuổi của ông Kim Man-bok được giới truyền thông đề cập rất nhiều trong vụ giải cứu con tin Hàn Quốc năm 2007. Giới chuyên môn từng phàn nàn, ông Kim Man-bok đã quá lộ liễu trong việc thể hiện thân phận cũng như vai trò trong việc tham gia giải cứu các con tin khi phát biểu tại sân bay quốc tế Icheon, Hàn Quốc hôm 2-9-2007. Giới chuyên môn cho rằng, ông Kim Man-bok đã đi ngược lại phương thức hoạt động của tình báo “lai vô ảnh, khứ vô hình” khi giám đốc tình báo đột ngột công khai mọi việc trước dư luận. Nhật báo Chosun Ilbo và Hankyoreh của Hàn Quốc từng chỉ trích ông Kim Man-bok đã hoạt động giống như một lính nghiệp dư, mới vào nghề. Thậm chí có người còn nói, ông Kim Man-bok không biết tới khẩu hiệu của tình báo Hàn Quốc - làm việc trong bóng tối vì mục tiêu ánh sáng.
Theo LÊ CAO SƠN (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm