17 hành tinh mới được phát hiện, 1 trong đó có thể có sự sống

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Michelle Kunimoto tại Đại học British Columbia (UBC) của Canada đã phát hiện ra 17 hành tinh mới bên ngoài hệ mặt trời, hãng tin Sputnik ngày 28-2 cho hay.

Từ khi là sinh viên của UBC, cô Kunimoto đã tìm thấy bốn ngoại hành tinh. Hiện tại cô đang là nghiên cứu sinh cho học vị tiến sĩ và phát hiện thêm 17 ngoại hành tinh thông qua các dữ liệu thu thập từ "Sứ mệnh của kính viễn vọng không gian Kepler" mà Cơ quan Hàng không và Vũ tru Mỹ (NASA) hoàn thành năm 2018.

Cô Michelle Kunimoto có một sở thích là tìm kiếm các ngoại hành tinh, hoặc các hành tinh quay quanh các ngôi sao bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Ảnh: CNN

Theo trang web của NASA, “Sứ mệnh của Kepler” được thiết kế để khảo sát khu vực thiên hà Milky Way của chúng ta nhằm khám phá hàng trăm hành tinh có kích thước như Trái đất hoặc nhỏ hơn nằm trong hoặc gần "Khu vực có sự sống".

Kể từ khi được phóng lên năm 2009, các nhà thiên văn học sử dụng kính viễn vọng Kepler tìm thấy các bằng chứng khoa học về sự tồn tại của các ngoại hành tinh, bao gồm một hành tinh giống như Trái đất chúng ta (có tên là Kepler-452b) ở các khu vực trong thiên hà.

“Chúng tôi quay trở lại nghiên cứu 17 ứng cử viên hành tinh (PC) cùng với các đối tượng quan tâm của Kepler (KOI - tạm gọi là một ngôi sao do Kepler phát hiện được mà có chứa một hay nhiều hành tinh chuyển động qua trước mặt) với tỉ lệ thu hồi 98,8% của các hành tinh đã được xác nhận”, theo giải thích mang tính hơi trừu tượng của nghiên cứu mà cô Kunimoto thực hiện.

Nghiên cứu cũng cho biết đã xác định được một hành tinh đặc biệt, được gọi là KIC-7340288b, theo Sputnik.

"Hành tinh KIC-7340288b này cách chúng ta khoảng một ngàn năm ánh sáng, vì vậy chúng ta sẽ không đến đó sớm được. Nhưng đây là một phát hiện thực sự thú vị, bởi chỉ có 15 hành tinh nhỏ được xác nhận trong "Khu vực có sự sống" mà dữ liệu từ Kepler tổng hợp được” - cô Kunimoto nói với trang Phys.org.

Các phát hiện cũng tiết lộ rằng hành tinh KIC-7340288b có một năm dài khoảng 142,5 ngày so với Trái đất và đang quay quanh ngôi sao ở khoảng cách 0.444 đơn vị thiên văn (AU), có quỹ đạo lớn hơn một chút của Sao Thủy.

Hình ảnh so sánh kích thước của Sao Hỏa, Trái đất và Sao Hải Vương với kích thước của 17 hành tinh mà cô Michelle Kunimoto đã phát hiện ra. Ảnh: GLOBAL NEWS

Trong số 16 ngoại hành tinh mới được phát hiện khác, hành tinh nhỏ nhất chỉ bằng 2/3 kích thước Trái đất và là một trong những hành tinh nhỏ nhất được kính viễn vọng Kepler phát hiện cho đến nay. Các hành tinh còn lại có kích thước gấp khoảng tám lần Trái đất.

Cô Kunimoto cũng nói với Phys.org rằng đã sử dụng “phương pháp quá cảnh thiên thể - transit method” để tìm ra các hành tinh.

"Mỗi khi một hành tinh đều chuyển động trước một ngôi sao, nó sẽ chặn một phần ánh sáng của ngôi sao đó và làm giảm độ sáng tạm thời của ngôi sao đó. Với việc tìm thấy những sự di chuyển nhanh này (được gọi là quá cảnh), chúng tôi bắt đầu ghép thông tin về hành tinh này, chẳng hạn như kích thước của nó và thời gian đi hết một vòng quỹ đạo của nó” - cô Kunimoto nói.

Cô Kunimoto còn tiết lộ rằng sẽ sử dụng “phương pháp quá cảnh” để xác định có bao nhiêu hành tinh Kepler tìm thấy giống như Trái đất chúng ta.

“Tôi sử dụng công nghệ quang thích ứng (adaptive optics) để chụp ảnh các ngôi sao, như thể từ không gian. Tôi đã có thể biết liệu có một ngôi sao nào gần đó có thể ảnh hưởng đến các phép đo của Kepler hay không, chẳng hạn như là nguyên nhân gây ra sự di chuyển nhanh” - cô nhấn mạnh với Phys.org.

"Chúng tôi sẽ ước tính có bao nhiêu hành tinh với các ngôi sao có nhiệt độ khác nhau. Một kết quả quan trọng sẽ cho thấy tỉ lệ các hành tinh trong "Khu vực có sự sống", cũng như có bao nhiêu hành tinh giống Trái đất” - Giáo sư hướng dẫn của Kunimoto là Jaymie Matthews cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm