2 lý do Đài Loan thành chủ đề nóng xung đột

Năm ngoái, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng giới chức Bắc Kinh “có khả năng đang chuẩn bị cho một sự kiện bất ngờ để thống nhất Đài Loan với Trung Quốc (TQ) đại lục bằng vũ lực”. Thậm chí, tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương còn dự đoán chiến sự sẽ xảy ra “trong thập niên này”.

 Đài Loan là “nơi nguy hiểm nhất trên Trái đất”. 
Tạp chí THE ECONOMIST nhận định

Lo ngại này là có cơ sở, nhất là khi xét tới những căng thẳng gần đây giữa hai bờ eo biển Đài Loan, cũng như việc ngày 1-7 tới đây sẽ đánh dấu 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản TQ - một sự kiện trọng đại đối với chính quyền Bắc Kinh.

TQ ra chính sách tham vọng, tăng sức ép lên Đài Loan

TQ vạch ra một số mục tiêu lớn trong nửa đầu thế kỷ XXI, trong đó có tham vọng “đại phục hưng” đất nước trước khi nước Cộng hòa Nhân dân TQ bước sang tuổi 100 vào năm 2049. Bắc Kinh mong muốn quân đội TQ “cơ bản” sẽ được hiện đại hóa vào năm 2035 - mục tiêu mà phương Tây cho rằng vấn đề Đài Loan chính là một “chất xúc tác mạnh mẽ”.

Chuyên trang phân tích an ninh Defense One (Mỹ) cho rằng đối với Bắc Kinh, “đại phục hưng” và “tái thống nhất” Đài Loan là hai nhiệm vụ không thể tách rời. Đặc biệt, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình từng tuyên bố vào tháng 1-2019 rằng “vấn đề Đài Loan chắc chắn sẽ kết thúc với sự “đại phục hưng”của TQ”. Với mục tiêu hiện đại hóa quân đội, TQ bị cho là đang chuẩn bị để tấn công Đài Loan ngay khi Bắc Kinh tự tin nắm chắc phần thắng.

Cuộc diễn tập tác chiến do quân đội TQ tổ chức vào tháng 6-2020 tại bờ biển tỉnh Quảng Đông (gần eo biển Đài Loan). Ảnh: TÂN HOA XÃ

Đầu năm nay, giới lãnh đạo TQ còn đặt ra “mục tiêu thế kỷ về xây dựng quân đội” để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang TQ (1927-2027). Điều này làm nhiều quan chức và học giả phương Tây lo ngại Bắc Kinh đang muốn đẩy nhanh tham vọng quân sự của mình.

Từ năm 2016, khi bà Thái Anh Văn lãnh đạo Đài Loan, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan ngày càng căng thẳng. TQ chấm dứt cơ chế liên lạc với Đài Loan sau khi bà Thái từ chối công nhận “Đồng thuận 1992” - công thức chính trị nền tảng cho chính sách “một TQ” mà Bắc Kinh muốn xây dựng với Đài Bắc.

Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR, Mỹ) ghi nhận TQ thời gian gần đây gia tăng tần suất và quy mô hoạt động quân sự trong hoặc gần các vùng biển và vùng trời mà Đài Loan kiểm soát. Giới chức quân sự Đài Loan liên tục báo cáo về các vụ máy bay TQ tiến vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà vùng lãnh thổ này lập ra. Đặc biệt, 25 tiêm kích và máy bay ném bom TQ đã “xâm nhập” ADIZ Đài Loan trong ngày 12-4. TQ cũng tăng cường các hoạt động hải quân, điển hình là cuộc tập trận của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh gần Đài Loan hồi đầu tháng 4.

Đài Loan tố cáo rằng TQ đã thực hiện hàng ngàn vụ tấn công mạng nhắm vào các cơ quan thuộc chính quyền Đài Bắc mỗi ngày, và số vụ tấn công tăng vọt trong những năm gần đây.

Quan hệ giữa Đài Loan với Mỹ nồng ấm hơn

Nguy cơ xung đột gia tăng còn do những thay đổi từ Mỹ - chỗ dựa quan trọng nhất của Đài Bắc, có thể tạo ra bước ngoặt trong vấn đề Đài Loan. Từ khi bình thường hóa quan hệ với TQ năm 1979, Mỹ đã từ bỏ quan hệ ngoại giao với chính quyền Đài Loan nhưng hiện nay, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ có vẻ đang dành sự ủng hộ mạnh mẽ hơn cho vùng lãnh thổ này.

Trong thời gian Tổng thống Donald Trump nắm quyền (2017-2021), Washington đã thông qua nhiều đạo luật tạo điều kiện cho các chuyến thăm cấp cao Mỹ đến Đài Loan. Washington còn dùng ảnh hưởng của mình để “giữ chân” số ít các nước còn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan và vận động để vùng lãnh thổ này có vị thế lớn hơn trong các tổ chức quốc tế.

Hồi tháng 1, lần đầu tiên trong 40 năm, người đứng đầu Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mỹ - bà Tiêu Mỹ Cầm, được mời dự lễ nhậm chức của một tổng thống Mỹ. Sau đó, bà Tiêu lần lượt gặp cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley (ngày 16-3) và cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ngày 1-4). Còn tại Pháp, đại diện đối ngoại của Đài Loan - ông Ngô Chí Trung hôm 30-4 dùng bữa tại nhà Đại biện lâm thời của Mỹ tại Paris - ông Brian Aggeler.

Tổng thống Joe Biden không những không xé bỏ chính sách thân thiện với Đài Loan của chính quyền tiền nhiệm mà còn tăng ủng hộ lãnh thổ này bằng cách cử tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, xúc tiến nhanh chuyện bán vũ khí cho lãnh thổ này.

Dù nguy cơ xung đột liên quan Đài Loan đang được bàn nhiều nhưng một số chuyên gia tin rằng điều này sẽ không xảy ra trong tương lai gần. Ông Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu TQ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng Bắc Kinh chỉ coi xung đột vũ trang là “lựa chọn sau cùng” khi đã không còn phương án nào khác khả thi. Ông Glaser cho rằng nguy cơ hiện hữu đối với Đài Loan chính là chiến lược “vùng xám” - đe dọa nhưng không gây chiến. Nhà phân tích quân sự James Hoàng, một trung tá Đài Loan đã về hưu, cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ không chọn vũ lực. Thay vào đó, TQ sẽ tập trung làm tê liệt kinh tế và thương mại Đài Loan.•

Điều gì có thể khơi mào xung đột vũ trang TQ - Đài Loan?

Defense One chỉ ra một số kịch bản dẫn tới cuộc chiến mà phương Tây lo ngại sẽ xảy ra ở Đài Loan.

Như TQ luôn nhấn mạnh, chiến tranh sẽ nổ ra nếu Đài Loan tuyên bố độc lập. Hoặc chiến sự cũng có thể xảy ra nếu Bắc Kinh đề nghị nối lại đối thoại “tái thống nhất” nhưng bị cự tuyệt.

Các xung đột quốc tế tại Triều Tiên hay Trung Đông, nếu xảy ra, có thể làm phân tán sự quan tâm của Mỹ. Xung đột cũng có thể nổ ra nếu TQ coi sự phân tâm của Mỹ là cơ hội để hành động.

Nguy cơ khác ít có khả năng xảy ra hơn là việc Mỹ sẽ đột ngột thay đổi chính sách với Đài Loan, ủng hộ hòn đảo này tuyên bố độc lập hoặc từ bỏ đối tác này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm