2 ông Trump, Tập hẹn gặp nhau để xử lý chuyện thương mại

Điện đàm ngày 1-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình cùng thể hiện quyết tâm giải quyết cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai nước. Trong lần liên lạc trực tiếp đầu tiên sau nhiều tháng, hai ông Trump và Tập chủ yếu nói chuyện thương mại, hẹn gặp nhau bên lề hội nghị G20 ở Argentina cuối tháng 11 bàn xử lý cuộc chiến này.

Thị trường ngày 1-11 có phần khởi sắc sau thông tin hai ông Trump, Tập điện đàm và khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, theo các diễn biến thực tế, có thể thấy mục tiêu này không đơn giản.

Mỹ vẫn muốn tăng áp lực

Theo tin từ South China Morning Post (SCMP), nhiều cố vấn thương mại Nhà Trắng không muốn ông Trump nói chuyện thương mại với ông Tập đến chừng nào TQ có hành động cụ thể đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Điều Mỹ muốn là TQ phải thay đổi chính sách về chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và tiếp cận thị trường. Nhiều nhân vật chủ trương cứng rắn như đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro vẫn muốn Mỹ tăng áp lực hơn nữa với TQ.

Nói với kênh tài chính CNBC, các nguồn tin chính phủ Mỹ cho biết hiện không có diễn biến tích cực nào trong quan hệ thương mại hai nước. Ngày 31-10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận định TQ có thể là “thách thức an ninh lớn nhất của Mỹ về dài hạn”, Mỹ đã và đang nỗ lực thuyết phục TQ “hành xử như một quốc gia bình thường về thương mại”. Bản thân ông Trump hai tháng gần đây nhiều lần nói ông không nghĩ đây là thời điểm phù hợp để có thỏa thuận với TQ. Theo Bloomberg, nếu các cuộc đàm phán hai bên, đặc biệt cuộc gặp giữa hai ông Trump, Tập thất bại, Mỹ sẽ chính thức thông báo gói đánh thuế thứ ba lên 267 tỉ USD hàng TQ vào tháng 12. Từ tháng 7 đến nay, con số này là 250 tỉ USD.

Họp báo đầu tuần này, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói “sẽ không xúc tiến gói đánh thuế này trước khi cuộc gặp của tổng thống diễn ra”. Còn cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ sẽ giữ gói đánh thuế 257 tỉ USD lại và có thể sẽ thu nhỏ các gói đã thông báo trước đó nếu các cuộc đàm phán tới đây có kết quả.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hẹn gặp nhau bàn xử lý cuộc chiến thương mại. Ảnh: AFP

Nước nào sẽ nhượng bộ trước?

Theo PGS Wang Yong tại Trường nghiên cứu quốc tế thuộc ĐH Bắc Kinh, chính phủ Trump sử dụng cuộc gặp sắp tới với ông Tập như một cơ hội để có sự nhượng bộ từ TQ. ông Wang cho rằng: “Cả hai bên đang thăm dò nhưng có lẽ các yêu cầu của chính phủ Trump vượt quá điều phía TQ có thể đáp ứng”.

Ông Wang nhận định có thể TQ sẽ có một số nhượng bộ như mở cửa thị trường hơn, có thêm biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên sẽ không nhượng bộ các chính sách quan trọng khác như từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025” (tạm dịch: Hàng sản xuất tại TQ 2025). “Made in China 2025” là kế hoạch phát triển công nghiệp 10 năm của TQ nhằm đưa các nhà sản xuất nội địa thống trị thị trường thế giới, là một lo ngại lớn của Mỹ.

Nhiều quan chức TQ nói họ không chắc có thể đối thoại được với chính phủ Trump nữa hay không khi các thỏa thuận nước này đạt được với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross liên tục bị ông Trump bác. Có mặt tại New York, Mỹ cuối tháng 9, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị nhắc đến chuyện này, cho rằng TQ bị Mỹ phản bội hết lần này đến lần khác.

Một điều nữa, theo lời Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Craig Allen, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ gặp các quan chức cấp cao TQ đầu tháng 10, phía TQ cũng muốn Mỹ bảo đảm mọi nhượng bộ của mình sẽ được Mỹ đáp trả bằng cách dỡ bỏ đánh thuế. Theo ông Allen, việc hai lãnh đạo Mỹ, Trung sẽ gặp nhau cuối tháng này là diễn biến tích cực, tuy nhiên muốn giải quyết được thế bế tắc thì “sẽ cần một trong hai chính phủ nhượng bộ trước”.

Trung Quốc cố tìm hiểu ông Trump muốn gì

Theo Washington Post, nhằm tìm hiểu ý định của ông Trump, TQ đã sử dụng cả các kênh truyền thống và phi truyền thống, tìm đến cả các tổ chức Mỹ, các cựu quan chức chính phủ Mỹ, các lãnh đạo doanh nghiệp. TQ tìm đến cả các nhân vật thân cận với ông Trump như tỉ phú sòng bài Steve Wynn, cựu chiến lược trưởng Nhà Trắng Stephen K. Bannon. Các nhân vật này từng cảnh báo “chiến tranh thương mại” với TQ trong một lần cùng ông Trump gặp Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn.

Tháng 9 vừa rồi, một phái đoàn TQ đã gặp cựu ngoại trưởng Mỹ 95 tuổi Herry Kissinger và nhờ ông chuyển một thông điệp đến Nhà Trắng. ông Kissinger đã nói TQ có thể đánh giá cao ông nhưng ông Trump có thể sẽ không lắng nghe ông. Cũng trong tháng 9, một phái đoàn tài chính cấp cao TQ gặp các lãnh đạo tài chính hàng đầu Mỹ cũng nhằm tìm hiểu chủ trương của ông Trump nhưng cũng không nhiều kết quả. Lý do theo Washington Post, một phần lớn các tổ chức tài chính hàng đầu Mỹ lại do các nhân vật không thân ông Trump lãnh đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm