2009 - năm chết chóc nhất với nhà báo

Trước đó, năm có nhiều nhà báo bị sát hại nhất là 2007, khi có đến 67 nhà báo hoặc bị mưu sát hoặc bị chết trong cuộc chiến tại Iraq. Năm 2008, số nhà báo bị thiệt mạng là 42 người.

2009 - năm chết chóc nhất với nhà báo ảnh 1

Trang web của Ủy ban bảo vệ nhà báo công bố 68 nhà báo bị sát hại trong năm 2009

Năm nay, Philippines đã “qua mặt” Iraq, trở thành nơi nguy hiểm nhất đối với các nhà báo khi có đến 32 nhà báo bị sát hại, trong đó có 31 người bị giết trong vụ thảm sát ở tỉnh Maguindanao. Xếp thứ hai là Somalia với 9 nhà báo bị sát hại.

Iraq, nơi từng là “miền đất chết” đối với các nhà báo, năm nay xếp vị trí thứ ba với 4 nhà báo thiệt mạng. Pakistan cũng có 4 nhà báo thiệt mạng; Nga có 3; Sri Lanka và Mexico có 2; Venezuela, Nepal, Madagascar, Nigeria, Azerbaijan, Indonesia, El Salvador, Colombia, Israel, vùng lãnh thổ Palestine, Iran, Afghanistan và Kenya mỗi nước có 1 nhà báo thiệt mạng.

“Năm nay là năm thiệt hại nặng nề chưa từng có đối với truyền thông thế giới, cho thấy bạo lực đang có khuynh hướng gia tăng. Đa số nạn nhân là các nhà báo địa phương đang tác nghiệp”, giám đốc điều hành Ủy ban bảo vệ nhà báo Joel Simon nói.

Ngoài con số 68 nhà báo nói trên, Ủy ban bảo vệ nhà báo cũng đang điều tra cái chết của 20 nhà báo khác xem có phải bị mưu sát không. Kết quả điều tra sẽ được công bố vào tháng 1-2010.

Theo TƯỜNG VY (Reuters, TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm