4 bí ẩn lớn quanh vụ mất tích máy bay Malaysia Airlines

Việc số phận của máy bay vẫn chưa được làm rõ đã khiến các phỏng đoán và bí ẩn bao quanh nó ngày càng tăng cao. 

Dưới đây là 4 bí ẩn lớn nhất liên quan tới chiếc máy bay, do hãng tin Tân Hoa Xã nêu ra, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia.

Vì đâu máy bay đột ngột mất hết liên lạc?

Giới phân tích đã vạch ra 3 kịch bản cho bí ẩn này. Trước tiên chiếc Boeing 777 có thể đã bay vào vùng mây vũ tích, vốn là loại mây có khả năng sản sinh tia sét và các hiện tượng thời tiết nghiêm trọng khác như gió giật, mưa đá... khiến máy bay mất kiểm soát. Thứ 2, các phi công lái máy bay có thể gặp tai nạn bất thường nào đó. thứ 3 là liên lạc giữa mặt đất và máy bay bị cắt đứt vì lỗi.

Ảnh chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines mới bị mất tích, được chụp ngày 26/12/2011, khi nó đang cất cánh rời khỏi Pháp

Ảnh chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines mới bị mất tích, được chụp ngày 26/12/2011, khi nó đang cất cánh rời khỏi Pháp

Cần biết rằng mặt đất giám sát một chiếc máy bay theo 3 phương thức chính là giám sát rađa, liên lạc qua sóng vô tuyến và hệ thống liên lạc dựa trên vệ tinh. Chỉ khi cả 3 phương thức liên lạc này đều không hiệu quả, người ta mới xem một chiếc máy bay là mất tích.

Những chuyên gia như William Waldock, người dạy về hoạt động điều tra tai nạn tại Đại học hàng không Embry-Riddle ở Arizona, Mỹ, nói rằng việc các phi công không gửi tín hiệu báo nguy nào về mặt đất cho thấy đã có chuyện "rất đột ngột và rất dữ dội" xảy ra với chiếc máy bay. Bởi trong tình huống bình thường, nếu máy bay gặp sự cố kỹ thuật nhỏ hoặc thậm chí là nặng như tắt cả 2 động cơ, phi công vẫn có đủ thời gian để liên lạc về mặt đất xin trợ giúp.

Đã có những phỏng đoán cho rằng hoạt động điều tra làm rõ vì sao máy bay biến mất bí ẩn có thể sẽ kéo dài tới hàng năm trời. Đây là một thực tế đã có tiền lệ. Trong vụ rơi chiếc máy bay của hãng Air France hồi năm 2009, ban đầu người ta tưởng máy bay bị sét đánh. Nhưng sau 3 năm điều tra, nhà chức trách kết luận lỗi kỹ thuật và lỗi con người đã gây ra thảm kịch.

Chuyện gì đã xảy ra với máy bay ở độ cao hành trình?

Sự mất tích của chiếc Boeing 777 hết sức khó hiểu một phần bởi nó đang ở độ cao hành trình hơn 10km, không phải ở giai đoạn cất cánh hoặc hạ cánh vốn nguy hiểm hơn nhiều. Tân Hoa Xã dẫn dữ liệu thống kê các vụ tai nạn máy bay dân dụng do Boeing thực hiện cho thấy chỉ 9% các vụ tai nạn chết người xảy ra khi máy bay đang ở độ cao hành trình.

Các chuyên gia phỏng đoán máy bay có thể đột ngột vỡ trên không hoặc lao thẳng xuống biển với tốc độ rất cao. Khả năng máy bay bị đánh cướp cũng được đặt ra, nhưng thiếu sức nặng. Sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, các máy bay trên thế giới đều đã lắp cửa chống đạn cho khoang lái máy bay. Cánh cửa này sẽ giúp các phi công có đủ thời gian để thông báo với mặt đất về việc bị khủng bố chiếm.

Cơ hội sống sót của những người trên máy bay?

Cộng đồng hàng không vẫn thường rỉ tai nhau câu nói: thà đâm vào đồi núi còn hơn đâm xuống nước. Nếu một chiếc máy bay phát nổ trước khi nó lao xuống biển, cơ hội sống sót của các hành khách là gần như bằng không. Tuy nhiên việc tìm kiếm máy bay sẽ trở nên dễ dàng hơn bởi các mảnh vỡ sẽ nằm rải rác trên một cự ly khoảng hơn 1--km.

Việc chiếc máy bay vẫn biệt tích đã tạo áp lực tâm lý lớn cho thân nhân các hành khách

Việc chiếc máy bay vẫn biệt tích đã tạo áp lực tâm lý lớn cho thân nhân các hành khách

Nếu máy bay chỉ mất kiểm soát trước khi lao xuống biển, điều vốn xảy ra, cơ hội sống sót của hành khách vẫn rất thấp. Yin Zhuo, một chuyên gia quân sự nổi tiếng Trung Quốc, cho biết: "Máy bay dân dụng không có dù thoát hiểm và chiếc máy bay sẽ vỡ tan sau khi lao xuống nước do lực đâm mạnh. Khả năng sống sót không lớn, nhưng không thể loại bỏ hết".

Máy bay cũng có thể hạ cánh khẩn cấp có kiểm soát xuống biển, dù việc máy bay chở khách cỡ lớn như Boeing 777 hiếm khi thực hiện điều này. Hoạt động hạ cánh có kiểm soát như thế sẽ đặt áp lực khổng lồ lên năng lực và tâm lý của các phi công.

Tới nay người ta vẫn còn nhớ lần chuyến bay số 1549 của hãng hàng không U.S. Airways hạ cánh thành công xuống sông Hudson trong ngày 15/1/2009. Toàn bộ 155 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay đã thoát chết nhờ sự tài giỏi của cơ trưởng Chesley B. Sullenberger III, một cựu phi công chiến đấu.

Gần đây nhất, ngày 13/4/2013, một chiếc máy bay của hãng hàng không Indonesia Lion Air đã lao xuống biển và gãy thành 2 phần khi đang cố hạ cánh xuống đảo Bali của nước này. May mắn thay, toàn bộ 101 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đều an toàn.

Vì sao quá khó để tìm kiếm và cứu nạn máy bay?

Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã hoạt động tích cực trong nhiều giờ tại vùng biển nằm giữa Malaysia và Việt Nam, nơi chiếc Boeing 777 mất tích, nhưng cho tới nay vẫn chưa ai thấy được mảnh xác máy bay.

Việc chậm tìm thấy xác máy bay cũng có tiền lệ. Phần xác chính của chiếc máy bay Air France gặp nạn hồi năm 2009 cũng không được tìm thấy cho tới tận 2 năm sau tai nạn. Nhưng người ta chỉ thành công, sau khi đã đổ hàng triệu đô la, sử dụng các công nghệ tàu ngầm độ sâu lớn tối tân nhất và nhờ vào sự may mắn hiếm có, do máy bay đã tự động gửi đi 24 tin nhắn báo lỗi đơn giản trước khi nó biến mất. Từ 24 tin nhắn sơ sài này, người ta đã có manh mối để lần ra xác máy bay và xác định lỗi khiến nó gặp nạn.

Lâu nay cả các nhà sản xuất máy bay và các nhà điều phối ngành hàng không đều cưỡng lại những lời kêu gọi triển khai các hệ thống định vị và lưu trữ dữ liệu khẩn cấp tốt hơn, mạnh hơn, hiện đại hơn các hộp đen hiện nay. Họ nói rằng các hệ thống mới sẽ ngốn nhiều băng thông liên lạc giữa máy bay và vệ tinh, có thể đe dọa tới sự an toàn của chuyến bay, bên cạnh nhiều lý do khác. Và sự chậm chễ thay đổi đó đã khiến chúng ta giờ đây tiếp tục phải đối mặt với một màn "mò kim đáy bể" mới để tìm xác máy bay cùng hộp đen, vốn có thể kéo dài tới hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm trời.

Theo Tường Linh (TT&VH Online /Tân Hoa xã) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm