Ả Rập và phương Tây chia rẽ vì tướng Haftar

Tình hình nội chiến Libya tiến triển phức tạp sau hơn hai tuần lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo kiểm soát TP Benghazi và miền Đông tiến đánh thủ đô Tripoli ở miền Tây do Chính quyền hòa hợp dân tộc (GNA) lãnh đạo.

Ngày 18-4, Văn phòng công tố quân đội chính quyền Tripoli ra lệnh bắt tướng Haftar và sáu cấp dưới của ông vì chỉ đạo không kích các khu dân cư ở Tripoli ngày 16-4. Kênh Alahrar TV dẫn lời một quan chức GNA cho biết có bốn người chết và 20 người bị thương trong vụ này. LNA nói mình không thực hiện vụ không kích này mà chính GNA là thủ phạm.

Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo GNA tuyên bố sẽ yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở TP The Hague (Hà Lan) khởi tố tướng Haftar cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Thủ tướng Sarraj gửi thư tới công tố viên Fatou Bensouda của ICC cho biết sẽ cung cấp tài liệu và bằng chứng cần thiết cho ICC để chứng minh tội ác chiến tranh của ông Haftar. Ông Sarraj cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) buộc tướng Haftar chịu trách nhiệm.

Ả Rập dậy sóng

Ở mặt trận ngoại giao, có thể thấy rõ sự chia rẽ trong chính khối các nước Ả Rập và cả khối các nước phương Tây quanh ủng hộ phe Benghazi hay phe Tripoli. Chính quyền GNA ở Tripoli được thành lập theo thỏa thuận chính trị Libya, được LHQ và quốc tế công nhận như một thể chế tìm sự thống nhất cho Libya. Phe LNA của tướng Haftar nhận được sự ủng hộ của Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Nga, Pháp và cả Saudi Arabia dù về chính thức vẫn tuyên bố ủng hộ chính quyền GNA.

Ai Cập, UAE, Saudi Arabia xem tướng Haftar là nhân tố có thể khôi phục ổn định ở Libya, đánh lại các nhóm Hồi giáo đối thủ chính trị của các nước này đang có mặt ở Libya, đặc biệt là phong trào Anh em Hồi giáo. Phong trào Anh em Hồi giáo có ảnh hưởng lớn trong thế giới Ả Rập và là tổ chức chính trị đối lập lớn mạnh nhất tại nhiều quốc gia Ả Rập, từng cầm quyền một thời gian tại Ai Cập năm 2013 trước khi bị lật đổ. Phong trào Anh em Hồi giáo có vai trò lớn ở Libya theo sau sự kiện nổi dậy và lật đổ lãnh đạo Muammar al-Gaddafi năm 2011 và tiếp tục tham gia chính trị ở Libya.

Vua Salman bin Abdulaziz của Saudi Arabia (phải) tiếp tướng Khalifa Haftar (trái) tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) ngày 27-3-2019, chỉ một tuần trước khi tướng Haftar mở chiến dịch đánh về Tripoli. Ảnh: REUTERS

LHQ từng công bố nhiều báo cáo cho thấy UAE và Ai Cập có cung cấp vũ khí, máy bay chiến đấu cho tướng Haftar, giúp phe LNA chiếm ưu thế về năng lực chiến đấu trên không. Nói với kênh Alhurra TV, Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashagha của chính quyền Tripoli cho biết có nhận thông tin một chiếc máy bay từ UAE chở thiết bị quân sự cho phe tướng Haftar hạ cánh xuống sân bay Benina ở TP Benghazi.

Trong khi đó, báo Wall Street Journal dẫn một số cố vấn cấp cao chính phủ Saudi Arabia cho biết nước này đã đề nghị viện trợ hàng chục triệu USD để giúp ông Haftar trang trải chi phí cho chiến dịch đánh Tripoli. Đề nghị này được phía Saudi Arabia đưa ra khi tướng Haftar sang gặp vua Salman bin Abdulaziz, thái tử Mohammed bin Salman, lãnh đạo tình báo và ngoại trưởng Saudi Arabia vài ngày trước khi mở chiến dịch. Đề nghị này được tướng Haftar chấp nhận. Theo các nguồn tin, số tiền này sẽ được ông Haftar dùng để chi cho lãnh đạo bộ tộc các khu vực mình chiếm giữ để mua sự trung thành, tuyển mộ và trả lương các tay súng.

Qatar lên tiếng rằng cần phải thực thi nghiêm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ với Libya “nhằm ngăn các nước cung cấp đạn dược và vũ khí” cho tướng Haftar. Qatar bị ba nước Ai Cập, UAE, Saudi Arabia cắt quan hệ từ năm 2017. Phần mình, phe LNA tố cáo Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ có hành động ủng hộ phe Tripoli.

205 người thiệt mạng, hơn 900 người bị thương, hơn 25.000 người phải sơ tán vì giao tranh ở Libya trong hơn hai tuần qua, theo số liệu từ LHQ. 

Pháp, Ý căng thẳng

Sự chia rẽ không chỉ xảy ra ở các nước Ả Rập mà cả giữa nội bộ phương Tây, dễ thấy nhất là giữa Pháp và Ý. Pháp xem tướng Haftar là nhân tố tốt nhất để chấm dứt hỗn loạn ở Libya, đảm bảo quyền lợi của mình cả về dầu mỏ và người nhập cư. Nội chiến Libya không những đe dọa sẽ cản trở khai thác, lưu chuyển dầu, tạo điều kiện cho bộ phận Hồi giáo cực đoan mạnh lên mà còn kích thích làn sóng di cư từ Bắc Phi qua Địa Trung Hải hướng về châu Âu. Pháp đẩy mạnh đánh khủng bố sau khi Paris hứng khủng bố hàng loạt năm 2015 làm 120 người thiệt mạng.

Ý đang có nhiều quyền lợi dầu ở Libya, thuộc địa cũ của mình, ủng hộ chính quyền Tripoli. Ý bất mãn việc Pháp không đồng thuận một nghị quyết gần đây của Liên minh châu Âu đề nghị tướng Haftar thôi đánh về Tripoli.

Ngày 18-4, sau khi chính quyền Tripoli cảnh cáo sẽ cắt hợp tác an ninh vì hỗ trợ tướng Haftar, Pháp đã phải lên tiếng khẳng định mình ủng hộ chính quyền của Thủ tướng Sarraj và ủng hộ LHQ tìm giải pháp chính trị cho Libya. Pháp cho biết hai ông Macron và Sarraj đã có cuộc điện đàm đầu tuần này khẳng định sự ủng hộ lẫn nhau.

Đặc phái viên LHQ về Syria Ghassan Salame cho rằng chính sự chia rẽ của các nước Ả Rập và phương Tây đã khuyến khích tướng Haftar thêm bạo gan tấn công về Tripoli. Nhiều nhà quan sát cũng cho rằng chính sự chia rẽ này đã cản trở nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho Libya của LHQ.

Phe LNA ngày 18-4 vẫn tiếp tục không kích phía Tây Tripoli và sân bay Mitiga. Ông Salame, Đặc phái viên LHQ về Syria, cho biết sau những bước thắng thế ban đầu thì giờ phe LNA đang phải vất vả kèn cựa với phe GNA ở phía Nam thủ đô. Trong ngày 18-4, phe LNA mất rồi chiếm lại được quyền kiểm soát căn cứ không quân Tamanhint gần TP chiến lược quan trọng Sabha ở Nam Libya sau đợt giao tranh với một số nhóm vũ trang trung thành với GNA. Tamanhint là căn cứ chính ở Nam Libya, bị LNA chiếm đầu năm nay. HĐBA LHQ cân nhắc thông qua một dự thảo nghị quyết do Anh soạn thảo yêu cầu các bên thống nhất một lệnh ngừng bắn. Qatar đề nghị LHQ khôi phục tổ chức hội nghị quốc gia Libya bàn khả năng tổ chức bầu cử

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm