Ai Cập: Tình hình rối loạn ở sân bay quốc tế Cairo

Nhiều nước đã điều máy bay đến để đưa công dân của mình tại Ai Cập về nước. Các cửa kiểm soát vé không có đủ người làm bởi các nhân viên hàng không Ai Cập không thể đến sân bay làm việc do lệnh giới nghiêm và cấm đường tại thủ đô Cairo.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã sơ tán hơn 1.200 người Mỹ trên các chuyến bay do chính phủ thuê và hy vọng sẽ đưa được thêm khoảng 1.400 công dân Mỹ ra khỏi Ai Cập trong những ngày tới.

Ai Cập: Tình hình rối loạn ở sân bay quốc tế Cairo ảnh 1

Hành khách chờ tại sân bay quốc tế Cairo ngày 1/22011. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại sứ quán Trung Quốc tại Cairo cho biết hai máy bay của nước này đã đưa tổng cộng 480 công dân Trung Quốc rời Ai Cập về nước và hai máy bay khác sẽ tới Cairo hôm nay (1/2/2011) để đưa khoảng 424 công dân Trung Quốc đang chờ ở sân bay.

Canada cũng đã điều hai máy bay đưa khoảng 500 công dân rời Ai Cập. Chính phủ Canada hỗ trợ khoảng 400 USD cho mỗi vé trên hai chuyến bay đặc biệt này.

Trong khi đó, chính phủ liên bang Australia đã thuê một chiếc máy bay của hãng Qantas để sơ tán công dân nước này khỏi Ai Cập. Nhưng phải tới ngày mai (2/2/2011) chiếc máy bay này mới tới được sân bay Cairo.

Indonesia cũng có kế hoạch đưa máy bay quân sự sang Ai Cập để sơ tán hơn 6.000 công dân về nước. Nhật Bản cho biết đã điều nhiều máy bay khẩn cấp để sơ tán hàng trăm công dân Nhật Bản.

Hãng hàng không Thái Lan cũng đã lên kế hoạch cử một chuyến bay đặc biệt tới Cairo để sơ tán khách du lịch người Thái tại đây.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã đưa 1.144 công dân về nước trên 5 chiếc máy bay đêm 30/1/2011. Trước đó, nước này đã đưa 330 người rời Cairo.

Tình trạng rối loạn trên diễn ra trong bối cảnh một cuộc tuần hành lớn dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay (1/2/2011) với sự tham gia của một triệu người tại thủ đô Cairo, đánh dấu một tuần nổ ra làn sóng biểu tình lớn chưa từng có chống chính phủ ở Ai Cập.

Phản ứng trước các cuộc biểu tình đổ máu suốt một tuần qua tại Ai Cập, ông Amr Mussa, Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) cũng là cựu Ngoại trưởng Ai Cập rất được lòng dân đã lên tiếng kêu gọi một quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Được biết, nhiệm kỳ Chủ tịch AL của ông Mussa sẽ kết thúc trong vòng hai tháng nữa và ông được cho là người có nhiều khả năng kế nhiệm Tổng thống Hosni Mubarak.

Cùng ngày 31/1/2011, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Ai Cập xúc tiến "một quá trình chuyển giao có trật tự," hướng tới "các cuộc bầu cử tự do và công bằng."

Trong một tuyên bố chung, các Ngoại trưởng 27 nước thành viên EU hối thúc Cairo đưa ra cách tiếp cận từng bước, trong đó bước khởi đầu là thành lập chính phủ lâm thời và hoàn tất bằng một cuộc bầu cử dân chủ.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, bà Catherine Ashton cũng kêu gọi Tổng thống Mubarak lập tức đàm phán với phe đối lập và đáp ứng các yêu cầu của lực lượng biểu tình.

Nhà Trắng cũng lên tiếng kêu gọi các lực lượng an ninh Ai Cập kiềm chế với người biểu tình trong cuộc tuần hành lớn dự kiến diễn ra hôm nay (1/2/2011).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley nhấn mạnh người dân Ai Cập sẽ quyết định kết cục cuộc khủng hoảng này chứ không phải Washington hay một thế lực nào khác.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm