Ai có thể cản Trump đòi Hàn Quốc 1 tỉ USD cho THAAD?

Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Hàn Quốc trả 1 tỉ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có thể là phép thử cho sự bền vững của liên minh giữa Seoul và Washington trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Triều Tiên, giới phân tích nhận định.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, ông Trump nói với Reuters hôm 27-4 rằng ông muốn Hàn Quốc trả 1 tỉ USD cho hệ thống THAAD.“Tôi đã thông báo với Hàn Quốc biết rằng Seoul trả chi phí thì hợp lý hơn. Hệ thống đó trị giá 1 tỉ USD".

Ứng viên hàng đầu cho chức tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Yonhap

Bình luận của ông Trump xuất hiện khi Hàn Quốc sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống, trong đó có khả năng ông Moon Jae-in sẽ là người đắc cử. Ứng cử viên hàng đầu cho chức tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nói rằng chính quyền Hàn Quốc sắp tới sẽ có “lời cuối” đối với việc triển khai THAAD. Văn phòng chiến dịch tranh cử của ông Moon cũng tuyên bố việc triển khai THAAD nên đình chỉ ngay lập tức.

“Điều này gần như chắc chắn sẽ trở thành vết thương tự gây ra cho liên minh Mỹ-Hàn và cho chính sách đối ngoại của Mỹ” – Daniel Pinkston, giáo sư tại ĐH Troy và là chuyên gia về Hàn Quốc và Triều Tiên ở Seoul, nhận định.

Trong một cuốn sách xuất bản hồi tháng 1, ông Moon có nói rằng Hàn Quốc nên học cách “nói không với người Mỹ”. Qua các cuộc thăm dò, ông Moon là người luôn có tỉ lệ ủng hộ dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống vào 9-5 sắp tới, thay thể cho cựu tổng thống bị phế truất Park Geun-hye. Chính phủ của bà Park đã đồng ý cho Washington triển khai THAAD hồi năm ngoái.

Mỹ bắt đầu di chuyển một số bộ phận quan trọng của THAAD tới địa điểm triển khai hôm 26-4. Ảnh: SCMP

Nếu đắc cử, ông Moon sẽ gần như chấm dứt một thập kỷ đặt dưới sự lãnh đạo của đảng bảo thủ ở Hàn Quốc, vốn xem liên minh với Mỹ là nền tảng của sự phòng thủ trước đe dọa từ Triều Tiên. Ông Moon ủng hộ đối thoại với Triều Tiên và chỉ trích chính phủ bảo thủ cũng như lập trường hiếu chiến khi không thể ngăn chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng.

Chính phủ Trump hôm 26-4 nói rằng muốn buộc Triều Tiên phải chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn và bằng sức ép ngoại giao. Tuy nhiên, ông Trump vẫn để mở bàn đàm phán về vấn đề.

Kim Ki-jung, một cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Moon, đánh giá đề nghị Hàn Quốc trả tiền cho lá chắn tên lửa của Mỹ là “lựa chọn bất khả thi”.

“Ngay cả khi chúng tôi mua lại THAAD, thì công tác vận hành chính vẫn nằm trong tay Mỹ. Vì vậy, việc mua lại THAAD là lựa chọn bất khả thi” – ông Kim nói. Một vài chính trị gia tự do đề xuất Hàn Quốc nên phát triển cho riêng mình hệ thống phòng thủ tên lửa.

Nhiệm vụ của THAAD là đánh chặn và phá hủy một tên lửa đạn đạo khi sắp rơi. Một THAAD bao gồm bốn phần: bệ phóng, tám tên lửa đánh chặn, một hệ thống radar và một hệ thống điều khiển hỏa lực liên kết với các chỉ huy quân đội Mỹ.

Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối việc triển khai THAAD. Ảnh: SCMP

Seoul nói quyết định triển khai THAAD hoàn toàn là quyết định quân sự của Mỹ. “Ông ấy (Donald Trump) đang sử  dụng THAAD như một con chuột lang để làm thí nghiệm, kiểm chứng mối quan hệ Hàn Quốc-Mỹ” – GS Kim Dong-yub tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của ĐH Kyungnam ở Seoul, nói.

“Ông Trump dường như đang kiểm chứng cam kết của Hàn Quốc đối với liên minh Mỹ-Hàn. Tôi tự hỏi liệu có phải ông Trump nói điều đó bởi vì ông ấy nghĩ ông Moon sẽ đắc cử tổng thống Hàn Quốc hay không” – ông Kim nói thêm.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, ông chủ Nhà Trắng cũng nói rằng ông sẽ tái thương lượng hoặc chấm dứt những gì ông gọi là thỏa thuận thương mại tự do “khủng khiếp” với Hàn Quốc.

Một cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao khác của ông Moon cho rằng bình luận của ông Trump về chi phí của THAAD đã đặt ra câu hỏi cốt lõi rằng liên minh Mỹ-Hàn có thể sánh bước tới đâu.

“Đây là một chiều hướng mới. Quan điểm của chúng tôi là chúng ta nên xem xét lại THAAD ngay cả khi chúng ta không trả tiền cho hệ thống, nhưng những  bình luận của Tổng thống Trump đã thay đổi khía cạnh cốt lõi của vấn đề này” – ông Chung Eui-yong, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Geneva, cũng là cố vấn cấp cao của ông Moon, cho biết. “Chúng ta sẽ phải chọn điều gì là tốt nhất đối với lợi ích quốc gia của chúng ta” – ông Chung nói thêm.

Quân đội Mỹ đã bắt đầu triển khai THAAD hồi đầu tháng 3, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc vốn xem radar của hệ thống có thể được dùng để do thám lãnh thổ nước này. Việc triển khai THAAD cũng dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người dân sống ở Seonjgu, phía đông nam Hàn Quốc, nơi hệ thống này được triển khai. Triều Tiên cũng nhiều lần cảnh báo trả đũa.

Hàn Quốc hôm 26-4 cho biết các bộ phận quan trọng của hệ thống đã được di chuyển tới địa điểm triển khai và sẽ vận hành vào cuối năm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm