Chân dung người đang 'ám ảnh' nước Mỹ - Bài cuối:

Ai tạo nên Donald Trump 'ngang tàng' ngày nay?

Hiện Trump đang trên đà thắng trong cuộc chạy đua trở thành đại diện đảng Cộng hòa tham gia tranh cử tổng thống Mỹ. Rất nhiều nhà phân tích đã tập trung vào giải thích hiện tượng Trump.

Theo tạp chí The Atlantic (Mỹ), thành công của Trump là tổng hòa các yếu tố, từ các xung đột nội tại của đảng Cộng hòa, đến phản ứng mạnh của bộ phận người da trắng tầng lớp thấp với hệ thống chính trị Mỹ và sự lo lắng của người lao động với các thay đổi về kinh tế và xã hội ở Mỹ. Lo lắng và sợ hãi khiến họ có nhu cầu chỉ trích, đổ lỗi, và họ cần người dẫn dắt. Người đó là Trump.

Các yếu tố này tạo nên hiện tượng Trump. Nhưng không giúp giải thích từ đâu xuất hiện một Trump như hiện nay, cũng như ai và làm sao có thể ngăn chặn được Trump.

Trump thời còn trẻ. (Ảnh: CORBIS)

Không bỗng dưng mà có một Donald Trump ngang tàng, ăn nói bạt mạng, khoe khoang có phần quá đáng hôm nay, mà đó là tinh hoa di truyền của hai thế hệ đời ông ngoại và đặc biệt là bố Trump. Đây là nhận định của báo Guardian (Anh).

Khoe khoang, ngang tàng từ gốc

Nói điều này là có cơ sở khi theo tạp chí The Week (Mỹ), cư dân làng Kallstadt, quê hương gốc của ba thế hệ nhà Trump được biết đến với cụm từ Brulljesmacher - những người khoe khoang, khoác lác.

Fred Trump là người rất tự tin. Dù có cách sống kín đáo hơn con trai nhưng ông Fred Trump vẫn có những biểu hiện ưa thích sự nổi bật. Guardian cho biết ông có sở thích nhuộm tóc, đặc biệt yêu thích tóc màu đỏ tía. Nhiều bức ảnh cho thấy Fred Trump có ý thích để tóc dài hơn bình thường.

Trong tự truyện “Nghệ thuật thương lượng”, Trump viết quan hệ giữa ông và cha rất thân tình. “Tôi không hề bị cha hăm dọa, tạo áp lực như nhiều người hay bị. Ông ấy biết tôi ủng hộ ông”.

Tuy nhiên, Guardian dẫn lời một số người bạn của Trump cho biết dù thân tình nhưng sự hợp tác giữa hai người có vẻ không được tốt lắm. “Cái cách hai cha con họ ở trong cùng một phòng rất lạ. Cả hai đều ra sức nói nhưng có vẻ như không ai nghe ai cả”. Chủ đề cả hai thường gay gắt nhau là về chuyện kinh doanh của gia đình.

Sự ngang tàng của Trump thể hiện ngay trong lời lẽ Trump viết trong thông cáo báo chí về sự qua đời của cha đăng trên báo New York Times. Trump đề cập rất hóm hỉnh đến việc cha mình đã không muốn mở rộng việc kinh doanh đến TP Manhattan - điều mà hai cha con luôn bất đồng.

“Đây là điều tốt với tôi. Bạn biết đấy, là con của một người như cha tôi có thể là một sự đua tranh. Giờ thì tôi có cả Manhattan cho riêng mình”.

Đây có vẻ là những lời bất thường nói về cha mình khi cha vừa mới mất. Tuy nhiên, làm những điều bất thường lại là chuyện xảy ra bình thường ở gia đình Trump.

Cực đoan cũng từ gen

Trong các chiến dịch tranh cử tổng thống, Trump đưa ra nhiều đề xuất rất cực đoan như chống nhập cư, chống người Hồi giáo, cứng nhắc trong đối ngoại…

Gia đình Trump trong một buổi vận động tranh cử tổng thống tháng 11-2015. (Ảnh: AP)

Tư tưởng này cũng là Trump thừa hưởng từ cha mình. Lúc còn sống, ngoài kinh doanh, Fred Trump còn được biết đến là một người phân biệt chủng tộc. Năm 1927, Fred Trump từng bị bắt vì tham gia một cuộc tuần hành của tổ chức cực hữu Ku Klux Klan ủng hộ thuyết người da trắng là ưu việt.

Năm 1973, công ty của gia đình và cả bản thân Donald Trump bị Bộ Tư pháp Mỹ kiện vì cáo buộc phân biệt đối xử với người da đen, không cho họ thuê nhà. Hồ sơ thuê nhà của những người da đen bị đánh chữ “C” (colored: có màu) và bị từ chối. Công ty nhà Trump phải cam kết không phân biệt đối xử trong kinh doanh.

Ai có thể ngăn chặn Trump?

Theo The Atlantic, người muốn đấu với hy vọng ngăn chặn được Trump ít nhất phải có ba yếu tố.

Thứ nhất, người đó phải giàu. Nhiều tiền cho phép người đó không phải chịu ơn và lệ thuộc vào ai, tránh được sự áp đặt của các cá nhân hay tổ chức tài trợ, quyên góp - vốn là chuyên thường xảy ra đối với các đảng phái chính trị.

Lý do của việc Trump tuyên bố hùng hồn mình tự tài trợ cho chiến dịch tranh cử của mình là gì? Trump muốn tỏ rõ sự khác biệt giữa mình với các đối thủ khác rằng mình không cần cầu cạnh người giàu, không mệt óc tổ chức các cuộc gây quỹ kiếm tiền tranh cử. Điều này gây ấn tượng rất lớn với những bộ phận người bình dân Mỹ.

Ai có thể ngăn chặn Trump? (Ảnh: EXAMINER)

Thứ hai, đó phải là người nổi tiếng. Rất khó nếu không muốn nói một người không thể đánh bại được Trump nếu người đó không có sự nổi tiếng tự thân.

Một người với các quan điểm cực đoan như Trump, từ bảo hộ công nghiệp trong nước đến phân biệt sắc tộc và tôn giáo mà không có sự nổi tiếng tự thân thì rất dễ bị đè nén. Tuy nhiên, Trump thì không, vì ông vốn đã có sẵn một show truyền hình và sáu triệu người theo dõi trên Twitter trước khi công khai nói về các quan điểm này. Đó cũng là lý do các lãnh đạo đảng Cộng hòa dù rất cay cú nhưng không thể bắt ông im miệng.

Không có được sự nổi tiếng như Trump thì một tỉ phú khác dù có quan điểm bảo thủ, cực đoan và có những phát biểu công kích thế nào cũng không được chú ý nhiều như Trump. Nói cách khác, Trump đã tạo được cho mình một hào quang mà mọi người không thể ngó lơ.

Điều thứ ba và cũng là điều quan trọng nhất, đó là Trump làm như thể không quan tâm đến danh tiếng mình có mất hay còn.

Có rất rất nhiều người giàu, nổi tiếng trong nội bộ đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, họ dường như quá chú trọng đến những gì người khác nghĩ về mình, điều này khiến chọn làm người an toàn, lúc nào cũng hành động dè chừng, chừng mực, không được làm gì thái quá. Nhưng Trump thì khác, nói và làm như thể mình không có gì để mất.

Chắc chắn rất nhiều chính trị gia đủ thông minh để biết cử tri muốn điều gì - đó là bất mãn, chỉ trích và phán xét - nhưng không đủ dũng cảm để mang lại điều đó cho họ. Và chỉ mỗi Trump có thể làm được.   

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm