Al-Qaeda âm mưu đánh bom máy bay

Ngày 26-12, sau khi xảy ra âm mưu đánh bom máy bay Airbus 330-300 mang số hiệu 253 của hãng hàng không Mỹ Delta-Northwest Airlines, các sân bay ở Pháp, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ... đều đã tăng cường an ninh đối với các chuyến bay đến Mỹ theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ gửi cho các sân bay trên thế giới. Hành khách phải mất thêm thời gian bị kiểm tra hoặc hạn chế mang hành lý xách tay.

Tại Mỹ, Bộ Nội vụ chưa nâng mức cảnh báo an ninh quốc gia nhưng đã đặt hàng không trong tình trạng báo động cao. Bộ ban hành ngay các biện pháp an ninh bổ sung gồm chó dò bom, tăng cường kiểm tra thân thể hành khách và hành lý, khuyến khích hành khách thông báo dấu hiệu khả nghi.

Hành khách khống chế kịp thời

Trước đó, trưa 25-12 theo giờ địa phương, máy bay mang số hiệu 253 chở 289 người cất cánh từ Nigeria quá cảnh ở sân bay Schiphol tại Amsterdam (Hà Lan) và bay tiếp đi Detroit (Mỹ).

Al-Qaeda âm mưu đánh bom máy bay ảnh 1

Chiếc máy bay Airbus 330-300 của hãng Delta-Northwest Airlines suýt bị khủng bố đã hạ cánh an toàn tại sân bay Detroit ngày 25-12.

Cách Detroit 20 phút bay, máy bay giảm độ cao thì hành khách nhìn thấy một ánh chớp. Nghe có tiếng nổ lốp bốp và ngửi thấy mùi thuốc nổ từ chỗ ngồi của Umar Farouk Abdul Mutallab, họ đã lao tới khống chế và vô hiệu hóa thiết bị nổ gài dưới chân tên này. Phi công ra tín hiệu xin hạ cánh khẩn cấp. Mutallab và hai hành khách bị bỏng được đưa vào bệnh viện.

Mutallab lên máy bay từ Nigeria. Lúc đầu hắn khai thuộc tổ chức khủng bố Al-Qaeda, được lệnh cho nổ bom trong lòng nước Mỹ nhưng sau đó phản cung và nói không thuộc tổ chức khủng bố nào.

Theo điều tra của FBI, Mutallab người Nigeria, 23 tuổi là sinh viên đại học ở London (Anh). Hắn gài gói bột vào chân, sau đó lấy mền đắp lên người để khi lấy ống tiêm bơm chất lỏng chưa xác định vào gói bột khỏi bị phát hiện. Chất lỏng xúc tác với bột làm lóe sáng nên hành khách phát hiện.

Obama được báo tin

FBI nhận định có thể Mutallab hoạt động độc lập và chưa qua đào tạo khủng bố. Hắn có tên trong dữ liệu tình báo Mỹ nhưng không nằm trong danh sách cấm bay. Bộ Nội vụ Mỹ cho biết thiết bị bột và nước của hắn giống chất gây cháy hơn chất nổ.

Theo nghị sĩ Peter T. King thuộc Ủy ban Nội vụ Hạ viện, hiện chưa xác định được thành phần chất bột nhưng trông không giống thiết bị nổ nào trước đó. Có lẽ đây là lý do hệ thống kiểm soát an ninh bỏ qua. Ông cho biết chưa có dấu hiệu cho thấy cá nhân nào khác có liên quan nhưng cơ quan điều tra cần rà soát lại thông tin tình báo khả nghi.

Văn phòng Tổng thống Mỹ khẳng định đây là hành vi khủng bố. Từ đảo Hawaii nghỉ lễ Giáng sinh cùng gia đình, Tổng thống Obama nhận được tin đã chỉ đạo ngay cho cố vấn chống khủng bố John Brennan và Quyền Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Denis McDonough tăng cường an ninh, đồng thời chỉ đạo Bộ Nội vụ, Cơ quan An ninh hàng không và FBI phối hợp điều tra.

Tại Nigeria, hai sân bay quốc tế ở thủ đô Abuja và TP Lagos đã tăng cường thêm các biện pháp an ninh. Theo chỉ thị của phó tổng thống Nigeria, Nigeria đã mở cuộc điều tra về tên Mutallab và tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Từ lâu, Mỹ lo ngại an ninh hàng không ở Nigeria và đã gửi ba bộ thiết bị dò bom dù không có chuyến bay trực tiếp từ Nigeria sang Mỹ.

HỒNG CẨM (Theo AP, Boston Herald, New York Times)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm